Bí ẩn di sản của người cổ đại, cả ngàn năm không thể giải mã
18/05/2023 10:00:53
Hàng ngàn năm trước, người cổ đại đã tạo ra những công trình có quy mô đồ sộ và hết sức công phu, phát triển vượt bậc so với thời đại mà chúng ta đến nay vẫn không thể giải mã.
1. Stonehenge (Anh) được mệnh danh là “thánh địa trên những trụ đá”, có lịch sử 4000 năm tuổi, là một trong những điểm tiền sử nổi tiếng thế giới. Nhìn từ trên cao, bãi đá Stonehenge là một quần thể những cột đá lớn xếp thành một vòng tròn. Mỗi cột đá cao khoảng 4m, rộng khoảng 2m, dày khoảng 1m và nặng khoảng 25 tấn. Trong đó hai cột đá nặng nhất khoảng 50 tấn. Trên một số cột đá còn có những tảng đá xếp ngang như xà nhà, tạo thành cổng vòm lớn.
Xung quanh những vòng tròn cột đá đồng tâm là một đường hào sâu 6m, rộng khoảng 21m. Đường hào này được đắp thành tường. Bên trong hào là 56 hố tạo thành một vòng tròn. Các hố hiện nay đã bị đá vôi lấp đầy, bên trong còn lẫn tro cốt của con người.
Stonehenge khiến các nhà khoa học vô cùng đau đầu vì không thể lí giải làm thế nào người cổ đại có thể vận chuyển hàng khối đá vô cùng nặng từ một nơi xa hàng trăm km? Khu vực quanh Stonehenge không hề có nơi nào để khai thác đá, nghĩa là người ta đã phải vận chuyển những tảng đá này từ rất xa.
Nghiên cứu địa chất cho thấy, những tảng đá xanh được lấy từ núi Prezeli, nằm cách Stonehenge khoảng 200 km. Phải biết rằng, với trình độ khoa học hiện đại với sự hỗ trợ của máy móc thì việc di chuyển một khối đá nặng 50 tấn trong khoảng cách 200 km là cực kỳ khó khăn. Nên việc đó gần như là bất khả thi với những người nguyên thủy.
Một số ý kiến cho rằng, bãi đá cổ Stonehenge do người ngoài hành tinh xây dựng nên thì mới có địa hình độc đáo như vậy. Bởi trong thời kỳ vài ngàn năm trước công nguyên, ở châu Âu, đặc biệt là trên các đảo của nước Anh xuất hiện nhiều công trình bí ẩn, lạ kỳ.
Cho đến ngày nay, bãi đá cổ Stoneheng là một trong những công trình nghiên cứu lịch sử và khảo cổ tốn nhiều giấy mực nhất của nhân loại. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, càng đi sâu vào tìm hiểu, người ta càng phát hiện ra thêm nhiều câu hỏi hóc búa mà những người dựng lên Stonehenge để lại cho hậu thế.
2. Đền Jupiter ở Lebanon: Trên một bục đá rộng hơn 7m, đền Jupiter ở Baalbek, Lebanon, được biết đến là khu bảo tồn La Mã cổ đại lớn nhất. Ngôi đền được xây dựng để thờ Jupiter Heliopolitanus, vị thần tối cao trong tôn giáo và thần thoại La Mã cổ đại. Cho tới nay, người thiết kế ngôi đền cũng như thời điểm chính xác xây dựng công trình này vẫn còn là ẩn số.
Ngôi đền có kích thước 88x48m, bao quanh bởi không dưới 54 cột đá. Những cột đá cao 20m, đường kính khoảng 2m. Dầm ngang cố định phía trên có chiều cao 5m. Bên trong ngôi đền là những bức tường cao và các cột làm bằng gỗ tuyết tùng nhằm hỗ trợ mái lớn.
Vào năm 524-525, sét đã phá hủy tòa nhà. Sau đó, hoàng đế Justinian (trị vì từ năm 527-565) bắt đầu gỡ bỏ các cột đá granit. Khi các cuộc thập tự chinh (chiến tranh tôn giáo) diễn ra, những viên đá được tái sử dụng để làm pháo đài.
Ngôi đền được xây dựng trên sân thượng cao 13m làm từ 24 tảng đá nguyên khối. Tảng đá có trọng lượng thấp nhất nặng khoảng 300 tấn. 3 tảng đá ở đầu phía tây có kích thước không dưới 19x4x3 m và nặng khoảng 800 tấn mỗi viên.
Theo thời gian, ngôi đền chỉ còn lại 6 cột nhà phía nam với các dầm ngang cố định bên trên. Các kiến trúc gần như hoàn hảo ở phía nam. Trong khi đó, những cơn gió mùa đông đã khiến bề mặt kiến trúc phía bắc gần như trơ trụi. Các dầm ngang còn sót lại được nâng bởi 6 cột đá nặng tới 60 tấn, một góc nặng hơn 100 tấn.
