Bí ẩn phía sau tấm áo long bào của các vị Hoàng đế Trung Hoa xưa: Biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ

25/10/2020 21:33:33

Áo long bào là biểu tượng quen thuộc của các vị vua thời phong kiến Trung Quốc. Nhưng trong quá trình sử dụng chúng không hề được dùng nước để giặt, bạn có biết nguyên nhân là do đâu?

Thời phong kiến, Hoàng đế là người có thân phận tôn quý và quyền lực cao nhất trong xã hội Trung Quốc. Chắc hẳn mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh các vị Hoàng đế được xây dựng trên những bộ phim truyền hình về đề tài cung đình của màn ảnh xứ Trung. 

Bí ẩn phía sau tấm áo long bào của các vị Hoàng đế Trung Hoa xưa: Biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ
Ảnh minh họa

Hoàng đế là người có quyền lực tối cao, được coi là "con của trời" nên mới có cách gọi khác là Thiên tử. Không phải ai cũng có mệnh làm vua, nhưng một khi đã bước lên ngôi báu thì sẽ có quyền và sẽ được hưởng tất cả những gì tốt nhất: được văn võ bá quan quy thuận hậu thuẫn; ở nơi cung điện xa hoa tráng lệ với hàng nghìn người hầu kẻ hạ; hậu cung ba nghìn phi tần mỹ nữ; đồ dùng đều là những thứ vô cùng quý giá...

Đó quả thực là một cuộc sống khiến bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, tất nhiên Hoàng đế cũng có những nỗi khổ riêng của mình, hàng ngày phải xử lý triều chính quốc gia, gánh trọng trách và nắm trong tay vận mệnh của cả đất nước… Nhưng dù thế nào đi nữa, Hoàng đế được hưởng một cuộc sống tột đỉnh xa hoa là điều không ai có thể phủ nhận. Và một trong những biểu tượng của thân phận tôn quý cùng cuộc sống xa hoa ấy chính là tấm áo long bào mà Hoàng đế khoác lên mình mỗi dịp trọng đại.

Bí ẩn phía sau tấm áo long bào của các vị Hoàng đế Trung Hoa xưa: Biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ - 1
Ảnh minh họa

Áo long bào là lễ phục của vua dùng trong những đại lễ quan trọng của quốc gia như lễ sắc phong lên ngôi, lễ tế đàn Nam Giao (lễ tế trời), lễ tế đàn Xã Tắc (lễ tế đất), lễ tế Tông Miếu (lễ tế tổ tiên), lễ tiếp các sứ thần… Sở dĩ gọi là áo long bào là bởi vì trên áo bào của Hoàng đế có thêu hình rồng, mà rồng chính là biểu tượng của chân mệnh thiên tử. Các triều đại dựa theo âm dương ngũ hành mà quy định màu sắc nào là tôn quý nhất, cho nên mỗi triều đại khác nhau áo long bào cũng có màu sắc khác nhau. Chẳng hạn như thời nhà Tần và thời Tây Hán áo long bào có màu đen; thời Hán Văn Đế áo long bào chuyển sang màu vàng; áo long bào thời Tấn, Tống, Minh thì có màu đỏ…

Thời nhà Đường, Đường Cao Tổ ra quy định màu vàng là màu chuyên dành cho vua và hoàng thất, thường dân không được sử dụng màu vàng để may quần áo và làm vật dụng. Vì thế áo long bào lúc này có màu vàng và được gọi là Hoàng bào. Nhiều triều đại sau này cũng lấy màu vàng làm màu biểu tượng. Hình ảnh chiếc áo long bào màu vàng đã trở nên vô cùng quen mắt và phổ biến khi nhắc tới các vị vua. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, đó là áo long bào của các vị Hoàng đế dù có mặc mười mấy năm cũng không bao giờ được giặt. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Bí ẩn phía sau tấm áo long bào của các vị Hoàng đế Trung Hoa xưa: Biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ - 2
Ảnh minh họa

Thứ nhất, tất cả quần áo và vật dụng trong cung đều được đem đến tập trung giặt tại Hoán Y Cục. Làm việc giặt giũ tại Hoán Y Cục đều là những người có thân phận vô cùng thấp kém. Tấm áo long bào của Hoàng đế là thứ y phục tôn quý nhất trong thiên hạ, nếu tùy tiện đem cho những người có thân phận "không tương xứng" giặt giũ, sẽ đồng nghĩa với việc sỉ nhục sự tôn nghiêm của Hoàng gia. Để thể hiện sự tôn quý bậc nhất, áo long bào nếu mặc bẩn rồi sẽ không tiếp tục được sử dụng nữa, mà lệnh cho người dưới làm một chiếc mới hoàn toàn.

