Năm 2010, người dân tại đảo Calabria, miền Nam Italy, vẫn thường trông thấy Domenico Oppedisano mang theo hoa quả của gia đình để bán trên chiếc xe tải ba bánh nhỏ tại một chợ nông sản ở thị trấn Rosarno.
Ngoài giờ buôn bán tại chợ, ông lão khi ấy đã 80 tuổi còn có một công việc khác, ông là "chủ tịch hội đồng" của một trong những tổ chức mafia quyền lực nhất Italy, tổ chức Ndrangheta.
Nhóm mafia hùng mạnh nhất thế giới
Tuần vừa qua, lực lượng cảnh sát 4 nước châu Âu tiến hành chiến dịch truy quét có tên Pollino, tấn công triệt phá các cơ sở của đế chế Ndrangheta, tổ chức chuyên về rửa tiền và buôn bán ma túy, bắt giữ 90 người.
Giới chức châu Âu mô tả chiến dịch Pollino, được xây dựng trong 2 năm, là một "đòn đánh quyết định chống lại một trong những mạng lưới tội phạm Italy hùng mạnh nhất trên thế giới". Chiến dịch này diễn ra ngay sau khi cảnh sát Italy tóm gọn Settimino Mineo, bố già của mafia Sicilly, cùng 46 người khác tại Palermo với cáo buộc tội phạm có tổ chức.
Ndrangheta từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của cảnh sát Italy, tổ chức này thậm chí nằm trong danh sách cấm vận của bộ Tài chính Mỹ. Dẫu ông trùm Domenico Oppedisano đã sa lưới từ năm 2010, Ndrangheta vẫn tiếp tục thống trị việc mua bán cocaine, liên kết với nhiều nhóm tội phạm có tổ chức khắp Mỹ Latin, New York, Thổ Nhĩ Kỳ và Albania.
Các chuyên gia về tội phạm có tổ chức nhận định doanh thủ của Ndrangheta mỗi năm có thể lên tới 60 tỷ USD, tương đương GDP của Croatia hoặc Bulgaria. Tổ chức này được cho là kiểm soát 80% lượng cocaine được đưa vào châu Âu.
Đầu thập niên 90, nhà chức trách Italy bắt đầu tập trung vào mafia ở Sicilly sau vụ sát hại hai công tố viên quan trọng trong chiến dịch chống tội phạm có tổ chức là Giovanni Falcone và Paolo Borsellino. Nhà nghiên cứu tội phạm Zora Hauser từ Đại học Oxford nhận định hai công tố viên bị sát hại do "đã làm suy yếu đáng kể mafia ở Sicilly".
Trong bối cảnh Sicilly trở thành tâm điểm của lực lượng chấp pháp, Ndrangheta nhìn thấy cơ hội phát triển. Từ các thị trấn vùng núi Calabria, Ndrangheta âm thầm hoạt động, ẩn mình khỏi sự chú ý của cảnh sát, nhưng liên tục mở rộng ảnh hưởng.
Cecilia Anesi, phóng viên điều tra có nhiều thời gian hoạt động tại Calabria, quen nhà của Ndrangheta, cho biết thế hệ lãnh đạo mới của tổ chức này muốn tìm cách tái đầu tư tiền từ hoạt động bắt cóc và bảo kê. Câu trả lời chính là cocaine.
Hồ sơ của tòa án Italy miêu tả hoạt động mua bán cocaine là "mỏ vàng được Ndrangheta sử dụng để sau đó đầu tư vào hoạt động kinh tế hợp pháp tại Italy và nước ngoài".
Antonio Nicaso, người đã xuất bản 30 quyển sách về tội phạm có tổ chức, trong đó có một số quyển về Ndrangheta, cho biết tổ chức này thúc đẩy quan hệ với các nhà sản xuất và phân phối ma túy khắp Mỹ Latin, từ Peru tới Colombia và Brazil.
