Bên trong 'địa ngục' Covid-19 Ấn Độ: Hàng chục bệnh nhân tử vong vì hết oxy, người nhà phải lên mạng cầu xin, lý do vì sao?

07/05/2021 14:11:33

Sanchi Gupta hoảng loạn tìm xylanh oxy, kể cả xylanh rỗng, để cứu mẹ. Mẹ cô là một trong 140 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Saroj, một trong những cơ sở y tế có trang bị hiện tại nhất thủ đô New Delhi.

Bà phải dùng máy thở trong phòng điều trị tích cực. Bệnh viện báo cho Gupta và các gia đình khác rằng nguồn oxy đã hết. Họ cần phải ra ngoài tìm oxy để cứu sống người thân.

"Chúng tôi không tìm được bình đầy, do đó chúng tôi cố gắng tìm các bình rỗng, bởi chúng tôi vẫn có thể bơm đầy oxy vào đó," Gupta giải thích với truyền thông địa phương.

"Chúng tôi đang liên hệ với các tổ chức phi chính phủ [với hy vọng rằng họ vẫn còn các thùng chứa oxy]. Chúng tôi đang nỗ lực gây sức ép, tìm kiếm các mối quan hệ. Chúng tôi đang rất tuyệt vọng," cô nói thêm.

Trong cơn tuyệt vọng, Gupta hỏi người đi đường bên ngoài bệnh viện: "Điều gì đang xảy ra vậy? Sao chúng ta không có đủ oxy? Vì sao? Vì sao những điều như thế này xảy ra?".

Thông thường ở Ấn Độ, gia đình bệnh nhân không phải lo tìm kiếm nguồn oxy. Tuy vậy, với việc nước này ghi nhận tới hơn 300.000 ca nhiễm mỗi ngày trong hai tuần qua, chuỗi cung ứng y tế đã sụp đổ. Ngoài thiếu oxy, tại đây còn ghi nhận tình trạng thiếu giường bệnh, thuốc kháng virus, bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 - gần như tất cả những gì các nước cần để đối phó với dịch bệnh.

Giới chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập kỷ bỏ quên, không đầu tư y tế công cộng tại đất nước gần 1,4 tỷ dân, nơi đang chứng kiến làn sóng Covid-19 khủng khiếp nhất thế giới.

"Mọi chuyện thật đáng thất vọng. Chúng tôi không phải là nước giàu. Ngân sách y tế lúc nào cũng thiếu," tiến sĩ Vineeta Bal, một nhà miễn dịch học thuộc Viện Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học Ấn Độ cho biết.

Bên trong 'địa ngục' Covid-19 Ấn Độ: Hàng chục bệnh nhân tử vong vì hết oxy, người nhà phải lên mạng cầu xin, lý do vì sao?
Bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ được cho thở oxy trong lúc chờ vào bệnh viện (Ảnh: New York Times)

Bal lưu ý rằng Ấn Độ đầu tư cho y tế công cộng thấp hơn nhiều nước khác, với chỉ hơn 1% GDP. Brazil chi khoảng 9% GDP cho ngành y tế, trong khi Mỹ cũng chi gần 18%.

"1% GDP là một con số đáng thất vọng. Không thấm vào đâu cả," Bal nói.

Quan chức địa phương cuối cùng cũng tìm được kế hoạch giải cứu Bệnh viện Saroj, điều một thùng chứa oxy khổng lồ tới cơ sở này kịp thời để cứu sống các bệnh nhân, bao gồm mẹ của Gupta. Bệnh viện không phải dựa vào những bình oxy mà gia đình các nạn nhân mua được.

Nhiều bệnh viện khác không may mắn như vậy.

Hôm 04/05, 24 bệnh nhân tử vong tại bệnh viện thuộc quận Chamarajanagar, bang Karnataka, được cho là do hết oxy. Hôm 01/05, 12 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Batra ở Delhi do nguồn cung oxy bị chậm 90 phút. Những thảm kịch như vậy xảy ra tại nhiều nơi ở Ấn Độ.

Không chỉ có các bệnh nhân Covid-19 bị ảnh hưởng. Một bệnh viện nhi gần New Delhi hôm 01/05 phải ban hành thông báo khẩn cấp rằng họ sắp hết oxy, sáu bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch có thể sẽ "gặp hậu quả nặng nề".

"Làm ơn giúp chúng tôi tìm kiếm [các bình oxy] vì những đứa trẻ và vì nhân loại," thông cáo báo chí của bệnh viện, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn.

Tòa án Cấp cao Allahabad hôm 04/05 tuyên bố các trường hợp tử vong tại bệnh viện do thiếu oxy có thể được coi là "tội ác diệt chủng". Tại Ấn Độ, tòa án có thể mở các cuộc điều tra mà không cần có đơn kiện. Trong trường hợp này, Tòa án Cấp cao Allahabad điều tra tình trạng thiếu oxy do có nhiều video phản ánh vấn đề này.

