Theo Wall Street Journal, cô gái 25 tuổi bí ẩn này tháng 11/2019 tới bệnh viện ở thành phố Milan với triệu chứng đau họng, nổi mẩn da. Thời điểm cô đến bệnh viện xảy ra trước khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) tới một tháng.
Một nghiên cứu được công bố tháng 01 vừa qua cho thấy mẫu da mà nữ bệnh nhân để lại có dấu vết virus corona, sau khi mẫu da được xét nghiệm hồi năm ngoái.
Giới khoa học cho rằng trường hợp của người phụ nữ bí ẩn này cho thấy virus có thể đã lây lan ở Trung Quốc và những nước khác trước khi bùng phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019.
Để xác định virus đã lây lan bao lâu trước khi bùng phát ở Vũ Hán, các nhà khoa học cho rằng cần phải nghiên cứu thêm trường hợp của người phụ nữ Italy.
Tuy vậy, vấn đề lón nhất lúc này là hiện giới khoa học chưa thể xác định danh tính nữ bệnh nhân.
Theo Wall Street Journal, các cơ sở y tế liên quan tới trường hợp của nữ bệnh nhân là Bệnh viện Policlinico và Đại học Milan đều không lữu giữ thông tin về cô, trong khi bác sĩ chuyên khoa da trực tiếp điều trị cho cô là ông Raffaele Gianotti đã qua đời hồi tháng 03, chỉ ít ngày trước khi nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO yêu cầu xem xét thêm trường hợp của cô.
Nhóm điều tra của WHO trước đó cho biết họ đề nghị giới khoa học tìm kiếm những trường hợp có thể nhiễm Covid-19 trước khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán.
Theo các nhà nghiên cứu, việc xem xét kỹ lưỡng các trường hợp nghi nhiễm trước thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán sẽ giúp định hình lại các mốc thời gian liên quan tới những ca nhiễm đầu tiên.
Để làm được điều này, nhóm chuyên gia của WHO đề nghị ngân hàng máu tại nhiều nước xét nghiệm các mẫu mà họ thu thập được vào cuối năm 2019 để tìm kháng thể virus corona.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đã có những trường hợp có thể nhiễm Covid-19 trước thời điểm các nước ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, tuy vậy trường hợp của người phụ nữ Italy vẫn thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Theo Wall Street Journal, bác sĩ Gianotti đã lấy mẫu da của nữ bệnh nhân 25 tuổi hôm 10/11/2019. Khi đại dịch bùng phát ở Italy vào đầu năm 2020, bác sĩ Gianotti xem xét lại các mẫu da mà ông thu thập để tìm kiếm dấu vết virus corona.
Ông tiến hành hai xét nghiệm đối với mẫu da của nữ bệnh nhân, qua đó phát hiện protein gai và vỏ bọc protein, nhưng mẫu da này do lưu giữ đã lâu nên không thể tiến hành xét nghiệm thứ ba.
Nếu có thể xét nghiệm lần thứ ba, bác sĩ Gianotti sẽ giải mã trình tự bộ gene để xác định chính xác liệu bệnh nhân có nhiễm Covid-19 hay không, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu so sánh trường hợp của cô với các ca bệnh ở Trung Quốc.
"Tôi rất thất vọng một điều, rằng chúng tôi không thể xác nhận được trường hợp này bằng lần xét nghiệm thứ ba," Massimo Barberis, đồng tác giả nghiên cứu của bác sĩ Gianotti nói với Wall Street Journal.
Bác sĩ Barberis cho biết nữ bệnh nhân sau đó được lấy mẫu máu vào giữa năm 2020, cho kết quả dương tính với kháng thể virus corona. Tuy vậy ở thời điểm này dịch bệnh đã bùng phát rất nghiêm trọng tại miền Bắc Italy, nghĩa là cô có thể đã nhiễm Covid-19 sau lần đổ bệnh hồi tháng 11/2019.
Bác sĩ Barberis cho rằng ở thời điểm hiện tại, giới nghiên cứu không còn quá chú ý tới việc điều tra đại dịch bắt đầu như thế nào.
"Người ta không còn quan tâm đến điều đó nữa," ông nói với tờ Wall Street Journal.
Tuần trước, một nhóm nhà khoa học một lần nữa bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Nhóm chuyên gia chỉ ra rằng hiện "chưa có bằng chứng được kiểm nghiệm một cách khoa học" ủng hộ cho giả thuyết này.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)