Bé gái 4 tuổi ở bang Kerala (Ấn Độ) có bàn tay 6 ngón nên gia đình quyết định cho em đi phẫu thuật. Vào tháng 5 vừa qua, trẻ được đưa vào Bệnh viện Đại học Y khoa để mổ.
Sau khi bệnh nhi ra khỏi phòng phẫu thuật, người nhà phát hiện bác sĩ đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Theo Hindustan Times, bé gái được mổ lưỡi thay vì cắt bỏ ngón tay thừa. Gia đình phát hiện sự cố khi tìm thấy bông nhét trong miệng con và ngón tay thừa còn nguyên.
Vụ việc lập tức gây xôn xao dư luận ở Kerala khiến chính quyền tiểu bang vào cuộc. Tiến sĩ Bijon Johnson, người thực hiện ca phẫu thuật, bị đình chỉ hành nghề.
"Bệnh viện thông báo với chúng tôi rằng họ mắc sai lầm vì lên lịch phẫu thuật cho 2 đứa trẻ cùng ngày", một thành viên trong gia đình cho biết. Bác sĩ đã xin lỗi bệnh nhi và người thân.
Bệnh viện thừa nhận sai lầm nhưng nói thêm bé gái bị dính thắng lưỡi nên việc phẫu thuật ở lưỡi có lợi cho bệnh nhi. Dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh nhẹ hay gặp ở trẻ nhỏ làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Tuy nhiên, cha mẹ khẳng định con không có vấn đề gì ở lưỡi. "Không ai nên có trải nghiệm như vậy tại Bệnh viện Đại học Y khoa", họ nói. Gia đình cho rằng, lãnh đạo bệnh viện phải giải trình và chịu trách nhiệm nếu trẻ gặp biến chứng sức khỏe sau ca mổ nhầm.
Bà Veena George - người đứng đầu ngành y bang Kerala - đã chỉ đạo tiến hành điều tra chi tiết. Đồng thời, bà George yêu cầu tất cả bệnh viện tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình hoạt động.
Trong khi đó, cảnh sát đã lập hồ sơ vụ án khởi tố Tiến sĩ Johnson dựa trên đơn khiếu nại của gia đình bé gái. Theo một sĩ quan tại đồn cảnh sát Cao đẳng Y khoa Kozhikode, bác sĩ trên đã bị bắt với cáo buộc gây nguy hiểm đến tính mạng, an toàn của người khác.
Ông V D Satheesan - chính trị gia của bang Kerala, lên tiếng đây là "hành vi sai trái nghiêm trọng". Ông cho rằng uy tín của các bệnh viện công đang bị nghi ngờ do lặp lại các lỗi y khoa.
Đây không phải lần đầu tiên một sai lầm khó tin xảy ra ở bệnh viện Ấn Độ. Một bệnh nhân có tên Harshina từng bị bỏ quên dụng cụ y tế khi sinh mổ. Hai bác sĩ và 2 y tá đã phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Sự cố xảy ra năm 2017 nhưng phải 5 năm sau, cảnh sát mới đưa ra được kết luận khẳng định.
Theo An Yên (VietNamNet)