Võ Tắc Thiên trẻ đẹp, tại sao Lý Thế Dân không bao giờ chạm vào nàng? Hoá ra vì lời tiên tri?
Giai thoại xưa truyền lại rằng, khi còn tại vị, Lý Thế Dân từ sớm đã tiên liệu được giang sơn nhà Đường có thể "đứt gánh giữa đường" vì một người phụ nữ họ Võ. Thế nhưng vị vua ấy vẫn không hề ra tay diệt trừ Võ Mỵ Nương, thậm chí còn cho nàng lưu lại hậu cung của mình. Quả nhiên sau này, Võ Tắc Thiên soán ngôi nhà Đường, lập ra nhà Đại Chu.
Nhớ năm xưa, Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng thẳng tay diệt trừ huynh đệ ruột thịt trong cuộc "binh biến Huyền Vũ Môn" để có được ngai vàng. Vậy đâu là lý do khiến cho vị vua ấy lại chẳng dám động tới cái "mầm tai họa" là Võ Tắc Thiên?
Năm xưa, Dương phu nhân vợ của Võ Sĩ Hoạch thấy con gái của mình càng lớn càng diễm lệ, liền bắt đầu kế hoạch chấn hưng gia tộc họ Võ. Lúc bấy giờ, cả gia tộc cũng đã có 2,3 nữ quyến đang làm phi tần của Thái Tông. Những người này ở trong cung bắt đầu truyền ra nhiều tin đồn về dung nhan tuyệt trần của con gái nhà họ Võ.
Tin đồn này chẳng mấy chốc đã đến tai Lý Thế Dân. Những năm tháng ấy, hậu cung của nhà vua cũng quá đỗi tịch mịch. Ông liền quyết định cho Võ Tắc Thiên vào cung làm Tài nhân. Kỳ thực, Lý Thế Dân từ sớm đã được cảnh báo là sẽ có một kẻ họ Võ tước đoạt giang sơn nhà Đại Đường. Nhưng vị Hoàng đế nổi tiếng cứng rắn ấy lại chưa bao giờ đụng đến cái mầm tai họa là Võ Tắc Thiên.
Lý giải về điều kỳ lạ này, dân gian lưu truyền một giả thuyết nổi tiếng về lời tiên tri của Lý Thuần Phong dưới thời Thái Tông. Giai thoại kể lại rằng, năm ấy Thái Tông đã lớn tuổi, bên ngoài cung bắt đầu lưu truyền lời tiên đoán nói rằng Đường triều sau 3 đời vua sẽ bị một nữ đế họ Võ đoạt lấy thiên hạ.
Đây vốn chỉ là một tin đồn được thường dân bách tính truyền tai nhau nhưng chẳng mấy chốc đã lọt đến tai Lý Thế Dân. Nhà vua nghe xong vô cùng khó chịu, liền bí mật triệu kiến Lý Thuần Phong, người bấy giờ đang đảm nhiệm chức Thái Sử Lệnh, chuyên quản chuyện thiên văn, lịch pháp. Lý Thế Dân đem lời đồn này nói cho Lý Thuần Phong và hỏi ông liệu điều đó có trở thành sự thật hay không.
Lý Thuần Phong sau đó cho nhà vua biết rằng, có 'thái bạch kinh thiên', đó là điềm báo có một nữ chủ sẽ nổi dậy. Vị quan giải thích thêm rằng, người phụ nữ hiện đang ở trong cung và là gia quyến của nhà vua và không tới 30 năm sau sẽ thay vua thống lĩnh giang sơn, tàn sát con cháu nhà Lý Đường.
Lý Thế Dân nghe vậy bèn bàn ý định "tiên thủ vi cường", thà giết nhầm 3000 người còn hơn bỏ sót, tuy nhiên Lý Thuần Phong khuyên can cho rằng, vua là do trời định, nếu giết người này ắt trời sẽ ban người khác xuống. Nhà vua thấy Lý Thuần Phong nói quả thực có lý, liền quyết định thuận theo ý trời, nương tay với Võ Tắc Thiên. Nếu giai thoại này là sự thực, thì chính lời tiên tri của Lý Thuần Phong đã cứu Võ Tắc Thiên một mạng.
Bí ẩn lăng mộ Võ Tắc Thiên gắn với lời tiên tri quyền lực
Tân Đường Thư, bộ chính sử thời Đường, và cuốn sách tiên tri Thôi Bối Đồ đã ghi lại những tiên đoán của thầy phong thủy nổi tiếng Viên Thiên Cang dành cho Võ Tắc Thiên kể cả khi bà đã qua đời. Ngoài ra,các nhà phong thủy từ cổ chí kim đều từng nhận định, vị trí của Càn Lăng, là nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên đã ít nhiều củng cố cho quyền lực vô song của bà.
