Trước làn sóng dịch bệnh ngày một lan nhanh do biến chủng Delta gây ra, nhiều người Mỹ đang rơi vào tình cảnh hết sức khổ sở. Họ phải di chuyển đến hàng trăm dặm, vì bệnh viện gần nơi họ sinh sống đã không còn chỗ nữa. Và trong lúc chờ đợi được chữa trị, có những người đã không thể qua khỏi.
Nói một cách ngắn gọn hơn, các bệnh viện tại Mỹ đang rơi vào tình trạng quá tải. Họ bắt đầu buộc phải lựa chọn bệnh nhân để cứu chữa.
"Chọn bệnh nhân" từ lâu đã là một từ ngữ cấm kỵ đối với ngành y nước Mỹ. Nó thường được dùng với nghĩa tiêu cực, khi có một bệnh nhân không được chăm sóc y tế vì không thể trả tiền viện phí, kiểu như vậy.
Biến chủng Delta - một biến chủng được xem là toàn diện với khả năng lây lan nhanh hơn và độc lực mạnh hơn. Cùng với việc tốc độ tiêm vaccine của Mỹ đang chậm lại (chủ yếu do nhiều người không muốn tiêm chủng), cả hai góp phần tạo nên cơn khủng hoảng mà họ phải hứng chịu hiện nay.
Tennessee, Kentucky, Alaska, Wyoming, và West Virginia là những tiểu bang đang có ổ dịch nghiêm trọng nhất, đã xác lập kỷ lục ca nhập viện trong những tuần gần đây, thậm chí gần chạm đến làn sóng dịch bệnh mùa đông năm 2020. Các bang này đều có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình của đất nước. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực (ICU) ở các bệnh viện phía nam đã vượt quá khả năng đáp ứng.
Nước Mỹ - đất nước sở hữu nền kinh tế hùng mạnh hàng đầu thế giới - đáng lẽ không nên là nơi rơi vào tình cảnh buộc bệnh nhân phải chờ chết mà không được cứu chữa. Vậy mà chuyện đó đang xảy ra, vào ngay lúc này!
Những cái chết không cần thiết của hệ thống y tế không dành cho đại dịch
Nhiều nơi trong hệ thống y tế Mỹ vẫn đang loay hoay trong đại địch Covid-19. Cơn khủng hoảng Covid lần này chỉ là thất bại mới nhất của họ mà thôi.
Mỹ vẫn còn khá đông cư dân chưa tiêm chủng. Cứ 4 người trên 18 tuổi lại có 1 chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine nào. Trong đó, nhóm trẻ tuổi hơn lại có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn. Hệ quả, tỉ lệ nhập viện cũng có sự chuyển dịch về độ tuổi: người trên 65 từng chiếm phân nửa số giường trong tháng 12/2020 và đầu năm 2021 thì giờ chỉ còn 1/3. Trẻ em dưới 12 tuổi - nhóm chưa đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine và các bệnh viện nhi đang chứng kiến số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay.
Và tựu trung, số người mắc Covid-19 gặp phải triệu chứng nặng và phải nhập viện đang sắp chạm đến mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. Ví dụ như bang Texas đã gần như chạm đến mốc đỉnh dịch từ mùa đông năm ngoái, với 14.200 người đang phải nhập viện vì Covid-19 và hơn 90% giường ICU đã bị lấp kín. Tại Ida, 88% số giường ICU đã được sử dụng, buộc họ phải áp dụng "tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng" - một tiêu chuẩn cho phép y bác sĩ được ưu tiên bệnh nhân dựa trên khả năng sống sót của họ.
Daniel Wilkinson - một cựu chiến binh 46 tuổi tại Bellville, Texas đã buộc phải gấp rút nhập viện cấp cứu. Ông được chẩn đoán viêm tụy vì sỏi mật - căn bệnh có thể chữa trị, nhưng bệnh viện địa phương không có trang thiết bị. Các bác sĩ gọi đi khắp các bệnh viện trong và ngoài tiểu bang, nhưng không thể tìm nổi một bệnh viện đón nhận ông. Tất cả đều đang có số ca Covid nhập viện cao nhất nước lúc này.
Sau cùng, họ xác nhận được một nơi có giường ICU cho ông, nằm cách Bellville 1h lái xe. Nhưng tình trạng nội quan của Wilkinson đã xấu đến mức dù được đưa đi bằng trực thăng, ông vẫn không thể cầm cự nổi trước khi đến được bệnh viện. Đó là 7h sau thời điểm ông được mẹ đưa đến phòng cấp cứu địa phương.
Những câu chuyện giống như của Wilkinson thực chất nhiều nhan nhản tại Mỹ. Hôm 13/9, một cụ ông 73 tuổi tại Alabama đã chết vì suy tim, sau khi bị hơn 40 bệnh viện từ chối tiếp nhận. Nơi gần nhất có chỗ cho ông là tại Mississippi, cách đó khoảng 200 dặm đường. Bản thân Alabama cũng là tiểu bang có tỉ lệ nhập viện trên đầu người cao thứ 2 quốc gia.