Đến nay, câu hỏi người La Mã cổ đại không có kỹ thuật nào để mang vác những khối đá có trọng lượng lên đến 1.000 tấn và xây nên ngôi đền khổng lồ này vẫn còn là một ẩn số.
3. Mê cung đá trên đảo Bolshoi Zayatsky, Nga: Hòn đảo Solovetsky được tô điểm bởi 35 mê cung đá kỳ lạ, có hình dạng bậc thang xoắn ốc. Người dân địa phương gọi những mê cung bằng đá này là các “vavilons” hay "Babylons".
Theo các chuyên gia, chúng có niên đại khoảng 5.000 tuổi. Mỗi mê cung chỉ có một lối vào và cũng là lối ra duy nhất. Mê cung nhỏ nhất đạt kích cỡ đường kính khoảng 6m, còn cái lớn nhất thì rộng 25,4m Tất cả các mê cung đều nằm ở phía Tây của hòn đảo.
Một số giả thuyết được đưa ra để lý giải những bí ẩn về các mê cung bằng đá. Theo đó, một quan điểm cho rằng, các “vavilons” được người xưa tạo nên với mục đích làm bẫy đánh cá.
Lại có một giả thiết nữa cho rằng những đường đất đá của mê cung thật ra là phản chiếu lại quỹ đạo của Mặt Trời và Mặt Trăng, và do đó các mê cung được sử dụng như là những chiếc lịch khổng lồ.
Tuy nhiên, lý thuyết được giới nghiên cứu và phần lớn người dân tin tưởng nhất, cho rằng việc xây dựng các mê cung thời tiền sử là để bắt giữ và giam cầm những loài yêu ma quỷ quái, đồng thời cũng là biểu tượng cho các rào cản của thế giới này với thế giới bên kia.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mê cung được xây nên nhằm phục vụ những nghi lễ giúp cho linh hồn của người đã chết vượt qua địa ngục. Những mê cung này như là một “cửa ngõ vào ra” của một vương quốc dưới lòng đất mà chỉ có những người biết “chìa khóa ma thuật” mới đủ khả năng khai mở.
4. Di chỉ Sacsayhuamán, Peru: Kiến trúc kỳ vĩ ở thành phố Cuzco (Peru) này được cấu tạo từ các tảng đá lớn, đồ sộ đến nỗi máy móc hiện đại cũng khó có thể di chuyển và sắp đặt vào vị trí thích hợp. Tảng đá lớn nhất được đặt làm nền có chiều cao 8,5 m. Một trong ba bức tường dài nhất có chiều dài là khoảng 400 mét và cao nhất là 6 mét. Một tảng đá đơn thuần được dùng để xây tường có trọng lượng ước tính từ 120 - 200 tấn.
Sacsayhuaman thường được mô tả như một pháo đài vì nó được bao bọc bởi ba sườn dốc và được xây dựng như một “cấm thành” với những bức tường giống như tường của lâu đài. Tuy nhiên theo những kết quả điều tra mới nhất cho thấy rằng tàn tích Sacsayhuaman có thể là một ngôi đền dùng để tế Thần mặt trời.
Các tảng đá có hình dạng không đồng đều nhưng khi đặt chúng lại với nhau lại cực kỳ phù hợp, vừa vặn giống như một trò chơi ghép hình. Các tảng đá được xếp chồng lên nhau không cần trát vữa, thậm chí vừa vặn đến mức ngay cả một tờ giấy cũng không thể lọt qua được các khe hở.
Khi người Tây Ban Nha chiếm đóng thành phố Cusco vào những năm 1500, họ bắt đầu phá bỏ công trình này, gỡ bỏ và mang những tảng đá đi xây dựng thành phố mới cũng như xây dựng những ngôi nhà cho người Tây Ban Nha giàu có nhất.
Ngày nay, những khối đá đang nằm yên tại địa điểm này chính là những khối đá quá lớn mà họ không thể di chuyển được.
5. Tượng Nhân sư Ai Cập: Cao nguyên Giza của Ai Cập nổi tiếng với bức tượng Nhân sư kỳ vĩ, ước tính hơn 4.000 năm tuổi. Bức tượng có phần đầu là người và phần thân của sư tử và nằm trong tư thế phủ phục. Được chạm khắc từ một tảng đá nguyên khối duy nhất, tượng Nhân sư có chiều dài 73m và cao 20m. Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, thu hút giới khảo cổ học khi gắn liền với nhiều bí ẩn.
Tượng nhân sư do ai xây dựng? Câu trả lời ngắn nhất là không ai biết. Tuy nhiên vẫn có nhiều giả thuyết được đưa ra dựa trên khoa học, tôn giáo, thậm chí có giả thiết do người ngoài hành tinh xây dựng. Theo giới nghiên cứu, tên gọi này dựa vào tên của một con vật trong thần thoại Hy lạp có những nét tương đồng về hình dáng như: thân sư tử, đầu người. Vì vậy, tượng có tên Nhân sư và được gọi như vậy đến ngày nay.