"Làn sóng dịch bệnh hiện nay diễn ra quá nhanh. Rất khó để quản lý mọi thứ. Người dân cũng tự mua bình oxy để sử dụng," S.D. Mishra, người giám sát nguồn cung oxy tại Tổ chức An toàn Dầu khí và Chất nổ, một cơ quan của chính quyền quản lý việc vận chuyển oxy và các chất độc hại, cho biết.

"Do người dân đang rất hoảng loạn, nhu cầu oxy tăng rất nhanh", ông nói.

"Thực ra chúng tôi sản xuất và tích trữ lượng lớn oxy tại miền Đông Ấn Độ và các khu vực khác, tuy vậy Delhi đang gặp nhiều vấn đề," Mishra nói với NPR.

Tình trạng thiếu oxy vẫn tiếp diễn bất chấp việc Mỹ và nhiều được đã gửi viện trợ cho Ấn Độ, bao gồm các bình rỗng và máy tạo oxy.

Hôm 28/04, Mỹ gửi chuyến hàng viện trợ đầu tiên tới New Delhi, bao gồm 400 bình oxy và 960.000 bộ xét nghiệm nhanh. Từ thời điểm đó, ít nhất bốn chuyến hàng viện trợ khác từ Mỹ, chở hơn 200.000 liều thuốc kháng virus remdesivir và oxy, đã tới Delhi và Mumbai. Nhiều nước khác, bao gồm Anh, UAE, Pháp, Uzbekistan và Thái Lan gửi máy thở, oxy lỏng và máy tạo oxy cho Ấn Độ.

Tuy vậy, phần lớn hàng viện trợ vận đang xếp hàng chờ đợi ở cửa khẩu hải quan. Các quan chức nói với truyền thông Ấn Độ rằng số hàng viện trợ đã bắt đầu được gửi đi từ tối 03/05, gần một tuần sau khi được vận chuyển tới nước này. Trong thời gian trên, bệnh nhân Covid-19 vẫn chết dần chết mòn tại các bệnh viện, đôi khi chỉ cách kho hàng viện trợ vài km.

Bên trong 'địa ngục' Covid-19 Ấn Độ: Hàng chục bệnh nhân tử vong vì hết oxy, người nhà phải lên mạng cầu xin, lý do vì sao? - 1
Bệnh nhân được điều trị ở một bệnh viện tại Delhi (Ảnh: Reuters)

Tối muộn 05/05, chính phủ Ấn Độ ban hành thông cáo báo chí, cho biết đã áp dụng "cơ chế được tổ chức hợp lý và có hệ thống để phân phối" hàng viện trợ. Tất cả số hàng viện trợ trước ngày 04/05 đã được chuyển tới các bang hoặc các thể chế, thông báo cho biết thêm.

Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết đã tăng cường sản xuất oxy. Giới chức cấm sử dụng oxy trong công nghiệp, trừ một số ngoại lệ, và phân phối oxy cho ngành y tế.

Tuy vậy, vấn đề là vẫn còn nhiều khó khăn trong việc vận chuyển oxy tới các cơ sở y tế.

"Thách thức lúc này là làm sao để vận chuyển oxy," Piyush Goyal, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ấn Độ nói hôm 26/04.

Oxy lỏng dễ bắt lửa và hầu như không thể vận chuyển bằng máy bay. Thông thường, oxy lỏng ở Ấn Độ được vận chuyển đường bộ, đường sắt hoặc đường thủy.

"Nhu cần thùng chứa oxy đã tăng rất nhanh và chúng tôi không có đủ thùng chứa để sử dụng," Goyal cho hay.

S.D. Mishra cho biết nhiều tài xế vận chuyển các thùng oxy lỏng mắc Covid-19 ngay thời điểm nhu cầu tăng rất cao. Các quan chức phải đứng ra sắp xếp nhân sự, mất nhiều thời gian. Tại một số nơi ở Delhi, nhu cầu oxy tăng tới 700%. Theo chính quyền Delhi, các bệnh viện yêu cầu gần 1.000 tấn oxy lỏng mỗi ngày, tuy vậy chỉ được cung cấp khoảng 40% con số kể trên.

Hầu hết các nhà máy sản xuất oxy ở Ấn Độ nằm tại khu vực miền Đông và miền Nam nước này, tuy vậy nhu cầu oxy lại đang tăng cao ở miền Bắc. Nếu vận chuyển bằng xe tải, có thể mất tới 18 tiếng để đưa oxy từ nhà máy tới các khu vực thiếu oxy.

Không quân Ấn Độ đã điều động máy bay chở các thùng rỗng tới nhà máy để giảm bớt thời gian di chuyển, đồng thời cũng mua thêm container từ nước ngoài. Hôm 02/05, tàu của Hải quân Ấn Độ tới Kuwait để nhận oxy lỏng và hàng viện trợ.

Đường sắt Ấn Độ hiện đang vận hành 27 chuyến tàu đặc biệt để chở hơn 1.500 tấn oxy lỏng tới một số bang. Hai chuyến tàu chở oxy đã tới Delhi hôm 05/05, theo Bộ trưởng Đường sắt Piyush Goyal.

