Ngày 12/4/1961, một phi công của Không quân Liên Xô tên là Yuri Gagarin đã đi vào lịch sử khi ông trở thành người đầu tiên trên thế giới bay quanh Trái đất trên phi thuyền Vostok 1. Chuyến bay của Gagarin còn là một "cái tát" giáng vào danh dự của nước Mỹ, vốn đang ráo riết chạy đua với Liên Xô để trở thành quốc gia đầu tiên đưa người lên vũ trụ. Từ thời điểm đó, Gagarin là gương mặt đại diện cho sự thành công của ngành công nghiệp vũ trụ Liên Xô; hình ảnh nụ cười chiến thắng của ông được phát sóng trên toàn thế giới.
Say sưa với sự nổi tiếng, Gagarin trở nên nghiện rượu. Vào cuối thập niên 1960, anh mới trở lại tập luyện. Gagarin được chọn làm phi công phụ cho sứ mạng tàu Soyuz 1 xấu số và đã kinh hoàng chứng kiến người bạn Vladimir Komanov thiệt mạng do dù không mở ra được để quay trở lại mặt đất vào tháng 4/1967. Không đầy một năm sau, chính Gagarin cũng tử nạn khi đang bay trên chiếc MiG-15 cùng với phi công Vladimir Seryogin. Chiếc máy bay lao xuống vùng ven một thị trấn gần Moskva và thông tin về nó bị bao phủ bởi nhiều chi tiết bí ẩn.
Một người bạn của Gagarin là Alexei Leonov, người đầu tiên thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian (spacewalk), sau này đã tiết lộ với kênh truyền hình Russia Today những gì thực sự xảy ra với phi hành gia anh hùng của Liên Xô.
Vào ngày 27/3/1968, Gagarin đang lái một chiếc máy bay chiến đấu MiG-15 với huấn luyện viên Seryogin trên một chuyến bay huấn luyện. Cùng thời điểm, một chiếc Su-15 cũng đang bay thử nghiệm, mặc dù nó đã được lên kế hoạch phải bay cao hơn nhiều so với chiếc MiG của Gagarin. Trong khi đó, Leonov đang thực hiện buổi huấn luyện nhảy dù. Trời thì mưa, và có nhiều đám mây thấp khiến tầm nhìn hạn chế.
Trong lúc Leonov đang chờ đợi lệnh chính thức hủy buổi huấn luyện nhảy dù của mình, anh nghe thấy hai tiếng nổ rất lớn. Đầu tiên là tiếng nổ của một chiếc máy bay vượt tường âm thanh (khi vận tốc máy bay vượt qua ngưỡng 1.236 km/h, một tiếng nổ chói tai sẽ vang lên, kèm theo là một làn khói bao quanh máy bay); tiếp đến là âm thanh của một vụ tai nạn. Chúng cách nhau vài giây, rồi nối tiếp là sự im lặng. Leonov biết có gì đó không ổn.
Khi một nhóm các nhà điều tra tìm đến hiện trường tai nạn, họ tìm thấy thi thể của Seryogin nhưng không có dấu hiệu của Gagarin. Thi thể của phi hành gia nổi tiếng được tìm thấy vào ngày hôm sau.
Leonov và Gherman Titov, một đồng nghiệp khác của Gagarin, người thực hiện chuyến bay vào vũ trụ thứ hai trong lịch sử, đều tham gia ủy ban điều tra vụ tai nạn. Leonov đã nói chuyện với những nhân chứng chứng kiến cảnh chiếc Su-15 văng ra khỏi đám mây với phần đuôi bốc khói và cháy, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thùng chất đốt phụ của nó đang hoạt động. Các nhân chứng đều cho biết, chiếc Su-15 bay quá thấp, thấp hơn nhiều so với độ cao bay theo dự định của nó là gần 33.000 feet, và ở vị trí gần hơn với độ cao 2.000f nơi máy bay của Gagarin đang bay.
