Dù sống ở vùng không có muỗi, Sofia Zago 4 tuổi vẫn bị sốt rét rồi qua đời.
Theo BBC, trước khi đổ bệnh, Sofia đã trải qua kỳ nghỉ với gia đình ở Bibione gần Venice. Bệnh nhi ban đầu được điều trị tiểu đường nhưng rồi đội ngũ y tế phát hiện bé bị sốt rét thể não, dạng nguy hiểm nhất của sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium Falciparum từ muỗi Anopheles gây ra.
Tử vong vì sốt rét tại một đất nước không có muỗi Anopheles, Sofia nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận. Một số ý kiến cho rằng cô bé lây bệnh từ hai đứa trẻ sốt rét đang điều trị tại Bệnh viện Santa Chiara nhưng quan chức y tế Trentino là ông Paolo Bordon khẳng định Sofia không nằm cùng khoa với hai bệnh nhi này. Hơn nữa, em nhỏ không hề được truyền máu, phương pháp điều trị sốt rét và tiểu đường cũng hoàn toàn khác nhau.
Vài chuyên gia khác nhận định muỗi Anopheles đã tới Italy, nhiều khả năng qua đường máy bay sau tháng 8 nắng nóng.
|
Muỗi Anopheles cái truyền sốt rét cho người. Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY. |
Trên thực tế, không phải mọi loại muỗi đều truyền bệnh. Muỗi Anopheles gây sốt rét thường chỉ xuất hiện ở Trung và Nam Mỹ, châu Phi, châu Á cùng vài nước Đông Âu. Điều đó nghĩa là phần còn lại của châu Âu hiếm khi ghi nhận các ca sốt rét hoặc nếu có thì chủ yếu do bệnh nhân đi du lịch tới các vùng bị ảnh hưởng.
Năm 2014, Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh châu Âu phát hiện hai ca sốt rét tại Pháp và ba ca sốt rét tại Tây Ban Nha. Trong số đó một trường hợp nhận thận từ người hiến tặng bị sốt rét và một em bé chào đời từ người mẹ bị nhiễm sốt rét ở châu Phi. Một bệnh nhân Tây Ban Nha chưa hề đi du lịch nhưng sống gần nơi có người sốt rét. Dù không tìm thấy muỗi, xét nghiệm cho thấy hai người này mắc chung một loại bệnh.
Theo Minh Nguyên (VnExpress.net)