Tuần này, giới chức cho biết hai nhà máy sản xuất oxy sẽ được xây dựng bên trong hai bệnh viện lớn ở Delhi. Các nhà máy đã bắt đầu sản xuất oxy ngay từ hôm 05/05.

Bên trong 'địa ngục' Covid-19 Ấn Độ: Hàng chục bệnh nhân tử vong vì hết oxy, người nhà phải lên mạng cầu xin, lý do vì sao? - 2
Người dân mang bình oxy tới các nhà máy sản xuất để bơm đầy (Ảnh: Bussiness Standard)

Tình trạng người dân hoảng loạn tìm kiếm oxy tại nhiều bệnh viện cũng là biểu hiện của một trong những vấn đề lớn tại Ấn Độ: Bộ máy quan liên làm chậm mọi chuyện. Chính phủ Ấn Độ đã phân phối oxy, tuy vậy chưa có hệ thống để vận chuyển. Tiến sĩ Sumit Ray, người đứng đầu khoa điều trị tích cực tại Bệnh viện Holy Family ở Delhi đã trải qua điều này.

"Bệnh nhân hấp hối được xe cấp cứu đưa tới, họ đã tìm kiếm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhưng khi tới đây họ đã qua đời bởi không tìm được oxy, hoặc oxy trên xe cấp cứu cạn kiện," ông nói.

Bệnh viện nơi ông công tác được chính phủ yêu cầu chỉ chữa trị cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện ban đầu có 275 giường, nhưng sau đó được mở rộng lên 390, với nhiều phòng 2-3 giường dù trước đó chỉ đủ chỗ cho một giường.

Các hành được đóng kín, đầy những giường bệnh, bình oxy và máy theo dõi sức khỏe. Tại khoa điều trị tích cực, những chiếc cáng nằm giữa các giường bệnh. Bệnh viện không còn máy thở, các kỹ sư phải tháo lắp máy gây mê từ phòng mổ để giúp các bệnh nhân Covid-19 thở, Ray nói.

Hôm 23/04, Bệnh viện Holy Family chỉ còn oxy trong khoảng 30 phút. Ray mô tả tình trạng vô cùng hỗn loạn khi nhân viên y tế cố gắng cho hai bệnh nhân thở cùng một bình oxy, hay xác định xem ai vẫn còn có thể cứu chữa. Bản thân ông gọi nhiều cuộc điện thoại thúc giục các quan chức.

"Không phải họ không muốn giúp, mà là bản thân họ không biết phải giúp như thế nào. Chưa có kế hoạch nào được vạch ra cho tình huống như vậy. Việc vận chuyển các bình chứa oxy lớn phải vừa nhanh, vừa đòi hỏi phối hợp nhịp nhàng," ông cho biết

Chính quyền các địa phương vẫn còn ít kinh nghiệm trước những cuộc khủng hoảng như hiện nay. Hầu hết các bệnh viện Ấn Độ trực tiếp nhận oxy từ nguồn cung, tuy vậy hồi tháng 03/2020, khi thủ tướng Nerandra Modi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, chính phủ cũng tham gia kiểm định các mặt hàng y tế, bao gồm oxy.

Các bệnh viện hiện phải gửi yêu cầu lên cho chính quyền bang, sau đó chính quyền bang lại hỏi chính quyền trung ương. Quá trình này được một ủy ban do chính phủ bổ nhiệm giám sát.

Năm ngoái, Ray cho biết, bệnh viện của ông đề nghị làm đầy oxy dự trữ một tuần mỗi lần. Hiện nay, ông cho biết bệnh viện "dùng nhiều oxy gấp 10-12 lần", khiến ông phải đề nghị làm đầy oxy dự trữ nhiều hơn một lần mỗi ngày.

Hôm 23/04, thùng chứa oxy được chuyển tới bệnh viện của Ray kịp thời. Thảm kịch đã không xảy ra. Các đợt vận chuyển sau đó đúng giờ hơn, ông cho biết.

Tuy vậy ,việc bệnh viện của ông suýt chút nữa hết oxy cho bệnh nhân nói lên nhiều vấn đề về công tác chuẩn bị đối phó với đại dịch của Ấn Độ, ở thời điểm Covid-19 đã bùng phát hơn một năm.

Giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ đã không sử dụng thời gian hợp lý, đặc biệt là thời điểm số ca nhiễm tại nước này xuống thấp kỷ lục hồi đầu năm nay.

"Đã có những biểu hiện chủ quan, nhiều bài học quan trọng - những gì chúng ta cần làm để tăng cường hệ thống y tế chuẩn bị cho làn sóng thứ hai - có thể rút ra đã bị bỏ qua," Yamini Aiyar, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Delhi nói.

"Có lẽ không ai dự báo được mức độ khủng khiếp của làn sóng lây nhiễm lần này", Aiyar nói. "Nhưng việc chúng ta không có chút chuẩn bị nào đã khiến hệ thống vốn đã suy yếu này sụp đổ".

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

 

Nổi bật