Bắc Kinh đang thực hiện mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, với gần 1,6 tỷ liều đã được tiêm trên toàn quốc, tính đến ngày 29/7
Với khẩu hiệu không để ai bị bỏ lại trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, Bắc Kinh đặt niềm tin vào Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (SinoPharm), nơi sản xuất vaccine COVID-19 theo công nghệ virus bất hoạt truyền thống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thử nghiệm giai đoạn 3 ở nhiều quốc gia cho thấy, vaccine SinoPharm có hiệu quả 79% phòng các ca mắc COVID-19 phải nhập viện.
Trong khi đó, việc thử nghiệm và phê duyệt các công nghệ tiên tiến và hiệu quả cao hơn như vaccine mRNA (như của Pfizer và Moderna) tại Trung Quốc vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Đầu tháng này, SinoPharm đã đưa vào vận hành giai đoạn ba nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 ở quận Đại Hưng, ngoại ô Bắc Kinh, được cho là nhà máy lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm có thể đạt 3 tỷ liều - theo báo cáo của nhà sản xuất thuốc và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất vaccine mới giống một cơ sở "ươm" virus khổng lồ ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi virus được nuôi cấy trong một môi trường kiểm soát chặt chẽ. Sau đó, virus bị bất hoàn bằng cách sử dụng nhiệt, formaldehyde, formalin hay các hoá chất khác để loại bỏ khả năng tái tạo của nó – một quá trình nhằm giữ cho virus “nguyên vẹn” để khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch có thể nhận ra nó mà kích hoạt phản ứng.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Cao Phúc (Gao Fu), Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, giải thích lý do các nước phương Tây lựa chọn "từ bỏ” phương pháp vaccine bất hoạt và vaccine giảm độc lực truyền thống, thay bằng các loại mới như mRNA là do họ “không thể” xây dựng nhanh các nhà máy vaccine tiên tiến theo tiêu chuẩn an toàn sinh học nghiêm ngặt của một cơ sở P3, được chứng nhận có thể xử lý các mầm bệnh có khả năng lây truyền cao.
Ông Cao nói thêm rằng hầu hết các nhà máy hiện có do SinoPharm và Sinovac điều hành thực sự là phòng thí nghiệm P3 được chuyển đổi thành “trang trại nuôi cấy” và cơ sở sản xuất vaccine COVID, với các biện pháp an toàn nghiêm ngặt được áp dụng để loại bỏ bất kỳ rủi ro nào.
Nhà máy sản xuất vaccine mới nhất của SinoPharm, cách Sân bay Quốc tế Đại Hưng mới của Bắc Kinh chưa đầy một giờ đi ô tô, khá nhỏ gọn, chỉ chiếm một khu đất rộng 3.600 m2 với bốn tầng, theo một tài liệu của SinoPharm.
Việc nuôi cấy virus COVID được thực hiện trong các bể chứa phản ứng đặc biệt với nhiệt độ, độ ẩm và mật độ carbon dioxide (CO2) được giám sát và kiểm soát chặt chẽ. Cấu trúc tế bào bên trong của các bể chứa này cũng là chìa khóa để nhanh chóng nuôi virus và từ đó thúc đẩy sản lượng vaccine đạt 3 tỷ liều mỗi năm.
Chủ tịch của SinoPharm, Liu Jingzhen, đảm bảo với các phóng viên trong một sự kiện truyền thông vào tháng trước rằng nhà máy Đại Hưng đã được thiết kế để “không thể gây bất kỳ sự cố rò rỉ virus nào”, và nhấn mạnh rằng việc sản xuất vaccine bất hoạt trước tiên đòi hỏi phải nuôi cấy mầm bệnh với số lượng lớn.
Ông Liu tiết lộ rằng nhà máy P3 hoàn toàn kín, tự động hóa cao ở Đại Hưng có các phòng áp suất âm và sẽ không bao giờ phát tán virus vào thủ đô, bởi vì mỗi van, ống và thiết bị lưu trữ đều được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn cao nhất.
“Trong trường hợp rất hiếm hoi xảy ra rò rỉ, thậm chí chỉ với một giọt nước nhỏ chứa mầm bệnh, hệ thống báo động sẽ được kích hoạt ngay lập tức để phun chất khử trùng và và toàn bộ virus trong cùng một phòng hoặc ngăn sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức”, ông Liu Jingzhen nói.
Yang Xiaoming, Chủ tịch công ty con CNBG của SinoPharm hiện đang vận hành nhà máy, cũng tự hào về những bước đột phá mới trong việc khử hoạt tính của virus giúp bảo tồn hầu hết các biểu hiện của virus SARS-CoV-2 trong khi vẫn khiến chúng vô hại khi tiêm vào cơ thể.
Ông cho biết trong một văn bản nội bộ của CNBG rằng việc giữ cho virus "nguyên vẹn" ở dạng ban đầu có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, dạy cơ thể ghi nhớ và nhận ra mầm bệnh tốt hơn. Như vậy, kỹ thuật mới cũng có thể làm cho vaccine SinoPharm hoạt động tốt hơn các vaccine khác cùng loại trong việc vô hiệu hóa các chủng virus mới
Một chuyên gia lập kế hoạch tiêm chủng của CDC Thượng Hải cho biết việc mở rộng sản lượng và sử dụng vaccine hiệu quả hơn từ SinoPharm để thay thế dần các mũi Sinovac trong quá trình tiêm chủng hiện tại là rất hợp lý. Vị chuyên gia giấu tên cho biết đây là một biện pháp ngăn chặn, trong trường hợp không có vaccine mRNA, nhằm bảo vệ nhiều hơn trước sự lan tràn của biến thể Delta và các biến thể dễ lây khác.
Chuyên gia trên nói thêm rằng vaccine bất hoạt có xu hướng cung cấp thời gian bảo vệ ngắn hơn so với vaccine sống và nhiều khả năng cần mũi tăng cường (mũi thứ ba) để tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài.
SinoPharm cho biết tất cả các nhà máy của họ hiện đang chạy hết công suất để đáp ứng các đơn đặt hàng trong và ngoài nước. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này đã tặng hoặc chuyển giao 570 triệu liều vaccine ra nước ngoài tính đến cuối tháng 6.
Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)