Bí ẩn lớn khác về tượng Nhân sư đó là lý do và thời điểm công trình này mất mũi và râu. Trong suốt nhiều năm, một số người tin rằng đội quân của hoàng đế Napoleon nổi tiếng nước Pháp đã phá hủy chiếc mũi của tượng Nhân Sư bằng đại bác khi đội quân nước này tiến đánh Cairo, Ai Cập năm 1798.
Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện vào năm 1737, nhà thám hiểm người Đan Mạch Frederic Louis Norden đã phác họa một bản vẽ về tượng Nhân sư và xuất bản năm 1755. Trong bản vẽ này, bức tượng Nhân sư không có mũi. Điều này có nghĩa phần mũi bị mất trước khi Napoleon chào đời.
Tương tự, phần râu tượng Nhân sư cũng bị rơi ra khỏi bức tượng không biết từ khi nào và "thủ phạm" là ai. Hiện phần râu được tìm thấy và lưu giữ tại một bảo tàng ở Anh. Đến nay, giới chuyên gia vẫn cố gắng giải mã bí ẩn về hần mũi và râu của bức tượng.
Có rất nhiều truyền thuyết về những lối đi bí mật khác nhau liên quan đến tượng Nhân sư. Các cuộc điều tra của trường Đại học bang Florida, trường đại học Waseda Nhật Bản và trường đại học Boston cho thấy nhiều điều dị thường xung quanh bức tượng.
Kể từ khi được con người khám phá, tượng Nhân sư khổng lồ đã để lại nhiều dấu ấn kèm theo những bí ẩn khó giải mã, khiến đau đầu nhiều thế hệ. Napoleon từng nhìn chằm chằm vào bức tượng và thể hiện sự sợ hãi thực sự còn các nhà khảo cổ, thám hiểm, sử học và du khách thì đã và đang tìm hiểu, nhưng xem ra tượng Nhân sư vẫn là một trong những công trình bí ẩn nhất của thế giới cổ đại.
6. Kim tự tháp Giza, Ai Cập: Đây là một trong những di tích nhân tạo lâu đời nhất còn tồn tại, với kim tự tháp lớn nhất có chiều cao 139 m. Các kim tự tháp có ít nhất 4500 năm tuổi và được làm bằng đá vôi. Mỗi khối đá vôi có trọng lượng trung bình 2,5 tấn. Các khối lớn nhất có trọng lượng khoảng 10 tấn.
Điều này đặt ra câu hỏi người Ai Cập cổ đại đã làm thế nào để xây kim tự tháp bằng những khối đá nguyên khối như vậy. Đến nay điều này vẫn là một bí ẩn khiến có giả thiết cho rằng, các kim tự tháp được xây dựng với sự giúp đỡ của những người ngoài hành tinh.
3 kim tự tháp lớn tại quần thể Giza tạo thành đường thẳng hoàn hảo trên mặt đất và nằm thẳng với 3 ngôi sao vành đai của chòm sao Orion.
Theo History.com, thế giới tồn tại một "Bí ẩn Tam trùng" dị thường. Có 3 khu vực bí ẩn bậc nhất thế giới là Kim tự tháp Giza, "Vùng lặng" (Silent Zone) ở Mexico và Tam giác quỷ Bermuda (ở Đại Tây Dương) nằm trên cùng một đường thẳng trên Trái đất. "Vùng lặng" có khả năng vô hiệu hóa mọi loại sóng âm, điện thoại. Tam giác quỷ Bermuda thì là nơi biến mất bí ẩn của hàng loạt tàu thuyền, máu bay.
Kim tự tháp Giza có tất cả ba buồng mai táng, một nằm dưới nền đá, bên trên là buồng hoàng hậu và trên cùng là buồng của Pharaoh. Để giúp kim tự tháp phát sáng, người Ai Cập cổ đại đã bao phủ lên những tảng đá to một lớp vật liệu làm từ vôi trắng và có độ bóng cao. Điều ấn tượng nhất nhưng cũng không kém phần đáng sợ nhất về những kim tự tháp là những xác ướp và lời nguyền của các pharaol. Không ít nhà khoa học, khảo cổ đã mất mạng khi thám hiểm trong kim tự tháp.
Giới khoa học cho rằng nguyên nhân cái chết của những nạn nhân là do một loài vi khuẩn sống lâu năm trong môi trường ẩm ướt của hầm mộ. Tuy nhiên, phần lớn những người khác lại tin vào cái gọi là “Lời nguyền Pharaon”, trong đó với lời cảnh báo rằng: “Bất cứ người nào vào mộ với tâm hồn đen tối, ta sẽ bóp cổ hắn như một con chim”.
HL (SHTT)