"Khách hàng là thượng đế" là câu nói khá phổ biến ngày nay, nhưng không phải tất cả đều như vậy, tờ Sixth Tone mở đầu bài viết.
Theo đó, một người phụ nữ họ Đặng (Deng) ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc đã lực lượng chức năng bắt giữ vì hành vi lừa đảo các nhà hàng trên khắp cả nước.
Cụ thể, khi đồ ăn trên mạng và đơn hàng được giao đến nhà, Đặng thường liên hệ với các nhà hàng và phản ánh trong đồ ăn có các vật thể lạ như ruồi, ốc vít. Sau đó Đặng yêu cầu các nhà hàng bồi thường nếu không sẽ đe dọa đánh giá tiêu cực hoặc báo cáo với cơ quan chức năng địa phương.
Cuối cùng, Đặng yêu cầu các nhà hàng không được tính phí các bữa ăn thậm chí còn đòi họ phải bồi thường khoản tiền hơn 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng).
Sau khi theo dõi, Cảnh sát Bắc Kinh đã lần ra nơi ở của người phụ nữ này, cách thủ đô hơn 1.000km. Đài Phát thanh & Truyền hình Bắc Kinh cho hay, trong vòng hơn nửa năm, Đặng đã đặt đồ ăn mang về từ 18 tỉnh/thành phố khác nhau.
Cảnh sát phát hiện cô ta đã thực hiện hành vi này hơn 200 lần và nhận tổng cộng 20.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 68 triệu đồng) tiền bồi thường.
Theo Sixth Tone, các nhà ở Trung Quốc rất nhạy cảm với những đánh giá tiêu cực do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Các đánh giá của thực khách thường ảnh hưởng đến điểm số của nhà hàng trên các nền tảng giao đồ ăn, nơi được khách hàng sử dụng để tham khảo trước khi chọn điểm đến.
Theo truyền thông, hành vi của Đặng có thể bị kết tội là lừa đảo hoặc cưỡng đoạt tùy thuộc vào cách nhà hàng phản ứng hay số tiền liên quan.
Luật sư Trương Bách Lôi (Zhang Baile) đến từ Công ty Luật Shanghai Seven Dimension nhận định nếu nhà hàng tin Đặng nói thật và số tiền bồi thường vượt mức quy định hình sự, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo.
Ngược lại, nếu nhà hàng cảm thấy bị cưỡng ép bồi thường do lo ngại đánh giá tiêu cực hoặc báo cáo chính quyền, tội danh của Đặng sẽ chuyển sang thành cưỡng đoạt tài sản.
Ông Trương cho biết do số tiền liên quan "tương đối lớn", nên Đặng có thể phải đối mặt với mức án tối đa 3 năm tù cộng với khoản tiền phạt tương ứng.
Tờ Sixth Tone cũng cho hay, Đặng không phải là trường hợp duy nhất lợi dụng áp lực cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc để thực hiện những hành vi phạm pháp.
Tháng 11 năm ngoái, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ 13 người vì sử dụng chiêu thức tương tự để tống tiền các nhà hàng và nền tảng giao đồ ăn. Cảnh sát đã xác minh được hơn 560 trường hợp tương tự với tổng thiệt hại lên tới 50.000 nhân dân tệ (170 triệu đồng).
Trước đó, hồi tháng 8/2022, Mai Đoàn (Meituan) nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, đã nhận được khiếu nại từ một số nhà hàng tại Phúc Châu,tỉnh Phúc Kiến về các vụ nghi ngờ tống tiền từ khách hàng.
Mai Đoàn đã thành lập một đội ngũ chuyên trách để xử lý các khiếu nại giả mạo của khách hàng, giúp cảnh sát triệt phá được 19 trường hợp tương tự trong vòng 8 tháng kể từ tháng 1 đến tháng 8/2023.
QT (SHTT)