Fatima Qoba: Một hình ảnh biểu tượng nữa cho nạn đói Yemen
12 tuổi nhưng nặng vỏn vẹn 10 kg - bé gái Fatima Qoba được Liên Hợp Quốc và nhiều tờ báo quốc tế đăng ảnh như một biểu tượng đau xót từ các cuộc chiến tranh dai dẳng ở Yemen.
Fatima di tản cùng với 10 anh chị em từ vùng chiến sự ác liệt. Gồng gánh cả gia đình là người bố đã 60 tuổi, không có việc làm ổn định. Họ bôn ba khắp đất nước cùng với 10 triệu người khác đang bị đẩy đến bờ vực chết đói, bởi chiến tranh đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế - theo các báo cáo từ Liên Hợp Quốc.
Với gia đình Fatima, họ phải tá túc dưới một gốc cây. Chị gái của em chia sẻ: "Chúng tôi không đủ tiền để mua thức ăn. Đây là những gì hàng xóm và bà con cho cả nhà. Bố tôi đã hơn 60 tuổi và không có việc làm. Ông ấy ngồi dưới gốc cây đằng kia, đã không dịch chuyển gì cả ngày nay rồi. Nếu chúng tôi ở mãi nơi này đến chết đói, cũng chẳng có một ai quan tâm. Chúng tôi không có tương lai".
Dù vậy, một niềm hi vọng mỏng manh đã đến khi người họ hàng của gia đình đưa Fatima đến phòng khám của nữ bác sĩ Makia Al Aslami, thuộc miền tây bắc Yemen.
Thế nhưng chưa kịp mừng thì gia đình đã đón nhận tin dữ từ bác sĩ: "Tất cả lượng mỡ dự trữ trong cơ thể Fatima đã cạn, chỉ còn da với xương. Bé gái đã đến tình trạng tồi tệ nhất của bệnh suy dinh dưỡng".
Hành trình sắp tới đầy khó khăn nhưng bác sĩ Makia vẫn nỗ lực điều trị trong 1 tháng tới "để tái tạo cơ thể và cả tinh thần cho Fatima". Đối với gia đình Fatima, một tháng tới sẽ là hành trình căng thẳng nhất họ sắp phải trải qua, hơn cả những gì từng trải qua trong suốt cả một đời. Nhưng liệu đây có phải là trường hợp thảm họa nhân đạo cuối cùng của Yemen?
Hiện tại, dù Liên Hợp Quốc và một số nước phương Tây đã đưa ra nỗ lực hòa giải giữa các bên tham chiến, tiến trình hòa giải ở Yemen vẫn diễn ra chậm chạp. Bom đạn vẫn nổ, và dòng người đói ngày một tàn tạ hơn. Thậm chí, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cảnh báo toàn bộ thế hệ trẻ em ở Yemen có thể bị mất vì nạn đói trường kỳ.
Quay trở lại phòng bệnh của nữ bác sĩ với cô bé Fatima. Bà Makia cho biết riêng trong tháng này, phòng khám đã tiếp nhận hơn 40 phụ nữ mang thai trong tình trạng suy dinh dưỡng, nghĩa là sẽ có thêm 40 đứa trẻ không tránh khỏi nạn đói ngay từ khi mới cất tiếng khóc chào đời.
Dấu mốc ngày 17/2
Ngày 17/2/2019 đánh dấu thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen có hiệu lực sau khi các bên tham chiến ký kết ở Thụy Điển vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, một lần nữa, hạn chót này đã bị bỏ lỡ.
Thay vào đó, trong hai ngày 16 và 17/2 tại thành phố Al Hudaydah - tâm chiến - các bên lại ngồi xuống và nhất trí về giai đoạn rút quân lần thứ hai. Trong tuần tới, họ sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận chung.
Cách xa bàn đàm phán 160km, từ phòng khám của mình, bác sĩ Makia nhìn những bệnh nhân bé nhỏ, yếu ớt của mình rồi lặng lẽ: "Đây là một thảm họa đói nghèo đã đến bờ vực... Xã hội và các gia đình Yemen đã kiệt quệ. Đường sống duy nhất chỉ có thể là chấm dứt chiến tranh".
Theo Đ.L (Helino)