Theo Washington Post, hồi đầu tháng 2/2022, cậu bé Rayan 5 tuổi vô tình bị rơi xuống và mắc kẹt ở độ sâu 30 mét trong chiếc giếng khô ở phía Bắc Ma-rốc. Suốt 4 ngày giải cứu là thời điểm cả đất nước Ma-rốc như nín thở.
Nhưng không chỉ Ma-rốc, cuộc giải cứu chạy đua với tử thần còn thu hút sự chú ý của một số nước láng giềng và các đài truyền hình liên tục ghi hình trực tiếp nỗ lực giải cứu.
Cuộc giải cứu nghẹt thở
Chiều thứ 3, ngày 1/2/2022, cậu bé Rayan 5 tuổi vô tình rơi xuống một chiếc giếng khô gần nhà tại ngôi làng nhỏ Ighrane, phía Bắc Ma-rốc. Ngay từ khi nhận được tin, lực lượng giải cứu đã triển khai tới hiện trường và tính toán phương án.
Những nỗ lực giải cứu gặp rất nhiều khó khăn do độ sâu cũng như bán kính chiếc giếng khô cậu bé bị kẹt lại. Giếng quá hẹp (đường kính 45cm) để có thể cho bất kỳ ai xuống giải cứu.
Với phương án ban đầu, họ định đào rộng giếng ra để kéo cậu bé lên nhưng sau một lúc, họ nhận ra việc này có thể khiến đất đá sụp xuống và gây nguy hiểm cho cậu bé, các phương án khác đã được tính đến.
Phương pháp khả thi được đưa ra thời điểm đó là sử dụng các thiết bị máy móc lớn để đào một hố song song nhằm đưa cậu nhóc ra một cách an toàn nhất có thể. Họ làm việc ngày đêm, chạy đua với thời gian để kịp thời tạo ra một hố đủ lớn và vững chắc bên cạnh, rồi sau đó đào tiếp một đường hầm ngang nối sang giếng.
Công việc càng thêm căng thẳng tới tận những phút cuối cùng, khi đội giải cứu phải đảm bảo rằng đường hầm thông sang không được phép sập. Mọi động tác đều phải được xử lý dứt khoát và tinh tế hết sức có thể.
Video ghi lại vào buổi chiều thứ 6, ngày 4/2 - 3 ngày từ khi cậu bé bị mắc kẹt cho thấy toàn bộ những người tham gia giải cứu ở độ sâu hàng chục mét chỉ sử dụng ánh sáng duy nhất từ đèn pin trên đầu, nghẹt thở từng giây và được cổ vũ không ngừng bởi những tiếng hô từ trên mặt đất.
Trên mặt đất, xung quanh hố đào, nhiều người dân tập trung đông đúc cùng cầu nguyện cho cậu bé. Họ ngủ qua đêm dưới tán cây, hồi hộp trước bất kỳ cập nhật mới nào. Cha mẹ Rayan làm món ăn truyền thống phục vụ đám đông, trong khi nhiều người khác đi phân phát bánh mì. Dường như ý nghĩ duy nhất của họ lúc ấy chỉ là cầu mong cho cậu bé được đưa lên tai qua nạn khỏi.
Suốt chiến dịch giải cứu, lực lượng cứu hộ đã thành công trong việc gửi Rayan oxy và nước uống cũng như camera theo dõi sát sao. Tuy nhiên, sức khỏe của cậu bé đã ở tình trạng rất tồi tệ sau suốt 4 ngày mắc kẹt và cả Ma-rốc "rùng mình" theo từng cử động dù là nhỏ nhất của Rayan. Nhưng ít nhất, họ vẫn còn những tia hy vọng; trước khi gửi được camera xuống, không ai chắc chắn được Rayan còn sống hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với một hãng tin địa phương vào thời điểm cuộc giải cứu đang diễn ra, cha Rayan cho biết: "Mọi người đang cố gắng hết sức để thằng bé còn sống và ôm nó vào vòng tay vào lúc cuối ngày. Nhưng không thể giấu rằng mẹ thằng nhóc và tôi đều chán nản và hết sức lo lắng".