Tuy nhiên bản báo cáo chính thức lại chưa bao giờ đề cập đến chiếc Su-15. Thay vào đó, báo cáo đổ lỗi vụ tai nạn cho sự cố khi huấn luyện phi công. Gagarin và Seryogin có khả năng đã đánh chệch hướng máy bay để tránh va đập vào một con chim, khiến máy bay của họ hạ độ cao nhanh và lao xuống không thể cứu vãn. Đó là một lời giải thích có thể đã làm hài lòng những người dân bình thường, nhưng các chuyên gia hàng không biết điều này khó có khả năng xảy ra.
Trong những năm và thập niên tiếp theo, nhiều tin đồn vẫn xoay quanh cái chết của Gagarin. Gagarin đã say rượu ư? Anh ta có bị phân tâm, chụp ảnh chim từ trên không trong khi lẽ ra phải chú ý đến máy bay của mình không? Các phi công có bị giảm oxy do van điều áp cabin gặp trục trặc? Hay chiếc máy bay đã bị phá hoại? Gagarin là gương mặt poster cho sự thành công của Liên Xô dưới thời nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev, nhưng phi hành gia này lại không phải là nhân vật yêu thích của nhà lãnh đạo mới Leonid Brezhnev. Vì thế còn xuất hiện cả thuyết âm mưu là cái chết của Gagarin là vụ giết người mang động cơ chính trị.
Chính phủ Liên Xô đã điều tra một số giả thuyết. Các giả thuyết Gagarin bị say, rằng ông và Seryogin bị phân tâm khi chụp ảnh từ các cửa sổ buồng lái, và giả thuyết phá hoại đã bị loại trừ. KGB không tìm thấy bằng chứng cho thấy phi hành đoàn trên mặt đất đã cung cấp cho các phi công dữ liệu thời tiết xấu. Các giả thuyết bị loại bỏ khiến cho cái chết của Gagarin vẫn là một bí ẩn trong suốt 46 năm.
Phải tới năm 2013, một tài liệu được công bố mới làm sáng tỏ vụ việc. Báo cáo được giải mật đã xác nhận rằng một máy bay chiến đấu Su-15 đang bay trên lộ trình không được phép, quá gần chiếc MiG-15 của Gagarin. Một chiếc máy bay lớn hơn như Su-15 có đủ sức mạnh để hút một chiếc máy bay nhỏ hơn, như một chiếc MiG-15, theo nó nếu hai phi cơ bay quá gần nhau. Trí nhớ của Leonov về hai tiếng nổ cách nhau hai giây cho thấy chúng ở đâu đó, cách nhau khoảng 30 feet (khoảng 10 mét). Khoảng cách đó đủ gần để chiếc Su-15 làm rung lắc chiếc MiG giữa không trung. Theo báo cáo, dường như máy bay của Gagarin đã rơi xuống đất với tốc độ gần 470 dặm một giờ, và chỉ có 55 giây giữa cuộc liên lạc cuối cùng của phi công và cú va đập vào mặt đất.
Thông tin này đã được đưa vào máy tính, để từ đó có thể cho ra các mô phỏng khác nhau về tình trạng tai nạn. Hóa ra, chỉ có một lời giải thích khả thi duy nhất cho vụ tai nạn là chiếc Su-15 bay quá gần MiG. Lực của chiếc máy bay lớn hơn đã làm lật chiếc nhỏ hơn, khiến chiếc MiG lao theo hình xoắn ốc xuống mặt đất.
Phần còn thiếu cuối cùng của câu chuyện là tên của phi công Su-15, và đó là một chi tiết mà chúng ta sẽ không bao giờ biết. Leonov không được phép nói ra. Cựu phi hành gia chỉ nói rằng anh ta là một phi công thử nghiệm tốt và việc cho cả thế giới biết danh tính của anh ta sẽ không thay đổi được điều gì cả.
Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)