Quân đội Mỹ đã bắt đầu một chương trình cải thiện các hệ thống pháo phòng không tự hành vào năm 1952, mục đích để đối phó với những máy bay tiêm kích mới có tốc độ cao của Liên Xô.
Giai đoạn đầu của dự án này liên quan đến việc cải tiến pháo Bofors 40 mm trang bị trên M42 Duster với radar đo xa, định danh là Raduster.
Tuy nhiên nó đã sớm bị hủy bỏ, dẫn đến sự phát triển của hệ thống T249 Vigilante với 2 cấu hình là pháo phòng không tự hành và pháo phòng không xe kéo, kíp chiến đấu dự kiến gồm 4 người (sau giảm xuống còn 3).
Yêu cầu với cấu hình pháo phòng không tự hành là sử dụng khung thân xe bọc thép M113. T249 được thiết kế và chế tạo bởi Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Sperry Utah, nó được lắp đặt pháo nòng xoay 6 nòng 37 mm T250, đây là khẩu pháo Gatling cỡ nòng lớn nhất từng được chế tạo.
Pháo phòng không tự hành T249 Vigilante trong một cuộc thử nghiệm |
Chương trình bắt đầu vào ngày 1/1/1956 và kéo dài đến ngày 30/1/1956 với 3 cỡ nòng khác nhau được chuẩn bị. Hai trong số các khẩu pháo dựa trên pháo nòng xoay 20 mm M61 Vulcan (T171E3) đang có trong biên chế, trong khi thiết kế thứ 3 là một đề xuất khẩu pháo phòng không 37 mm hạng nhẹ.
Nghiên cứu khả thi được thực hiện dưới sự giám sát kỹ thuật của Watervliet Arsenal từ ngày 1/7/1956 đến ngày 31/12/1956 với khoảng 20% mô hình tỷ lệ thật và các bản vẽ chi tiết đã hoàn thành. Pháo Gatling 37 mm được nghiên cứu ở Springfield Armory do kiến thức và bí quyết kỹ thuật từ công việc phát triển pháo Gatling 20 mm T171 trước đây của họ.
Pháo nòng xoay 6 nòng 37 mm T250 |
Bản vẽ kỹ thuật của nguyên mẫu pháo T25E1 hoàn thành ở mức 80%, công việc chế tạo các bộ phận đã được tiến hành trong giai đoạn từ 1/1/1957 đến 30/6/1957, trong khi các cuộc tranh luận vẫn diễn ra về vấn đề điều khiển pháo T250E1 bằng điện hay thủy lực và những ưu nhược điểm của hai phương pháp này.
Từ tháng 6/1957 đến tháng 12/1957, quá trình sản xuất các bộ phận được tăng tốc. Sau đó là thử nghiệm đạn đạo, độ giật, độ rung và độ chính xác với các tính toán cụ thể để ước tính trọng lượng thành phần, trọng tâm cùng một vài thông số khác.
Đến tháng 12/1957, tất cả các bản vẽ kỹ thuật của nguyên mẫu pháo T250X-1 đã hoàn tất, ngoại trừ bản vẽ lắp ráp chính, công việc xem như đã xong tới 95%. Hệ thống nạp đạn đã được chứng minh có hiệu quả.
Sau đó việc sản xuất nguyên mẫu khẩu pháo thứ hai T250X-2 được khởi động. Tất cả các bản vẽ cũng như bộ phận đã sẵn sàng và T250-X1 được thử nghiệm bắn tại dãy Quabbin vào ngày 21/2/1958. Nó bắn các loạt ngắn 6 viên, 12 viên, 18 viên, 24 viên và 48 viên, mọi thông số thử nghiệm đều được ghi lại chi tiết.
Tháng 9/1959, những khẩu pháo được thử nghiệm với loạt bắn dài. Nhà chế tạo đã giảm trọng lượng nòng xuống 33 kg và sau đó đến 28 kg, đồng thời giảm áp lực trên các động cơ và hệ thống nạp đạn.
Một mối quan tâm khác đó là nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào đến nòng nhẹ hơn? Nhưng sau khi thử nghiệm nòng ở 137 độ C tại điểm cách khóa nòng 660 mm (điểm áp lực cao nhất trong nòng), sau đó đến 160 độ C nhận thấy nòng không bị biến đổi nhiều vì nhiệt. T250 cuối cùng đã sẵn sàng và được gắn kết vào khung thân M113 trong ngày 30/6/1962.
Cận cảnh 6 nòng pháo của pháo T250 |
T250 có 2 chế độ bắn: Ở chế độ phòng không, tốc độ bắn lên đến 3.000 phát/phút, còn ở chế độ bắn mục tiêu dướt đất thì sẽ là 120 phát/ phút. Tuy nhiên 192 viên đạn trong hệ thống nạp đạn sẽ chỉ tương đương với 5 giây tác xạ. Sơ tốc đầu nòng của viên đạn là 915 m/s, đầu đạn nặng 1,21 kg, thông số xuyên giáp không được công bố.
Sperry Rand gắn pháo T250 vào một khung xe M113 kéo dài nhưng chiều cao thấp hơn (kéo dài thêm 2,7 m) với hệ thống điều khiển hỏa lực T51 và radar XM17.
Thiết kế trên chưa bao giờ đi vào sản xuất do Mỹ cho rằng thời của pháo phòng không đã qua, vì vậy họ chuyển nguồn tài trợ qua chương trình phát triển tên lửa phòng không MIM-46 Mauler xấu số.
Hệ thống này cuối cùng bị thất bại và Mỹ buộc phải quay trở lại sử dụng M163, một pháo phòng không tự hành trang bị pháo 20 mm M61 Vulcan gắn trên xe thiết giáp M113. T249 Vigilante còn được dự định gắn trên khung thân xe tăng M48 nhưng do dự án bị hủy bỏ nên đã không triển khai.
Nguyên mẫu T249 Vigilante duy nhất được trưng bày tại Bảo tàng Pháo binh Quân đội Mỹ ở Fort Sill, Oklahoma |
Thông số kỹ thuật cơ bản của pháo T250:
Cỡ nòng: 37 mm; Cỡ đạn: 37 x 219 mm SR T68; Chiều dài pháo: 3.300 mm; Chiều dài nòng: 2.540 mm; Cơ chế hoạt động: thủy lực, ổ quay.
Tốc độ bắn: Phòng không: 3.000 phát/phút; Mục tiêu mặt đất: 120 phát/phút. Sơ tốc đầu nòng: 915 m/s. Cơ số đạn mang theo: 192 viên trong hệ thống nạp đạn dạng trống.