Vừa qua, Belarus đã chào hàng Việt Nam và một số nước Đông Nam Á gói nâng cấp xe thiết giáp BTR-50 với vũ khí cực mạnh.
BTR-50 là loại xe bánh xích, không giống các loại xe BTR khác thường là bánh lốp. Vũ khí chính của BTR-50 gồm các súng máy 7,62mm hay súng máy phòng không 14,5mm, trọng lượng 14,5 tấn và có thể mang theo 22 binh lính bao gồm cả kíp lái.
Dù đã lạc hậu nhưng BTR-50 vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, một số nước nằm ở Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia dùng số lượng khá lớn BTR-50. Vì thế không lạ khi Belarus đem gói nâng cấp BTR-50PKM tới Đông Nam Á.
Xe BTR-50 được nâng cấp với bánh xích. |
Các chuyên gia cho hay, gói nâng cấp của Công ty chuyên nâng cấp và sửa chữa tăng thiết giáp Minoto khá phù hợp với điều kiện của các nước Đông Nam Á và tăng đáng kể thời gian sử dụng của những chiếc BTR-50 lỗi thời nhưng vẫn đảm bảo phù hợp cho chiến tranh hiện đại.
Gói nâng cấp này tập trung với sự thay đổi đối với các bộ phận chính như động cơ (dùng UTD-20 300 mã lực), hộp số, tay lái điều khiển, hệ thống phanh nhưng vẫn đảm bảo trọng lượng cũng như hình dáng của xe không thay đổi quá nhiều.
Ngoài xe bọc thép BTR-50, trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội tăng – thiết giáp còn nhận được các xe bọc thép chở quân bánh lốp BTR-152. Xe bọc thép chở quân bánh lốp BTR-152 được thiết kế cho phép chở 18 lính bộ binh.
Năm 1973, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam xe bọc thép chở quân bánh lốp BTR-60PB. Hiện nay, BTR-60PB là một trong những loại xe bọc thép chở quân chủ lực của quân đội Việt Nam. BTR-60PB có khả năng chở 8 lính bộ binh trong xe.
BTR-60PB trang bị tháp pháo lắp súng máy hạng nặng 14,5mm KPVT (dự trữ đạn 500 viên). BTR-60PB có khả năng bơi trên mặt nước với tốc độ 10km/h. Binh chủng Tăng – Thiết giáp Việt Nam còn có trong trang bị nhiều xe bọc thép trinh sát lội nước BRDM-1.
Sau năm 1975, quân đội Việt Nam đã thu được hàng trăm xe tăng, xe bọc thép chiến lợi phẩm của chính quyền Sài Gòn cũ, trong đó có xe bọc thép M113 (Mỹ sản xuất). Chúng ta đã sử dụng số xe bọc thép này rộng rãi trong chiến dịch biên giới Tây Nam và cho tới tận ngày nay.
Theo Thùy Dung (Đất Việt)