Tân Thư Đường có ghi chép, ngay sau khi Đường Cao Tông lên ngôi, ông đã phái công thần Trưởng Tôn Vô Kỵ và Thái sử lệnh Lý Thuần Phong, vị quan chịu trách nhiệm về âm dương thiên văn, đi tìm địa điểm đẹp để đặt lăng mộ cho mình. Hai vị công thần thấy đỉnh núi Lương Sơn đều rất vừa ý: đỉnh chính của Lương Sơn mọc thẳng lên bầu trời; phía bắc hướng ra sông Ô, núi Cửu Tông; phía tây đối mặt sông Tất Thủy, núi Lâu Kính. Sông Ô, sông Tất hòa dòng ôm lấy núi non, tạo nên bức tường bằng nước, bảo toàn long khí vùng đất này.
Vị trí đắc địa như vậy nhưng trong triều có vị đạo sĩ Viên Thiên Cang, chính là người từng tiên tri cho Võ Mị Nương, ra sức phản đối xây lăng ở đây. Bậc thầy tường số "cả đời chưa xem nhầm một ai" đã phán rằng Lương Sơn là vị trí có những điểm "gây tai họa". Đầu tiên, long mạch nhà Đường từ núi Côn Lôn chạy ra sông Hoàng Hà, chạy qua nhiều dãy núi. Đường Thái Tông đã được chôn cất ở núi Cửu Tông, vị trí gọi là đầu rồng, nay Hoàng đế Cao Tông là con không thể đặt chôn cất trước đầu rồng được.
Điều quan trọng hơn cả là Lương Sơn có địa thế rất giống với bộ ngực của người phụ nữ. Người dân địa phương nơi đây còn gọi núi Lương Sơn là Nãi Đầu Sơn. Nhìn toàn cảnh khu vực còn giống một người phụ nữ đang nằm ngủ. Nơi đặt được chọn đặt Càn Lăng nhìn bao quát tương đối thấp, âm khí nặng. Đặt mộ phần những người đàn ông họ Lý ở đây giống như có người phụ nữ "ngồi trên đầu", vương triều dễ thảm bại dưới tay một người phụ nữ.
Cao Tông nghe ý kiến trái chiều của các cận thần cảm thấy rất phân vân. Võ Thiến lúc này mới là Chiêu Nghi nhưng khắc ghi lời sấm thuở nhỏ, nắm ngay lấy cơ hội khuyên bảo Cao Tông đặt mộ phần ở Lương Sơn.Vốn là người nhu nhược nên chẳng mấy chốc Hoàng đế đã bị Võ Tắc Thiên thuyết phục, việc lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng được quyết định.
Cái tên "Càn Lăng" được vị vua lựa chọn để cân bằng âm dương bởi theo "Kinh dịch" chữ "Càn" mang tính dương, dùng để cân bằng âm khí ở Lương Sơn. Thế nhưng điều này vẫn chưa đủ để làm thay đổi vận mệnh của nhà Đường, Võ Tắc Thiên vẫn lên nắm quyền, tiếm ngôi và lật đổ cả một triều đại.
Năm Thần Long thứ nhất (năm 705), Võ Tắc Thiên 82 tuổi, qua đời vì bệnh tật. Bà hoàng tham vọng bậc nhất lịch sử Trung Hoa cuối đời lại muốn rũ bỏ hư danh hoàng đế mà quay về với thân phận hoàng hậu. Tới phút lâm chung, thụy hiệu mà Võ Tắc Thiên muốn dùng là Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng hậu. Bà còn yêu cầu được hợp táng cùng chồng là Đường Cao Tông Lý Trị. Võ Tắc Thiên được chôn cất tại chính lăng mộ Càn Lăng, Lương Sơn.
Càn Lăng đang cất giấu hàng triệu báu vật và những ẩn số chưa có lời giải đáp. Đã hơn một thiên niên kỷ trôi qua, Càn Lăng vẫn còn nguyên vẹn, bất khả xâm phạm, đã có hơn 17 lượt xâm lăng và không lần nào thành công. Những kẻ muốn khai quật ngôi mộ dù có hàng ngàn binh lính cũng không thể tìm được phương hướng vào trong, bị tai nạn bệnh tật bất ngờ hoặc trời đột nhiên nổi giông bão gầm gừ. Chính vì điều này mà nhiều người cho rằng Càn Lăng ẩn chứa lời nguyền ghê rợn cho những kẻ dám đến phá giấc ngủ ngàn thu của hai vị hoàng đế.
Đến này, các nhà khảo cổ vẫn chưa dám mạo hiểm khai quật Càn Lăng vì điều kiện công nghệ chưa đáp ứng để bảo tồn cổ vật trong lăng mộ.
QT (SHTT)