Bí ẩn đằng sau chiếc long bào của Hoàng đế Trung Hoa: Biểu tượng quyền lực trang trí công phu nhất thế giới nhưng không bao giờ được giặt giũ

20/07/2023 16:15:46

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa có câu: “Sau khi khoác lên mình chiếc áo long bào thì ngay tức khắc, vị hoàng đế đã khoác lên mình sứ mệnh giữ gìn giang sơn xã tắc". Từng đường kim mũi chỉ trên chiếc long bào của các vị hoàng đế đều có quy định rõ ràng.

Thời phong kiến, Hoàng đế là người có thân phận tôn quý và quyền lực cao nhất trong xã hội Trung Quốc. Vì là người có quyền lực tối cao, được coi là "con của trời", nên việc một Hoàng đế được hưởng một cuộc sống tột đỉnh xa hoa là điều không ai có thể phủ nhận.

Và một trong những biểu tượng của thân phận tôn quý cùng cuộc sống xa hoa ấy chính là tấm áo long bào mà Hoàng đế khoác lên mình mỗi dịp trọng đại.

Long bào phải thêu hình 9 con rồng

Áo long bào của hoàng đế thường mang nhiều hình vẽ hoa mỹ, cầu kì và tinh tế. Nhưng không thể thiếu những con rồng, vốn là biểu tượng cho quyền lực của Hoàng đế.

Áo long bào thường có chín con rồng, hai con ở hai vai, một ở sau lưng, một phủ lấy phần ngực áo, một phủ lấy phần tà áo, bốn con rồng còn lại sẽ nằm ở phần dưới cùng của chiếc áo long bào.

Bí ẩn đằng sau chiếc long bào của Hoàng đế Trung Hoa: Biểu tượng quyền lực trang trí công phu nhất thế giới nhưng không bao giờ được giặt giũ
Hoàng đế Càn Long khoác long bào màu vàng trong một buổi lễ ở triều đình

Không bao giờ được giặt

Có một điều không phải ai cũng biết, đó là áo long bào của các vị Hoàng đế dù có mặc mười mấy năm cũng không bao giờ được giặt. Thứ nhất, tấm áo long bào của Hoàng đế là thứ y phục tôn quý nhất trong thiên hạ, nên không thể tùy tiện đem cho những người có thân phận "không tương xứng" giặt giũ.

Do đó, để thể hiện sự tôn quý bậc nhất, áo long bào nếu mặc bẩn rồi sẽ không tiếp tục được sử dụng nữa, mà lệnh cho người dưới làm một chiếc mới hoàn toàn.

Thứ hai, tùy vào từng triều đại mà thiết kế và hình thêu trên áo cũng khác nhau, nhưng có một điều không thay đổi, đó là những thứ được thêu và gắn trên áo đều vô cùng quý giá. chỉ dùng để may áo long bào cũng là chỉ vàng hoặc chỉ bạc. Do đó không thể tùy tiện dùng nước để giặt, sẽ rất dễ làm hỏng áo.

Bí ẩn đằng sau chiếc long bào của Hoàng đế Trung Hoa: Biểu tượng quyền lực trang trí công phu nhất thế giới nhưng không bao giờ được giặt giũ - 1
Tuỳ vào tình hình thời tiết mà sẽ có áo lót bên trong hay không và sẽ làm bằng những chất liệu khác nhau như lụa, da thuộc hay vải sợi.

Ba năm may xong một bộ long bào

Trước khi chiếc áo long bào được khoác lên long thể của hoàng đế triều Thanh, nó phải qua các công đoạn cầu kì và chỉn chu, có khi mất đến 3 năm để hoàn thành.

Kiểu mẫu và đường nếp phải nhận được sự chấp thuận của hoàng đế và các vị đại thần trong triều đình trước khi được phép hoàn thành. Sau đó, kiểu mẫu sẽ được chuyển giao đến các thợ làm lụa.

Sau khi vải đã hoàn tất, một thợ thủ công sẽ cắt vải và sẽ chuyển đến một thợ may tiếp theo để hoàn tất phần thô của chiếc áo long bào. Sau cùng, chiếc áo sẽ được thêu thêm nhiều hoạ tiết cầu kì.

Chỉ những loại chỉ thượng hạng mới được sử dụng để thêu long bào và thậm chí còn phải làm từ vàng thật. Hoàng đế sẽ thuê 500 thợ thủ công và thợ thêu để khâu áo và 40 thợ khác để thêu chỉ vàng lên áo.

Bí ẩn đằng sau chiếc long bào của Hoàng đế Trung Hoa: Biểu tượng quyền lực trang trí công phu nhất thế giới nhưng không bao giờ được giặt giũ - 2
Áo long bào của hoàng đế thường mang nhiều hình vẽ hoa mỹ, cầu kì và tinh tế.

Mỗi mẫu được dùng riêng cho từng dịp

Áo long bào cũng chia ra làm nhiều chủng loại và có quy định nghiêm ngặt trong trường hợp nào thì mặc áo nào. Hoàng đế thường trong những trường hợp cố định mặc đúng loại áo long bào nhất định, thậm chí có những ngày thay tới vài bộ áo long bào là chuyện bình thường.

Với mỗi chiếc áo long bào, hoàng đế cũng sẽ đeo đai và mũ phù hợp. Đẳng cấp cao nhất, dùng trong những buổi lễ quan trọng nhất và chỉ có vua mới được dùng đó là mũ miện và áo cổn. Còn áo dùng thường ngày để thượng triều gọi là áo biện.

Biên Thùy (SHTT)

Nổi bật