Bí ẩn về số phận bi thảm 43 sinh viên cướp xe buýt chở ma túy để đi biểu tình

24/10/2021 08:16:08

Một đoạn tin nhắn vừa công bố đã gây chấn động dư luận Mexico khi nó cho thấy có sự thông đồng giữa cảnh sát và tội phạm trong vụ án 43 sinh viên mất tích hồi tháng 9-2014. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là vụ án bí ẩn chưa thể tìm ra thủ phạm.

Bí ẩn về số phận bi thảm 43 sinh viên cướp xe buýt chở ma túy để đi biểu tình
Dù 7 năm đã trôi qua, thi thể của hầu hết các sinh viên mất tích chưa được tìm thấy

Những tin nhắn kinh hoàng

Các tin nhắn qua điện thoại giữa một tên trùm tội phạm và một Phó Cảnh sát trưởng đã vén màn bí ẩn về 43 sinh viên mất tích ở bang Guerrero (Tây Nam Mexico) vào ngày 26-9-2014. Tất cả các sinh viên đều theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm nông thôn ở thị trấn Ayotzinapa gần đó, và họ được gọi là “nhóm Ayotzinapa 43”. Ngôi trường này được coi là “pháo đài” của các hoạt động chính trị sôi nổi. Và vào đêm xảy ra vụ mất tích, hơn 100 sinh viên đã lên đường đến Thủ đô để tham gia các cuộc biểu tình nhân kỷ niệm vụ thảm sát sinh viên năm 1968 tại Tlatelolco. Hầu hết các sinh viên này đều ở độ tuổi ngoài 20, nhưng người trẻ nhất là Jose Angel Navarrete (được bạn bè gọi là Pepe) mới 18 tuổi.

Gildardo López Astudillo là thủ lĩnh băng đảng Guerreros Unidos phụ trách khu vực xung quanh thị trấn Iguala (bang Guerrero), nơi nhóm sinh viên được nhìn thấy lần cuối. Còn ông Francisco Salgado Valladares là Phó Cảnh sát trưởng của thị trấn này. Vào ngày 26-9-2014, ông Salgado nhắn tin cho López để báo rằng, các sĩ quan cảnh sát đã bắt giữ 2 nhóm sinh viên vì đã khống chế xe buýt. López trả lời rằng đang sắp xếp một điểm trung chuyển trên một con đường gần thị trấn và ông ta “có những chiếc giường để khủng bố” các sinh viên. Điều này có khả năng ám chỉ kế hoạch tra tấn, giết hại, rồi chôn họ trong các khu mộ bí mật. Cảnh sát trưởng Salgado viết tiếp, ông có thêm 17 học sinh bị giam giữ “trong hang”. López trả lời lại là ông ta “muốn tất cả”. Sau đó, cả 2 lên kế hoạch để thuộc hạ của họ gặp nhau tại một nơi gọi là “Wolf’s Gap” và Phó Cảnh sát trưởng Salgado nhắc nhở kẻ cầm đầu băng nhóm địa phương phải cử đủ người để xử lý công việc.

Cho đến nay, ngoài một số mảnh xương, thi thể của các sinh viên này chưa bao giờ được tìm thấy. Một phần hài cốt của Christian Alfonso Rodriguez Telumbre (1 trong 43 học sinh mất tích) đã được tìm thấy tại thị trấn miền núi Cocula, gần Iguala.

Bí ẩn về số phận bi thảm 43 sinh viên cướp xe buýt chở ma túy để đi biểu tình - 1
Gia đình 43 sinh viên mất tích ở Mexico vẫn mong sự việc được sáng tỏ

Chuyện như phim Hollywood

Ngay đêm đó, Salgado cũng nhắn cho tên trùm tội phạm rằng “tất cả các kiện hàng đã được chuyển đến”. Điều này dường như ám chỉ đến thực tế là 1 hoặc nhiều xe buýt đã chở đầy heroin mà băng đảng Guerreros dự định buôn lậu về phía Bắc tới biên giới nước Mỹ. Các sinh viên đã mắc sai lầm chết người khi tìm cách cướp xe buýt bằng vũ lực để đến thành phố Mexico biểu tình. Mọi việc trở nên rối rắm khi những chiếc xe buýt đó nằm trong đường dây vận chuyển ma túy, theo kế hoạch sẽ vận chuyển một lượng lớn heroin qua biên giới Mỹ và các sinh viên đã vô tình đánh cắp số hàng hóa đó.

“Các bằng chứng mới về vụ án “nhóm Ayotzinapa 43” đã đưa ra ánh sáng chứng cứ không thể chối cãi về những người đã tham gia vào vụ thảm sát. Câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood, nhưng các sự kiện là có thật. Chúng liên quan đến sự thông đồng giữa cảnh sát, quân đội, tội phạm có tổ chức và sự che đậy lớn của chính quyền”.

