Việc nhân viên được công ty điều chuyển vị trí công việc hay thăng chức, giáng chức vốn là chuyện khá phổ biến. Thế nhưng tại Trung Quốc lại xảy ra 1 vụ kiện khá hi hữu liên quan đến việc giáng chức của 1 vị Giám đốc nọ, khiến dư luận nước này không khỏi xôn xao.
Ngày 14/12/2006, anh Đào X bắt đầu làm việc tại công ty TNHH nguyên liệu Hoa Nam XXX (Thâm Quyến), đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Quản lý thông tin. Mức lương bình quân của anh Đào trong 12 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động là 20.205 tệ (tương đương 72,6 triệu đồng)/tháng.
Tháng 6/2019, công ty đột ngột giáng chức của anh Đào, khiến anh từ 1 Giám đốc trở thành nhân viên lễ tân ở sảnh thang máy tầng 8. Tuy bị điều chuyển công việc, nhưng các đãi ngộ công ty dành cho anh Đào vẫn được giữ nguyên không hề thay đổi.
Anh Đào cho rằng nguyên nhân khiến công ty đưa ra sự thay đổi trên là bởi họ không đi đến được thống nhất trong việc đàm phán chấm dứt hợp đồng lao động với anh. Sau quyết định điều chuyển, công ty cũng huỷ quyền sử dụng máy in và dọn máy tính của anh Đào đi, hành động này trên thực tế chính là từ chối cung cấp cho anh các điều kiện lao động cơ bản.
Phía công ty khẳng định họ chưa từng đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với anh Đào, càng không nói tới việc sa thải anh. Từ tháng 12/2018, công ty bắt đầu tiến hành điều chỉnh tối ưu hoá bộ máy tổ chức. Bởi những sai sót trong công việc và kết quả thẩm định hiệu quả làm việc kém, công ty đã thương lượng với anh Đào về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đôi bên không đạt được thoả thuận trong vấn đề bồi thường.
Sau đó, công ty đưa ra quyết định điều chuyển anh Đào xuống quầy lễ tân ở sảnh thang máy tầng 8 để thuận tiện hơn cho công việc. Xét thấy ở tầng 8 cũng có máy in, nên công ty đã huỷ bỏ quyền sử dụng máy in ở tầng 9 (văn phòng cũ) của anh Đào. Bên cạnh đó, để phòng trừ trường hợp nhân viên tiết lộ thông tin cơ mật của công ty, họ đã thu lại máy tính cũ của anh Đào và lắp đặt máy mới cho anh tại tầng 8. Công ty nhận định anh Đào vẫn có thể làm việc bình thường, thế nên không hề tồn tại việc tước bỏ điều kiện lao động của anh.
Ngày 4/6/2019, công ty đưa ra thông báo điều chuyển công việc, nhưng anh Đào không chấp nhận vị trí mới và tự ý rũ bỏ nhiệm vụ được giao phó. Ngày 17/6/2019, công ty nhận được văn kiện yêu cầu bồi thường do luật sư của anh Đào gửi đến. Tuy nhiên, công ty vẫn không đồng ý việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa 2 bên và từ chối giải quyết những việc có liên quan. Cũng trong ngày hôm ấy, anh Đào đã trả lại thẻ ra vào và các tài liệu có liên quan cho công ty, sau đó không đến công ty làm việc nữa, đồng thời yêu cầu công ty đền bù thiệt hại cho mình. Giữa 2 bên xảy ra tranh chấp lao động.
Anh Đào đã nộp đơn lên Toà án, yêu cầu công ty bồi thường cho mình 527.930 tệ (tương đương 1,9 tỷ đồng) vì đã chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp. Sau đó, Toà án đưa ra phán quyết công ty phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho anh Đào số tiền 262.665 tệ (tương đương 943,3 triệu đồng). Phía công ty từ chối tiếp nhận và đâm đơn kiện ngược.
Toà sơ thẩm nhận định, hành vi điều chuyển vị trí của công ty dành cho anh Đào mang tính xúc phạm và trừng phạt. Anh Đào có quyền được bồi thường về mặt kinh tế khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo Toà án nhân dân huyện Long Cương, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, khi người sử dụng lao động đơn phương điều chuyển người lao động thì cần đáp ứng các điều kiện sau: Thứ nhất, việc điều chuyển phải dựa trên nhu cầu sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp hoặc do khả năng, thái độ làm việc... của người lao động; Thứ hai, mức lương của người lao động sau khi điều chuyển phải tương đương với công việc ban đầu; Thứ ba, việc điều chuyển không được mang tính xúc phạm và trừng phạt người lao động; Thứ tư, việc điều chuyển không được làm gia tăng chi phí lao động của người lao động.
Nguyên đơn (ở đây là phía công ty) đã giáng chức của bị đơn (tức anh Đào) từ Giám đốc Trung tâm Quản lý thông tin xuống thành nhân viên bình thường, đồng thời chuyển văn phòng ở tầng 9 của bị đơn sang quầy lễ tân tại sảnh cầu thang tầng 8. Mặc dù mức đãi ngộ dành cho bị đơn vẫn được giữ nguyên sau khi điều chuyển công việc, nhưng hành động này rõ ràng mang tính xúc phạm và trừng phạt. Do đó, việc công ty điều chuyển công việc của anh Đào đã vi phạm pháp luật.
Ngày 17/6/2019, công ty đã nhận được văn bản luật sư yêu cầu bồi thường cho anh Đào, trong đó anh cũng thông báo sẽ trả lại những thứ liên quan và không đến công ty làm việc nữa, hành động này được coi là sự bày tỏ ý định chấm dứt hợp đồng lao động với công ty từ phía anh Đào. Quan hệ lao động giữa đôi bên chấm dứt vào ngày 17/6/2019 do anh Đào đề xuất, còn anh Đào vẫn làm việc bình thường đến ngày 17/6/2019.
Căn cứ vào việc công ty điều chuyển công việc cho anh Đào không đúng luật, anh Đào đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động là hoàn toàn có cơ sở.
Phán quyết cuối cùng của Toà sơ thẩm: Trong vòng 3 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực, công ty phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho anh Đào số tiền 262.665 tệ (tương đương 943,3 triệu đồng).
Công ty vẫn không phục và tiếp tục kiện lên Toà án nhân dân Trung cấp Thâm Quyến.
Toà án nhân dân Trung cấp Thâm Quyến cho rằng, việc điều chuyển vị trí của nhân viên phải hợp lý và chính đáng, không được mang tính xúc phạm. Bởi vậy, phán quyết của Toà sơ thẩm là hoàn toàn chính xác. Cuối cùng, Toà phúc thẩm đã bác bỏ kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án ban đầu.
Theo Ding Dang TT (Trí Thức Trẻ)