Bên trong chợ đen buôn lậu sừng tê kinh hoàng nhất châu Á: Không cách nào ngưng lại, kể cả khi đại dịch xuất hiện

26/02/2021 11:00:43

Tê giác hiện là loài vật nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp, chỉ còn một số ít sót lại ngoài tự nhiên. Nhưng dẫu vậy, lợi nhuận quá lớn từ sừng tê đã đánh động lòng tham của không ít người.

*Lược dịch từ bài viết của phóng viên Abbianca Makoni trên The Independent

Công tố, cảnh sát, các hãng hàng không quốc tế, thậm chí là giới ngoại giao tại Đông Nam Á hiện vẫn đang rất đau đầu để giải quyết các băng nhóm tội phạm đang chuyển lậu hàng trăm, hàng ngàn tấn sừng tê giác vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc. Nhưng bi kịch thay, sự can thiệp của họ vào thế giới này cũng vô tình làm tăng thêm vấn nạn tham nhũng, quản lý kém và làm suy yếu an ninh tại những cộng đồng bị ảnh hưởng. 

Việc hủy diệt tê giác của các tổ chức ngầm thực sự là rất đen tối, và chính các vấn nạn kể trên đang khiến cơn khủng hoảng ấy thêm trầm trọng. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 oanh tạc cả thế giới, cơn khủng hoảng ấy cũng không dừng lại. 

Bên trong chợ đen buôn lậu sừng tê kinh hoàng nhất châu Á: Không cách nào ngưng lại, kể cả khi đại dịch xuất hiện
Sừng tê giác bị thu giữ tại Malaysia

Không thể dừng lại

Mới đây, trang Independent đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với một cựu sĩ quan ngầm giấu tên tại Thái Lan, nhằm có được cái nhìn thực tế nhất về câu chuyện này.

"Tôi tin rằng tham nhũng vẫn đang xảy ra ngay trong bối cảnh đại dịch, vì rất nhiều người không thể kiếm được tiền như trước tại Thái Lan. Trước kia, họ tới đây để làm công cho các nhà máy hay những thứ tương tự như thế. Nhưng đại dịch xảy ra khiến họ không thể làm được nữa, và dễ sa ngã vào các con đường phạm pháp," - vị sĩ quan này cho biết.

"Tham nhũng sẽ không bao giờ dừng lại."

Bên trong chợ đen buôn lậu sừng tê kinh hoàng nhất châu Á: Không cách nào ngưng lại, kể cả khi đại dịch xuất hiện - 1

Vị cựu sĩ quan cảnh sát trước kia làm đặc vụ ngầm về buôn lậu ma túy cho biết ngay cả trong đại dịch, tội phạm vẫn tìm ra những kẽ hở để tiếp tục hoành hành, kể cả khi lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển được ban bố.

"Nếu so sánh buôn lậu động vật hoang dã với ma túy, cả hai vẫn đang xảy ra. Nếu ma túy vẫn có thể tuồn về từ các quốc gia lân cận tới Thái Lan, có nghĩa động vật hoang dã cũng vậy. Nghĩa là tham nhũng, tôi tin nó vẫn xảy ra trong giai đoạn này."

"Vì sao ư? Vì người ta cần tiền, và họ còn cần nhiều hơn khi mất việc. Buôn động vật hoang dã có tiền, họ sẽ không để điều gì ngăn cản."

Bình luận của ông đến chỉ vài tuần sau khi ZPOT (Tổ chức Động vật Thái Lan) thông báo sẽ tiến hành điều tra nhân viên chăm sóc tại sở thú Songkhla về nhiều trường hợp thú hiếm mất tích.

Vụ việc gây xôn xao kể từ tháng 10/2020, khi Tổng Giám đốc ZPOT - ông Suriya Saengpong bị nhân viên trên bắn chết khi điều tra về vụ mất tích của một con hươu bạch tạng quý hiếm. Theo truyền thông đưa tin, giữa 2 người đã xảy ra tranh cãi, rồi nhân viên sở thú rút súng bóp cò.

Vụ án làm dấy lên nghi ngờ có tiêu cực xảy ra ngay trong sở thú Songkhla, nơi một số lượng lớn các loài vật quý hiếm - bao gồm sừng của một con tê giác trắng - đã biến mất. Những chiếc sừng ấy (thường nặng khoảng 2,5kg) sẽ có giá khoảng trên 60.000 USD tại chợ đen.

Thảm họa của một giống loài

Sừng tê giác vẫn luôn được tin là có thể chữa trị nhiều loại bệnh, từ rối loạn thân nhiệt cho tới bệnh hiểm nghèo hơn là ung thư. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sừng tê được làm từ keratin - loại protein giống như trong tóc và móng tay người vậy. Ngoài ra, khoa học cũng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về lợi ích y học từ sừng tê giác cả, ngoài việc có khả năng hạ sốt với hiệu quả chỉ nang aspirin.