Nicaso tiết lộ Nadragheta kiểm soát tất cả các tuyến đường vận chuyển lớn tại khu vực, gồm có các cảng tại Brazil và Tây Phi. Tổ chức này cũng thiết lập hiện diện tại các cảng châu Âu, ví dụ như ở Antwerp của Bỉ và Rotterdam của Hà Lan. Thông qua cơ sở này, Ndrangheta giấu lượng lớn cocaine trong các lô than xuất khẩu sang châu Âu từ một công ty bình phong ở Colombia, hay trong các sản phẩm gỗ từ Guyana.
Năm 2008, kênh ngoại giao của Mỹ kết luận Ndrangheta che giấu cơ sở chính tại Italy, "duy trì các tài khoản ngân hàng ở Monte Carlo và Milan, trong khi cử người tới hoạt động tại Colombia, Tây Ban Nha, Đức, các nước Balkan, Canada và Australia".
Tiền bất chính thu được nhờ buôn bán cocaine được tổ chức này rửa nhanh chóng thông qua đầu tư vào du lịch tại Riviera, Pháp, các nhà hàng và bất động sản tại Tây Ban Nha, hay các hợp đồng chính phủ tại miền Bắc Italy. Hoạt động của Ndrangheta mở rộng thông qua cộng đồng người Calabria trên khắp châu Âu, đặc biệt tại Đức.
Thông qua các mối quan hệ gia đình, các nhóm nhỏ sử dụng những quán ăn, quán rượu và cà phê từ Dussedolf tới London làm bình phong cho hoạt động rửa tiền và phân phối ma túy. Trong các cuộc truy quét riêng trong tuần vừa qua, hơn 4.000 kg cocaine, 140 kg thuốc lắc và khoản tiền mặt lớn đã bị thu giữ.
Cecilia Alesi cho biết các công tố viên có bằng chứng cho thấy một tiệm kem ở Bruggen, Đức cũng được sử dụng cho hoạt động rửa tiền. Trong khi đó, một nhà hàng pizza gần thành phố Cologne được biến thành trung tâm hậu cần, trung tâm rửa tiền và là nơi tổ chức các chuyến hàng vận chuyển cocaine tới Mỹ Latin. Các nhà hàng tại hai ngôi làng ở Hà Lan cũng có vai trò tương tự.
Chi phối hoàn toàn Calabria
Ndrangheta hình thành từ thế kỷ 19, thành viên ban đầu mang danh nghĩa là các nông dân ở vùng nông thôn. Calabria, quê nhà của tổ chức, từ đó cho tới nay vẫn là vùng lãnh thổ hoàn hảo cho hoạt động của tội phạm có tổ chức.
Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh, bí mật, một trong những khu vực nghèo nhất khắp châu Âu, nơi người dân luôn thù địch với bất cứ hình thức nhà nước nào. Ngày nay, khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi một số gia đình có bề dày lịch sử như Pelle, Romeo và Giorgi.
Ngôi nhà tinh thần của Ndrangheta là thị trấn San Luca, nhưng các gia đình chia nhau kiểm soát các cộng đồng dân cư. Theo lời của một công tố viên Italy, Ndrangheta kiểm soát "mọi cục đất" tại miền Nam Calabria.
Tổ chức này cũng từng trải qua các cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu. Mối thù truyền kiếp giữa hai gia tộc Nirta-Strangio và Pelle-Vottari lên đến đỉnh điểm trong một cuộc tấn công vào tiệm bánh pizza ở Duisburg, Đức năm 2007 khiến 6 thành viên gia tộc Pelle bị bắn chết.
Hauser cho biết những sự chú ý của giới chức nhắm vào Ndrangheta đã buộc tổ chức này phải thành lập một hội đồng điều hành để giải quyết mâu thuẫn và phê duyệt các tổ chức chân rết mới. Oppedisano, kẻ bị bắt năm 2010, có thể là ông trùm của hội đồng này.
Liên kết giữa các gia đình được củng cố thông qua hôn nhân, mối quan hệ huyết thống khiến Ndrangheta khó bị chia rẽ hơn so với các tổ chức tội phạm khác. Hauser nhận định bên trong Ndrangheta, "thật khó để phân biệt rạch ròi giữa gia đình về huyết thống với gia đình tội phạm".