Ông cũng thừa nhận rằng mình đang trong quá trình sửa giếng và Rayan không may lọt vào trong lúc đang chơi. Nhưng ban đầu, ông không nhận ra con đã đi đâu và đã tìm kiếm cậu bé hàng giờ trước khi phát hiện ra nhờ tiếng khóc vọng lại.
Lực lượng cứu hộ từ quân đội Ma-rốc cùng với một nhóm các nhà khảo sát và công nhân, tất cả đều tham gia nỗ lực giải cứu. Các bản tin địa phương nói rằng ngay cả một hiệp hội leo núi và khám phá hang động địa phương cũng ra tay giúp đỡ.
Ngôi làng nhỏ bé tràn ngập các phóng viên với quy mô chưa từng thấy trước đây, nhiều người trong số họ đang phát sóng trực tiếp cảnh máy ủi đào đất dưới ánh đèn pha cho hàng chục nghìn khán giả.
Abdelhadi Tamarani, một thành viên của đội giải cứu, cho biết cả đội đã nỗ lực hết sức và đạt được độ sâu 25 mét vào tối thứ 5, trước khi đào tiếp khoảng 4 mét nữa tới chỗ cậu bé và tiến hành đào ống thông trong 2 ngày cuối cùng - công đoạn nghẹt thở nhất.
"Chúng tôi sẽ làm điều bất khả thi để đưa Rayan bé nhỏ trở về với gia đình bình an vô sự", Tamarani nói vào tối thứ 5.
Năm máy ủi đã cố gắng đào gần hết hố song song độ sâu 30 mét vào giữa trưa thứ 6, nhưng lực lượng cứu hộ sau đó phải đào đường hầm bằng tay dài hơn 5 mét về phía Rayan. Không chỉ nỗi lo sụp lún mà ngay cả mưa cùng đá cứng cũng tạo ra vô số áp lực.
Suốt chiến dịch giải cứu, người dân Ma-rốc đồng lòng cầu nguyện với hashtag #SaveRayan trên mạng xã hội. Suốt những ngày đầu tháng 2, hashtag này đã trở thành xu hướng trên khắp Ma-rốc và nước láng giềng Algeria, và thậm chí ở Pháp, nơi có cộng đồng người Ma-rốc đông đảo.
Phép màu không xảy ra
Cuối cùng, phải tới tối thứ 7, đội cứu hộ mới tiếp cận được Rayan.
Trực thăng và xe cứu hộ đã có sẵn tại hiện trường cho mọi nỗ lực cấp cứu. Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra.
Khoảnh khắc Rayan được đưa ra khỏi hố đã lần nữa tiếp thêm hy vọng cho người dân Ma-rốc khi ở cả quê nhà và khắp nơi trên thế giới, họ đều cầu nguyện cho cậu bình phục và sớm trở về với vòng tay gia đình. Dù vậy, theo Reuters, cậu bé đã qua đời trước khi được kịp giải cứu.
Quốc vương Mohammed gửi lời chia buồn tới cha mẹ cậu bé. Abderrahim Sabihi, một cư dân địa phương theo dõi nỗ lực giải cứu từ một quán cà phê, cho biết: "Tôi rất buồn khi biết Rayan đã qua đời. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới cha mẹ cậu bé".
Đã cùng đồng tâm trong nhiều ngày để cùng hy vọng, người dân Ma-rốc và nhiều người khác ở Tây Bắc châu Phi, đã phải trải qua nỗi đau sâu sắc.
Mehdi Idrissi, 32 tuổi, một bác sĩ ở thành phố Fez, Ma-rốc, đã theo dõi nỗ lực giải cứu từ đầu, cho biết: "Tôi muốn tin rằng điều kỳ diệu vẫn xảy ra. Là một quốc gia, chúng tôi cần một chút hy vọng và mặc dù cái kết thật bi thảm, nhưng nó đã gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau. Cháu có thể an nghỉ trong yên bình".
Tại một số thời điểm trong quá trình hoạt động, hơn 100.000 người đã theo dõi những buổi phát trực tiếp cho thấy rãnh nơi lực lượng cứu hộ, làm việc cả ngày lẫn đêm, đang đào bằng máy ủi và bằng tay.
Thạch Anh (Phụ Nữ Việt Nam)