Mới đây, các nhà khoa học đã nhận định, quan hệ tình dục giữa tổ tiên người hiện đại với người Neanderthal có thể là nguyên nhân gây ra những chứng bệnh như sốt mùa hè hay dị ứng lạc ở thế hệ con cháu.
Người Neanderthal. (Nguồn: Getty) |
Theo các nhà khoa học, 40.000 năm trước, loài người hiện đại (Homo sapiens) và người Neanderthal đã có sự tiếp xúc với nhau, và một số có thể đã quan hệ tình dục với nhau. Về cơ bản, đây là một kiểu quan hệ đồng huyết thống, giống như việc sư tử giao phối với hổ, hay ngựa giao phối với ngựa vằn.
Tờ The Guardian từng dẫn lời một nghiên cứu cho biết, việc “giao phối tiền sử” này đã dẫn đến việc tất cả dân số thế giới không phải người châu Phi đều có từ 1 đến 6% AND của người Neanderthal.
Công ty công nghệ gen 23andme của Mỹ cho rằng, trong quá khứ, một nhóm tổ tiên của người hiện đại đã rời châu Phi đi khám phá những vùng đất mới. Trên hành trình đó, họ đã gặp người Neanderthal và người Denisovan, những giống loài đã dành 200.000 năm để thích nghi với những bệnh tật và virus ở lục địa Á-Âu. Janet Kelso, nhà nghiên cứu của 23andme cho biết:
“Quan hệ tình dục đồng huyết giữa những giống người cổ xưa thực sự có ảnh hưởng chức năng đến loài người hiện đại. Hệ quả dễ thấy nhất là khả năng thích nghi với môi trường của chúng ta đã tăng lên - chúng ta có sức đề kháng tốt hơn với mầm bệnh và có thể chuyển hóa các chất trong các thực phẩm ít được đại đa số tiêu dùng (novel food).”
Kết quả của “giao phối tiền sử” là rất nhiều người hiện đại có mang 3 loại gen tăng cường hệ miễn dịch, giúp họ đề kháng tốt hơn.
Tuy nhiên, sự vượt trội này cũng có cái giá của nó, khi đồng thời cũng khiến chúng ta hắt hơi, ngứa ngáy và bị dị ứng với những yếu tố môi trường cụ thể. Tuy nhiên nhìn chung, ba loại gen này vẫn chứng tỏ được sự hữu ích của chúng, và vẫn tồn tại trong bộ gen của chúng ta đến tận ngày nay./.
Theo Mai Nguyễn (VietNam+)