"Trên tất cả, thông tin trong tổ chức được chia sẻ dần, theo một hệ thống được phân cấp chặt chẽ", Hauser cho biết.
Trong khi hàng nghìn thành viên của mafia ở Sicilly trở thành chỉ điểm cho cảnh sát, chỉ có vài chục thành viên của Ndrangheta chấp nhận làm việc cho cảnh sát Italy, và không ai trong số này nằm trong nhóm lãnh đạo cấp cao.
Mật mã im lặng "Omerta", hay không hợp tác với chính quyền, là nguyên tắc đầy quyền lực trong nội bộ Ndrangheta. Những người hiếm hoi bước ra khỏi hàng ngũ Ndrangheta, như trường hợp mội đại diện của tổ chức này ở miền Bắc Italy năm 2008, không sống sót lâu.
Báo cáo năm 2009 của giới ngoại giao Mỹ cho biết phần lớn các chính trị gia Italy họ tiếp xúc đều bi quan về tương lai kinh tế của Calabria cũng như cơ hội ngăn chặn hoạt động của Ndrangheta.
Sẽ sớm trở lại
Làn sóng bắt giữ trong 10 năm qua đã phần nào cản trở hoạt động của Ndrangheta. Trong chiến dịch truy quét năm 2010, khoảng 300 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều cảnh sát.
Nicaso cho biết việc thành lập Đội điều tra chung tại châu Âu 2 năm qua là bước tiến lớn trong thu thập dấu vết hoạt động xuyên biên giới của Ndrangheta thông qua chia sẻ thông tin tình báo.
Đội điều tra cũng sử dụng các công nghệ mới, cấy phần mềm nghe lén vào điện thoại của Domenico Pelle, một thành viên cấp cao của tổ chức. Phần mềm này ghi âm không chỉ các đoạn hội thoại của tên này mà còn cả âm thanh xung quanh. Domenico đã sa lưới trong chiến dịch truy quét tuần qua.
Những bước tiến vừa qua được đánh giá là tích cực trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt Ndrangheta, tuy nhiên chưa thể chạm tới gốc rễ của tổ chức mafia tại miền Nam Italy này.
"Chiến dịch đã làm suy yếu một vài gia đình, nhưng một trong những nguồn sức mạnh của Ndrangheta nằm ở chỗ chúng hưởng lợi nhờ chế độ tự quản trị rất lớn. Sự suy yếu của một gia đình có thể dễ dàng khiến một gia đình khác mạnh lên", chuyên gia Hauser nhận định.
Một sĩ quan cảnh sát Italy miêu tả tổ chức này là một con thằn lằn, thay đổi phương thức hoạt động nhưng luôn duy trì căn cứ vô hình tại vùng núi Calabria. Ndrangheta đã thâm nhập sau vào nền chính trị địa phương và có khả năng thao túng các cuộc bầu cử địa phương theo hướng có lợi cho một ứng viên nào đó. Ndrangheta cung cấp gái mại dâm cho các thẩm phán, mua chuộc, đe dọa thậm chí thanh lý bất cứ ai thách thức quyền lực của chúng.
Các gia đình mafia được thành lập tại hầu hết thành phố ở Calabria và kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh tế hợp pháp cũng như bất hợp pháp, từ xây dựng, năng lượng, du lịch tới buôn bán ma túy, vũ khí, và mới đây nhất là dịch vụ cho người tị nạn.
Nicaso nhận xét cuộc tấn công tuần qua mới chỉ "cào xước mặt của chúng". Muốn đánh vào gốc rễ của Ndrangheta, nhà chức trách cần "10 cuộc tấn công như vậy, cái này tiếp nối cái khác".
Phóng viên điều tra Anesi cũng có chung nhận định. Cô cho rằng Ndrangheta đã hoàn toàn thâm nhập mọi ngóc ngách trong cuộc sống ở Calabria, đồng thời chuyển phần lớn công việc mua bán ma túy cho các băng nhóm hoạt động tự do ở Albania và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Các gia đình sẽ mất chút thời gian để tổ chức lại, nhưng sau vài tuần nữa, họ sẽ trở lại", Anesi nhận xét.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)