Thứ hai, việc chế tác một chiếc áo long bào vô cùng phức tạp. Để làm ra một chiếc áo long bào cũng phải mất ít nhất vài năm. Bất cứ thứ quần áo nào dùng trong cung cũng đều có những quy định chặt chẽ về màu sắc, chất liệu, hình thêu… Áo long bào cũng không ngoại lệ. Tùy vào từng triều đại mà thiết kế và hình thêu trên áo cũng khác nhau, nhưng có một điều không thay đổi, đó là những thứ được thêu và gắn trên áo đều vô cùng quý giá. Chỉ dùng để may áo long bào cũng là chỉ vàng hoặc chỉ bạc. Do đó không thể tùy tiện dùng nước để giặt, sẽ rất dễ làm hỏng áo.

Bí ẩn phía sau tấm áo long bào của các vị Hoàng đế Trung Hoa xưa: Biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ - 3
Ảnh minh họa

Thứ ba, tần suất sử dụng áo long bào vô cùng thấp. Như trên đã nhắc, Hoàng đế chỉ mặc áo long bào vào những dịp đại lễ của đất nước, không phải ngày nào cũng mặc. Bình thường thượng triều, không nhất thiết phải mặc long bào. Tính ra một năm Hoàng đế cũng chỉ mặc áo long bào có vài lần. Tuổi thọ của một chiếc áo long bào là rất dài bởi toàn dùng những chất liệu cao cấp như tơ, lụa, gấm... cộng với việc tần suất sử dụng thấp nên một chiếc áo long bào có thể mặc mười mấy năm là điều hết sức bình thường.

Chưa kể tới việc, Hoàng đế không phải chỉ có duy nhất một chiếc áo long bào. Áo long bào cũng chia ra làm nhiều chủng loại và có quy định nghiêm ngặt trong trường hợp nào thì mặc áo nào. Đẳng cấp cao nhất, dùng trong những buổi lễ quan trọng nhất và chỉ có vua mới được dùng đó là mũ miện và áo cổn. Áo dùng thường ngày để thượng triều gọi là áo biện. Áo biện thì các bậc Thân vương, Thái tử, Quận vương đều có thể mặc, có điều là hình thêu trên áo của vua sẽ khác với hình thêu trên áo của các vị Vương tôn ấy.

Bí ẩn phía sau tấm áo long bào của các vị Hoàng đế Trung Hoa xưa: Biểu tượng quyền lực không bao giờ được giặt giũ - 4
Ảnh minh họa

Thứ tư, về cơ bản áo long bào không bị bẩn. Áo long bào chỉ là tấm áo khoác mặc bên ngoài, bên trong Hoàng đế còn phải mặc thêm áo khác. Hơn nữa, Hoàng đế thường trong những trường hợp cố định mặc đúng loại áo long bào nhất định, thậm chí có những ngày thay tới vài bộ áo long bào là chuyện bình thường. Việc cất giữ áo long bào và việc thay áo cho vua đều do những người chuyên môn đảm nhiệm và cẩn thận hầu hạ, tránh được việc bảo quản không cẩn thận mà gây tổn hại hay cũ rách. Số lần mặc ít, thời gian mặc ngắn, khả năng làm bẩn cũng thấp. Tất nhiên, nếu áo bị bẩn quá thì chỉ có một cách duy nhất đó là bỏ đi không dùng nữa, và thay vào đó là một chiếc áo mới hoàn toàn.

Ngoài ra, áo long bào được định kỳ dùng cồn để lau hoặc dùng hương liệu để xông, tránh được hư hỏng và giữ cho áo luôn được sạch sẽ, cũng tương tự như việc giặt khô lễ phục ngày nay.

Theo Hồng Đậu TT (Pháp Luật và Bạn Đọc)

Nổi bật