Các bệnh viện đang cố gắng cân bằng giữa làn sóng Covid-19 mới với việc chăm sóc y tế với các chứng bệnh khác. Nhưng điều đó có nghĩa là họ sẽ phải đưa ra những sự lựa chọn đau lòng.
Karen Joynt Maddox, nhà nghiên cứu chính sách y tế tại ĐH Washington cho biết bệnh viện chỗ cô được hướng dẫn không tiếp nhận bệnh nhân từ các vùng quê nhỏ trong đại dịch, trừ phi đó là tình huống cực kỳ khẩn cấp. Nói cách khác, họ phải từ chối rất nhiều yêu cầu chuyển viện từ gia đình bệnh nhân.
Bản thân nước Mỹ cũng không có nhiều giường bệnh như các đất nước giàu có khác. Tỉ lệ giường trên 1000 người tại Mỹ chỉ là 2,9, trong khi mức trung bình của do Peterson-Kaiser Health System Tracker (tổ chức chuyên về theo dõi hệ thống y tế công) quy định là 4,6.
Lý do cho sự thiếu chuẩn bị này là vì qua nhiều thập kỷ, nhiều dịch vụ y tế đã chuyển từ điều trị nội trú sang ngoại trú để tiết kiệm chi phí. Nó dẫn đến việc số lượng giường bệnh giảm xuống cho phù hợp với nhu cầu lưu viện đã hạ thấp. Để rồi khi đại dịch xảy ra, làn sóng bệnh nhân ập đến, họ rất dễ trở nên quá tải.
Có nhiều nước "bền bỉ" hơn trước Covid-19
Cơn khủng hoảng Covid mới nhất đã bộc lộ thiếu sót trong khâu tổ chức của hệ thống y tế tại Mỹ. Đây cũng là thứ khác biệt giữa Mỹ và nhiều quốc gia giàu có khác, khi phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm gia tăng.
Giống như Mỹ, nhiều quốc gia hùng mạnh cũng bị đại dịch thử thách, thậm chí có nơi còn trở thành tâm dịch tồi tệ nhất của thế giới - như Ý vào năm 2020. Nhưng sau hơn 1 năm, họ đã được trang bị tốt hơn để chống chọi, cùng với tỉ lệ tiêm chủng tăng cao và một hệ thống y tế thêm gắn kết.
Thực ra nếu tính số giường bệnh trên đầu người, Mỹ không phải thấp nhất. Canada và Anh Quốc đều có số giường thấp hơn một chút, và họ từng gần chạm đến giới hạn trong đợt dịch kinh hoàng nhất của nước họ. Anh từng phải chuyển bệnh nhân ICU đến các bệnh viện ít tắc nghẽn hơn trong mùa đông năm ngoái. Ở Ontario (Canada), 2500 bệnh nhân cũng phải chuyển đi các thành phố khác nhằm đáp ứng nhu cầu giường bệnh.
Thậm chí là Pháp - nơi có số giường trên đầu người cao hơn Mỹ cũng có 100 bệnh nhân phải mang đi di tản khi các bệnh viện tại Paris quá tải. Nhưng câu chuyện của họ đều không đáng sợ bằng Mỹ, bởi họ sở hữu hệ thống bệnh viện có sự gắn kết lớn hơn hẳn. Việc chuyển bệnh nhân đi sẽ do chính quyền địa phương hoặc chính phủ quản lý. Còn ở Mỹ, họ không có hệ thống như vậy. Mọi thứ đều là tự phát, khi các y bác sĩ phải tự gọi điện hỏi giường, hỏi máy thở cho bệnh nhân.
Sự thiếu tổ chức sẽ dẫn đến những tình cảnh thương tâm. Một phòng cấp cứu quá tải khu vực ngoại ô sẽ dẫn đến việc các bệnh nhân phải rời đi nơi khác. Thiếu hụt nhân lực - Mỹ đang nhiều nhân viên hành chính hơn nhân viên y tế so với quốc tế - cũng sẽ dẫn đến hệ quả xấu.
"Mọi hệ thống y tế đều là chăm sóc có lựa chọn, vì nguồn lực không vô hạn. Nhưng tại Mỹ, họ lựa chọn một cách lộn xộn hơn, trong khi các quốc gia xây dựng một hệ thống phân bổ hợp lý để quản lý nguồn lực của mình," - Ezra Klein, bình luận viên của Vox chia sẻ.
"Nhờ vậy, họ được ở vị thế tốt khi đối mặt với làn sóng người bệnh gia tăng. Mỹ thì phải trả giá vì không làm được điều đó."
Theo JD (Pháp Luật & Bạn Đọc)