Ông Mike Vigil (cựu Giám đốc bộ phận quốc tế của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ)

Ông Mike Vigil - cựu Giám đốc bộ phận quốc tế của Cơ quan Phòng chống ma túy Hoa Kỳ phân tích rằng, rõ ràng tên trùm tội phạm López thông đồng với chỉ huy cảnh sát thị trấn Salgado bắt các sinh viên vì họ vô tình chiếm đoạt lô hàng của hắn ta. “Các bằng chứng mới về vụ án “nhóm Ayotzinapa 43” đã đưa ra ánh sáng chứng cứ không thể chối cãi về những người đã tham gia vào vụ thảm sát. Câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood, nhưng các sự kiện là có thật. Chúng liên quan đến sự liên quan giữa cảnh sát, tội phạm có tổ chức và sự che đậy lớn của chính quyền” - ông Mike Vigil nhận định.

Stephanie Brewer - Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Văn phòng Washington về Mỹ Latinh (chi nhánh Mexico) cho biết, bằng chứng mới cho thấy ở Mexico, tội phạm có tổ chức bao gồm cả các thành phần chính quyền và phi nhà nước. Ông Brewer đã chỉ ra “sự thông đồng dưới hình thức tàn bạo và cực đoan nhất của nó, nơi cảnh sát tham nhũng đang thực hiện những vi phạm về nhân quyền nghiêm trọng nhất”.

Vụ bắt cóc hàng loạt ở Iguala gây ra các cuộc biểu tình trên khắp Mexico. Chính phủ ban đầu đưa ra giả thuyết rằng, thi thể của các sinh viên đã bị thiêu rụi trong một bãi rác ở ngoại ô Iguala, nhưng sau đó giả thuyết đã bị loại bỏ. Trước những bằng chứng mới, gia đình của sinh viên đang yêu cầu mở cuộc tìm kiếm mới và kêu gọi công bố thêm bằng chứng để xác định danh tính tất cả những người có liên quan. Chỉ huy cảnh sát Salgado đã bị giam giữ vì bị cáo buộc đóng vai trò trong vụ thảm sát, nhưng López có bị bắt, sau đó được trả tự do không hiểu vì lý do gì và đang nằm ngoài vòng pháp luật.

Thông tin nghe lén 7 năm mới công bố

Mặc dù không xuất hiện trong các tin nhắn văn bản đã thu thập được, quân đội Mexico được cho là cũng liên đới đến vụ mất tích. La Reforma - một tờ báo hàng đầu Mexico - đã công bố lời khai bị rò rỉ vào đầu năm nay rằng, các sĩ quan quân đội đóng tại Iguala cũng đã hợp tác với Guerreros Unidos để bắt giữ một số sinh viên cũng như 30 địch thủ của băng đảng khác vào đêm 26-9.

Đáng nói, các cuộc trao đổi giữa cảnh sát và thủ lĩnh băng đảng ở Iguala ban đầu bị quân đội thu được, nhưng đến năm 2021, tức là sau 7 năm tư liệu mới được công bố. Điều đó đã dẫn đến những lời chỉ trích, đặc biệt từ gia đình của các sinh viên mất tích, rằng quân đội không minh bạch mặc dù Tổng thống Mexico đã thành lập một ủy ban có thẩm quyền chung về vụ việc. “Quân đội Mexico có máy nghe lén và do đó họ biết sự thật, nhưng không chia sẻ. Điều này đặt ra câu hỏi về lý do tại sao và làm thế nào quân đội thu được thông tin này? Và những trở ngại nào vẫn cần phải vượt qua để chắc chắn rằng quân đội thực sự đang chia sẻ thông tin của mình với những người phụ trách điều tra vụ việc?” - một chỉ huy cấp cao của cảnh sát Mexico giấu tên cho biết.

Người dân khắp Mexico vẫn tổ chức biểu tình yêu cầu chính quyền phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tình trạng “án binh bất động” về vụ thảm sát đau lòng này. Cựu chuyên gia chống ma túy của Mỹ Mike Vigil cho biết, thật là “vô lương tâm” khi rất nhiều thành viên băng nhóm tội phạm, cảnh sát và sĩ quan quân đội liên quan đến tội ác vẫn chưa bị trừng phạt. “Người Mexico tiếp tục tự hỏi, tại sao bạo lực vẫn không suy giảm? Họ không hiểu sao những kẻ tội phạm lại được miễn trừ trừng phạt” - ông Mike Vigil nói.

Thật không may, thảm kịch đối với 43 sinh viên ở Iguala không phải là duy nhất. Hơn 93.000 người đã mất tích trong cuộc chiến ma túy kéo dài nhiều năm qua ở Mexico và hơn 90% trong số đó chưa bao giờ được giải quyết. Trong 3 năm qua, hơn 25.000 người đã được tuyên bố là vẫn mất tích, tương đương mỗi giờ có gần một người bỗng dưng “bốc hơi” khỏi thế giới này”.

Nguồn: Daily Beast

Theo Yến Chi (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật