Ngày 8/12/1895, tờ Boston Sunday Post đã đăng một bài báo với tiêu đề "Những kỳ quan của khoa học hiện đại" nhằm giới thiệu cho độc giả những báo cáo từ một tổ chức được gọi là "Hội khoa học hoàng gia". Đó là các tài liệu về sự tồn tại của những cá thể đặc biệt, bao gồm cả nàng tiên cá, cua lai người và trong đó, Edward Mordrake cũng được liệt kê rồi trở thành huyền thoại đô thị nổi tiếng.
Khởi đầu câu chuyện về Edward Mordrake
Theo tờ báo phía trên, Edward Mordrake là một chàng trai trẻ quý tộc người Anh, thông minh, đẹp trai, đầy lịch lãm và sở hữu khả năng âm nhạc hiếm có. Cuộc đời tưởng chừng như được ban phước lành của Edward phải đối mặt với một lời nguyền là một gương mặt khác xuất hiện ở phía sau đầu, được miêu tả là thuộc về một cô gái xinh đẹp, "đáng yêu như một giấc mơ nhưng cũng đáng sợ như ác quỷ". Gương mặt này thường có biểu cảm ngược lại hoàn toàn với Edward, mỗi khi anh khóc thì nó lại nở nụ cười chế nhạo dù nó không có khả năng nghe và nói.
Edward thường xuyên bị quấy rầy bởi "người chị em sinh đôi ác quỷ" khi nó luôn cất giọng thì thầm những từ ngữ khó hiểu vào ban đêm. Sau một thời gian, Edward hóa điên và kết liễu đời mình ở tuổi 22. Trước lúc qua đời, Edward đã để lại lá thư tuyệt mệnh, cầu xin mọi người giúp phá hủy gương mặt ác quỷ kia sau cái chết của mình vì sợ rằng nó sẽ tiếp tục thì thầm khi đã nằm dưới ở nấm mồ chôn.
Năm 1896, bác sĩ người Mỹ George M. Gould và Walter L. Pyle đã cho câu chuyện của Edward vào trong cuốn sách của họ Anomalies and Curiosities of Medicine, một bộ sưu tập những trường hợp y khoa kỳ dị. Được biết, cả hai đều là bác sĩ nhãn khoa lành nghề và đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Thế nhưng, có vẻ như họ lại khá cả tin trong một vài câu chuyện, đơn cử như việc họ không nhận ra rằng câu chuyện của "Người đàn ông 2 mặt" Edward Mordrake là bịa đặt.
Sự thật đằng sau "Người đàn ông 2 mặt"
Theo bài đăng năm 2015 trên trang blog Museum of Hoaxes của Alex Boese, tác giả của bài viết trên tờ Boston Sunday Post về câu chuyện của Edward, Charles Lotin Hildreth, là một nhà văn và viết truyện khoa học giả tưởng. Câu chuyện của ông thường là xoay quanh thế giới không có thật.
Ngoài ra, còn có nhiều chi tiết khác chứng tỏ câu chuyện về Edward không hề đáng tin. Đầu tiên, bài viết của Charles dẫn nguồn từ Hội khoa học hoàng gia nhưng vào thế kỷ thứ 19, chẳng có một tổ chức nào có tên như vậy.
Thứ hai, các trường hợp y khoa kỳ lạ được liệt kê trong bài viết của Charles chưa từng xuất hiện trong các tài liệu khoa học nào, từ trường hợp Norfolk Spider, người đàn ông có 6 cái chân lông lá, đến nàng tiên cá Lincoln.
Với tất cả nhũng điều này, Alex Boese có thể khẳng định rằng câu chuyện "Người đàn ông 2 mặt" kia hoàn toàn không có thật. Tất cả đều được Charles viết ra dựa trên trí tưởng tượng của ông.
Thực tế là phương thức hoạt động báo chí ở cuối thế kỷ 19 không hề giống với tiêu chuẩn biên tập như thời hiện đại. Họ sử dụng nhiều nguồn cung cấp thông tin chính thống và thông tin giải trí, thường được thêm thắt nhiều tình tiết phi thực tế.
Bài viết của Charles không có vấn đề gì, chúng chỉ là những câu chuyện được viết một cách đầy thuyết phục, đủ để đánh lừa một vài bác sĩ và khiến độc giả trầm trồ trong suốt 1 thế kỷ. Vài tháng sau khi bài viết được đăng lên báo, Charles đã qua đời và ông không có cơ hội được nhìn thấy dư luận nước Mỹ bị "mắc bẫy" được tạo ra bởi trí tưởng tượng phong phú của ông.
Câu chuyện của Edward Mordrake còn được biết đến nhiều hơn nhờ vào bộ phim American Horror Story, đưa lên màn ảnh những nhân vật trong truyền thuyết đô trị. Tuy nhiên, Edward phiên bản phim ảnh lại bị giết hại thay vì tự tử vì gương mặt thứ 2 của mình. Người ta tin rằng các nhà biên kịch của bộ phim đã được truyền cảm hứng từ bài viết của Charles.
Khán giả thời hiện tại tự tin rằng họ đủ khôn ngoan hơn người xưa để không tin vào những câu chuyện bịa đặt phi thực tế nhưng vào năm 2018, một bức ảnh được cho là chụp "Người đàn ông không đầu" Edward được lan truyền khắp mạng xã hội và nhận được nhiều sự chú ý.
Đây không phải là lần đầu tiên bức ảnh của một vị quý tộc bị nguyền rủa trở thành tâm điểm của truyền thông. Thực chất, đây chỉ là tác phẩm làm bằng chất liệu papier-maché, vật liệu tổng hợp bao gồm các mảnh giấy hoặc bột giấy, của một nghệ nhân, người đã tưởng tượng ra diện mạo của Edward. Vị nghệ sĩ này khẳng định ông chỉ làm ra nó với mục đích giải trí.
Mặc dù là một câu chuyện bịa đặt nhưng rõ ràng nó cũng chứa đựng một chút sự thật. Tình trạng y khoa này được gọi là craniofacial duplicationm, dị tật đến từ sự bất thường của protein trong cơ thể người bệnh, có thể làm các bộ phận trên gương mặt bị nhân đôi.
Dị tật này rất hiếm gặp và thường gây tử vong, mặc dù những tài liệu y khoa gần đây cũng ghi nhận một vài trường hợp các em bé sơ sinh sống sót được một thời gian ngắn.
Một trong những trường hợp bệnh là Lali Singhe, chào đời năm 2008. Thay vì nghĩ đứa trẻ bị nguyền rủa như Edward thì người dân ở thị trấn nhỏ kia là hiện thân của Nữ thần Durga đạo Hindu người được miêu tả là có nhiều chi. Mặc dù Lali chỉ sống được vài tháng sau khi chào đời nhưng em vẫn được mọi người lập đền thờ để tưởng niệm.
Theo Imacho (Trí Thức Trẻ)