Bên trong chợ đen buôn lậu sừng tê kinh hoàng nhất châu Á: Không cách nào ngưng lại, kể cả khi đại dịch xuất hiện - 2

Dẫu vậy, săn trộm và buôn lậu sừng tê vẫn đang hoành hành, chủ yếu để cung cấp cho các quốc gia tại Đông Á. Hiện tại, chỉ còn 29.000 cá thể tê giác còn sót lại trên thế giới.

Lợi nhuận lớn lại nằm ở góc khuất của luật pháp, buôn lậu động vật hoang dã đã trở thành nghề mang lại ít rủi ro, với Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Các báo cáo cho thấy có ít nhất 5035 thú hiếm được nhập vào đất nước này trong giai đoạn 2016 - 2019. Và con số ấy thực chất còn không phản ánh đúng thực tế.

Sừng tê thường được nhập lậu vào Trung Quốc qua đường hàng không hoặc đường biển. Nhưng để mang được tới Trung Quốc, một con đường cực lớn đã được thiết lập thông qua những quốc gia lân cận: Myanmar, Malaysia, Lào, Ấn Độ, và cả Việt Nam nữa - theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc năm 2018. Đó là chưa tính đến các vùng núi hiểm trở - cũng là con đường buôn lậu khó bị bắt gặp.

Bên trong chợ đen buôn lậu sừng tê kinh hoàng nhất châu Á: Không cách nào ngưng lại, kể cả khi đại dịch xuất hiện - 3

Chính phủ Trung Quốc đã siết chặt khá nhiều quy định trong những năm qua. Tuy nhiên, các thách thức vẫn còn đó. Theo Steven Galster, người sáng lập ra quỹ bảo tồn Freeland tại Bangkok, nơi đang có dự án ngăn chặn hoạt động buôn lậu động vật hoang dã: "Sừng tê còn đắt đỏ hơn vàng và thuốc phiện, lại dễ xử lý, ít rủi ro vì chế tài còn yếu."

"Vậy nên, chúng ta còn một chặng đường dài để giải quyết câu chuyện. Nhưng vẫn có hy vọng, đó là những quan chức liêm chính, sẵn sàng ngăn chặn, tố cáo và bắt giữ những ai tiêu cực, kể cả cấp trên." 

Theo Galster, nhiều người có quyền lực đã thu về hàng trăm nghìn đô thông qua việc tạo bằng chứng giả, nhận hối lộ, bòn rút kho vật chứng, và thực hiện những bản án kỳ lạ.

Các vụ án nổi cộm

Năm 2017, một số vụ án liên quan đến tham nhũng và buôn lậu động vật hoang dã đã xảy ra tại  các sân bay quốc tế của Thái Lan. Cũng trong năm đó, Hải quan Hoàng gia Thái Lan thu giữ được hơn 20 chiếc sừng tê giác do 2 hành khách vận chuyển từ tận Ethiopia.

2 hành khách từ 2 quốc gia khác nhau, đi chung 1 chuyến bay. Cả hai tiếp cận 2 chiếc vali vô thừa nhận có chứa sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp, và ngay lập tức bị cảnh sát cùng quan chức tư pháp áp giải đi kiểm tra.

Bên trong chợ đen buôn lậu sừng tê kinh hoàng nhất châu Á: Không cách nào ngưng lại, kể cả khi đại dịch xuất hiện - 4

Tuy nhiên trong quá trình thẩm vấn, một quan chức cấp cao của Thái Lan lại khẳng định những chiếc vali ấy chứa rượu và không cần phải điều tra. Thậm chí, người này còn tìm cách hối lộ quan chức hải quan. Nhưng rốt cục, nỗ lực của người này không thành. 21 chiếc sừng tê giác châu Phi - loài vật hiện đang cực kỳ nguy cấp - đã được tìm thấy bên trong.

Hệ quả, 2 hành khách trên cùng vị quan chức đã bị bắt. Tất cả chịu mức án 4 năm tù vì tội buôn lậu và trốn thuế. Tuy nhiên, không mức án nào được đưa ra cho hành vi hối lộ hay tham nhũng cả.

Trong 3 thập kỷ qua, có ít nhất 18 trường hợp buôn lậu sừng tê và ngà voi bị bắt giữ tại Triều Tiên. Tuy nhiên, các tổ chức bảo tồn cảnh báo rằng có rất nhiều sự vụ khác vẫn đang xảy ra mà không bị bắt gặp. 

Theo tổ chức Freeland, một trong những lý do khiến việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu động vật hoang dã trở nên khó khăn là vì nhiều hoạt động vi phạm được thực hiện qua Internet hoặc điện thoại. Trong khi đó, chỉ một phần nhỏ quan chức hành pháp có đủ kỹ năng và công cụ để lần vết. Những người có đủ khả năng đó thì lại thiếu kỹ năng điều tra. 

Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật