Căng thẳng và bất ổn ở khu vực biên giới Sikkim giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khơi lại ký ức về cuộc xung đột đẫm máu giữa các binh sĩ hai nước gần 50 năm trước.
Cuộc chiến nổ ra ngày 11/9/1967 và kéo dài nhiều tháng khi cả Ấn Độ và Trung Quốc tố cáo binh sĩ đối phương "xâm nhập và xâm chiếm lãnh thổ".
Thái độ trong lời cảnh báo của Trung Quốc đối với Ấn Độ vào thời điểm đó được cho là hết sức tương đồng với tuyên bố của Bắc Kinh gửi New Delhi gần năm thập kỷ sau đó, vào hôm 29/6 vừa qua, bao gồm chi tiết "gợi nhớ" về chiến tranh biên giới 1962 - cuộc xung đột mà ấn tượng vẫn còn sâu sắc với các chỉ huy quân đội cả hai nước.
Lá thư của Bộ ngoại giao Trung Quốc gửi Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh ngày 11/4/1967 viết "Chính phủ Trung Quốc phải nghiêm túc nhắc nhở Chính phủ Ấn Độ: Các vị phải rút ra bài học từ kinh nghiệm quá khứ, chấm dứt các hành động khiêu khích dọc biên giới Trung Quốc-Sikkim và ngưng các phát biểu xúc phạm chống lại Trung Quốc, nếu không quý vị sẽ phải nếm trái đắng từ chính hành động của mình."
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 29/6 vừa qua cảnh báo Ấn Độ "tiếp thu bài học lịch sử và chấm dứt những phát ngôn nguy hiểm khiêu khích chiến tranh".
Ngày 10/9/1967, một ngày trước cuộc xung đột biên giới Sikkim, Bộ ngoại giao Trung Quốc lại gửi một thư cảnh cáo khác, gọi các lãnh đạo Ấn Độ là "một phần của dàn đồng ca chống Trung Quốc trên thế giới".
Lá thư viết, "Chính phủ Trung Quốc nghiêm khắc cảnh cáo Chính phủ Ấn Độ: Lực lượng biên phòng Trung Quốc đang quan sát chặt chẽ diễn biến tình hình dọc biên giới Trung Quốc-Sikkim. Nếu quân đội Ấn Độ tiếp tục hành động xâm nhập thách thức, Chính phủ Ấn Độ sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những hậu quả nghiêm trọng".
Đáp lại, Bộ ngoại giao Ấn Độ cũng cáo buộc quân đội Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận song phương.
"Chính phủ Trung Quốc nhận thức rõ biên giới Sikkim-Tây Tạng là đường biên giới quốc tế được xác định và đã được Trung Quốc công nhận. Bằng việc phát động tấn công vũ trang, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách leo thang căng thẳng tại một điểm biên giới vốn không hề có tranh chấp," thư Bộ ngoại giao Ấn Độ gửi Bắc Kinh viết.
Binh sĩ Trung Quốc đứng gác ở đường biên giới Nathu La (Ảnh: Reuters) |
Báo Ấn Độ: Quân đội Ấn Độ đã "lội ngược dòng" trước Trung Quốc
Cuộc giao tranh đầu tiên của năm 1967 kéo dài 4 ngày, từ 11/9 đến 14/9 tại Nathu La.
Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 30/6 viết, nếu cuộc chiến năm 1962 là một nỗi thất vọng của New Delhi thì quân đội Ấn Độ đã "lội ngược dòng" ngoạn mục vào 5 năm sau đó.
Theo số liệu về cuộc xung đột 1967 do Thiếu tướng Sheru Thapliyal, chỉ huy lực lượng Ấn Độ tại Sikkim vào thời điểm đó, phía Ấn Độ tổn thất 70 binh sĩ, trong khi Trung Quốc mất hơn 400 người. Các số liệu từ Trung Quốc chỉ thừa nhận hơn 100 người thiệt mạng.
"Chúng ta đã đánh họ chảy máu mũi," một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ nói với Hindustan Times khi bình luận về cuộc xung đột biên giới năm 1967.
Giao tranh tiếp diễn từ ngày 1/10/1967 tại Cho La và gây ra nhiều thương vong hơn, nhưng lực lượng Ấn Độ đã giữ vững tuyến phòng thủ và buộc phía Trung Quốc rút khỏi Cho La - theo Hindustan Times.
Kể từ đó, vùng biên giới Sikkim vẫn duy trì tình trạng không xung đột. Sikkim vào năm 1967 vẫn được Ấn Độ xếp là vùng bảo hộ, và chính thức gia nhập liên bang vào năm 1975. Trong khi đó, truyền thông chính thống của Trung Quốc hiếm khi cung cấp thông tin chi tiết về sự kiện 1967.
Tuy nhiên nguy cơ xung đột leo thang ở vùng biên giới Sikkim đã tăng cao hồi tuần qua khi cả hai nước tố cáo quân đội của nhau vượt biên và gây ra xô xát lớn. Hai boongke của Ấn Độ được cho là đã bị phá hủy.
Tờ Indian Express (Ấn Độ) ngày 1/7 cáo buộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục triển khai trang thiết bị để xây đường ở ở khu vực Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglong) tranh chấp gần Sikkim.
Hai nước đã tăng cường lực lượng tại các cứ điểm trên biên giới giữa bầu không khí gay gắt của cuộc khẩu chiến Bắc Kinh-New Delhi vài ngày qua. Dù vậy, quân đội Ấn Độ bác bỏ thông tin rằng có nhiều dấu hiệu bùng phát xung đột trong khu vực.
Theo Hải Võ (Thời Đại)