Bệnh nhân HIV thứ hai trên thế giới được chữa khỏi

11/03/2020 13:30:39

Người thứ hai trên thế giới được chữa khỏi HIV vẫn đang trong tình trạng không có “virus hoạt động” trong suốt hai năm qua, theo một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí y khoa Lancet công bố ngày 10/3.

Theo Đài BBC, các bác sĩ Anh đã xác nhận việc bệnh nhân nam sống tại London (Anh) này được chữa khỏi bệnh. Sau hơn 30 tháng anh này đã ngưng dùng thuốc kháng virus, người ta vẫn không tìm thấy HIV trong cơ thể.

Tuy nhiên, điểm rất đáng chú ý là anh Adam Castillejo khỏi bệnh không phải nhờ các loại thuốc kháng virus, mà bằng liệu pháp ghép tế bào gốc vốn dùng để điều trị bệnh ung thư của anh.

Bệnh nhân HIV thứ hai trên thế giới được chữa khỏi
Adam Castillejo, bệnh nhân London được chữa khỏi HIV. Ảnh Redux/CNN/NYT.

Hơn hai năm trước, Adam Castillejo, trước đây được xác định là bệnh nhân London, đã hoàn thành liệu pháp kháng virus HIV.

Người này đã trải qua một ca cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư hạch và người hiến tặng của bệnh nhân này mang một đột biến được gọi là CCR5-delta 32, kháng HIV. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi điều trị ung thư hạch, Castillejo, hiện 40 tuổi, đã được chữa khỏi HIV.

HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) là một bệnh nhiễm siêu vi suốt đời tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể gây ra hậu quả đáng kể cho sức khỏe. Tuy nhiên, chưa có cách chữa trị được công bố rộng rãi, loại virus này có thể điều trị được bằng sự kết hợp các loại thuốc được gọi là liệu pháp kháng virus làm giảm lượng virus trong máu của một người và có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng PrEP, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận vào năm 2012.

Theo UNAids, có 37,9 triệu người trên toàn cầu sống chung với HIV vào năm 2018.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng sự thành công của cấy ghép tế bào gốc có thể coi là một phương pháp chữa trị HIV, lần đầu tiên được báo cáo cách đây 9 năm ở bệnh nhân Berlin, có thể được nhân rộng”, Ravindra Gupta, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư về vi sinh lâm sàng của Đại học Cambridge cho biết.

Không giống như “bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown, Castillejo chỉ trải qua một lần cấy ghép tế bào gốc thay vì hai và không phải xạ trị cho toàn bộ cơ thể như một phần của liệu trình. Castillejo đại diện cho một bước tiến tới một phương pháp điều trị ít chuyên sâu hơn, các tác giả cho biết.

Tuy nhiên, do tính chất xâm lấn của quá trình điều trị thử nghiệm, các tác giả cảnh báo việc sử dụng rộng rãi biện pháp này. “Điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp điều trị này có nguy cơ cao và chỉ được sử dụng như là phương sách cuối cùng cho những bệnh nhân nhiễm HIV có các khối u ác tính về huyết học đe dọa tính mạng”, Gupta cho biết. “Do đó, đây không phải là phương pháp điều trị rộng rãi cho bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus hiệu quả”.

Sau khi được tuyên bố khỏi bệnh, anh Adam Castillejo, "bệnh nhân người Anh" hiện đã 40 tuổi, quyết định công khai danh tính.

Các bác sĩ của anh Adam Castillejo xác nhận đã không còn tìm thấy virus HIV trong máu, tinh trùng cũng như các mô trong cơ thể anh.

Đã một năm trôi qua kể từ khi bác sĩ lần đầu tiên tuyên bố anh Adam Castillejo được chữa khỏi bệnh, và hiện anh không còn virus HIV trong cơ thể.

Chủ trì nhóm nghiên cứu, giáo sư Ravindra Kumar Gupta của ĐH Cambridge, cho biết: "Trường hợp này cho thấy việc chữa khỏi HIV là gần như chắc chắn. Các phát hiện của chúng tôi cho thấy sự thành công của liệu pháp cấy tế bào gốc để chữa trị người bệnh nhiễm HIV vốn đã được công bố từ 9 năm trước ở bệnh nhân Berlin có thể được lặp lại".

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật