“Thấy người lạ là giết”
Theo Daily Mail, những mũi tên độc, dao, giáo mác, rìu hoặc đá… là các loại vũ khí mà người Sentinel sống trên đảo North Sentinel của Ấn Độ sẽ sử dụng để xua đuổi tất cả những vị khách không mời mà vẫn cố tình muốn tiếp cận địa bàn của họ.
Trong hàng nghìn qua, thông điệp mà những người Sentinel gửi tới thế giới bên ngoài vô cùng rõ ràng: Người lạ không được chào đón ở đây. Hãy tránh thật xa. Quay trở về nhà. Chúng tôi chỉ muốn sống một mình.
Vì thế, có lẽ không bất ngờ khi thanh niên truyền giáo người Mỹ John Allen Chau, 27 tuổi, sống ở bang Alabama bị người Sentinel dùng tên độc bắn chết ngay khi vừa đặt chân lên hòn đảo North Sentinel.
Cảnh sát Ấn Độ cho rằng, thanh niên người Mỹ liều mạng tiếp cận “hòn đảo cấm” là một nhà truyền giáo vì họ tìm thấy bằng chứng rằng Chau muốn “gửi thông điệp của Chúa” đến bộ lạc trên đảo.
Nhưng trên mạng xã hội, Chau tự mô tả mình là một người phiêu lưu, ưa mạo hiểm, theo BBC. “Tôi rất thích khám phá”, Chau, vốn là một y tá chia sẻ cách đây 4 năm.
Một người bạn của Chau cũng tiết lộ: “Mọi người nghĩ cậu ấy là nhà truyền giáo vì cậu ấy có nhắc đến Chúa và muốn gửi thông điệp của Chúa. Nhưng thực tế cậu ấy không phải nhà truyền giáo. Cậu ấy ưa phiêu lưu mạo hiểm. Mục đích của cậu ấy là tiếp xúc với bộ lạc Sentinel”.
Tờ Daily Mail cho biết, sau khi Chau trúng tên độc và gục ngã tại chỗ, bộ lạc Sentinel đã dùng dây thừng siết cổ anh kéo đi bãi biển rồi chôn xác nạn nhân dưới cát. Cảnh sát Ấn Độ hiện đã bắt giữ những ngư dân nhận tiền để đưa Chau lên đảo và đang tìm cách thu hồi thi thể thanh niên Mỹ, trả về cho gia đình.
Cuộc sống tách biệt suốt 30.000 năm
Theo Daily Mail, bộ lạc Sentinel trên đảo North Sentinel đã sống tách biệt với thế giới bên ngoài ít nhất 30.000 năm.
Điều này có nghĩa là chúng ta biết rất ít về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống niềm tin của họ hoặc thậm chí là bộ lạc có bao nhiêu người. Giới chức Ấn Độ từng cố gắng liên lạc với thành viên bộ lạc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả ngôn ngữ Jarawa ở các hòn đảo lân cận nhưng không thành công.
Không thể cho người lên đảo để khảo sát, chính phủ Ấn Độ chỉ đưa ra thống kê về số lượng cư dân Sentinel trên đảo dựa trên các bức ảnh quan sát từ xa.
Năm 1991, người ta ước tính có khoảng 117 người thuộc bộ lạc Sentinel sinh sống trên đảo. Đến năm 2011, con số này dường như chỉ còn 15.
Người Sentinel sống bằng cách săn bắn, hái lượm và có ngôn ngữ riêng. Họ ăn thịt lợn, ngao, cá, dâu, dừa và mật ong đồng thời cũng tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng trên bãi biển.
Ấn Độ đưa ra chính sách bảo hộ bộ lạc Sentinel trên đảo North Sentinel kể từ năm 1970 và cấm không cho người ngoài tiếp cận khu vực. Điều này không chỉ nhằm ngăn chặn các du khách như Chau liều lĩnh tiếp cận người Sentinel mà còn bảo vệ cuộc sống của bộ lạc nguyên thủy. Những người Sentinel được cho là không có khả năng đề kháng với bất kỳ bệnh tật phổ biến nào của thế giới hiện đại như cúm, sởi hoặc thậm chí là cảm lạnh.
“Đây là một trong những bộ tộc dễ bị tổn thương nhất hành tinh. Chỉ cần một người bị nhiễm bệnh, cả bộ tộc có thể bị xóa sổ”, Sophie Grig, một nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức Survival International cho biết.
Dù các thành viên bộ lạc nguyên thủy Sentinel đã giết hại nhiều người địa phương và khách du lịch có ý định tiếp cận hòn đảo của họ song rất khó để kết tội những người này, vì họ được bảo vệ theo luật pháp Ấn Độ.
Theo Phương Đăng (Dân Việt)