Vụ bê bối thuế đang âm ỉ ở Indonesia, đã tiết lộ hơn 20 tỷ USD giao dịch đáng ngờ trong hơn 14 năm, đang phủ bóng đen lên chiến dịch diệt trừ tham nhũng trong chính phủ của Tổng thống Joko Widodo khi sự phẫn nộ của công chúng ngày càng dâng cao.
Một cơ quan giám sát tài chính nhà nước vào đầu tuần này đã xác định các giao dịch đáng ngờ liên quan đến tội hình sự tại Bộ Tài chính từ năm 2009 đến năm 2023 và các trường hợp tương tự đã được phát hiện ở các bộ khác. Tháng trước, Tổng thống Widodo đã cam kết hành động mạnh mẽ hơn sau khi Indonesia tụt hạng về chỉ số tham nhũng.
Trọng tâm đã chuyển sang Bộ trưởng Tài chính tại vị 2 nhiệm kỳ đồng thời là đồng minh đáng tin cậy của Tổng thống Widodo, Sri Mulyani Indrawati, người đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức trên mạng xã hội.
Vụ việc xảy ra vào một thời điểm quan trọng đối với Widodo, người đang cố gắng thu hút các công ty và quỹ nước ngoài đầu tư vào một dự án vốn mới trị giá 34 tỷ đô la. Indonesia đã phải vật lộn với nạn tham nhũng lâu nay khi các quan chức chính phủ thường xuyên đòi hối lộ để đẩy nhanh tiến độ các dự án và phê duyệt giấy phép.
Arya Fernandes, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta, cho biết: “Nếu chính phủ không làm sạch tham nhũng, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài vì họ muốn thấy sự minh bạch. Cần phải cải tiến toàn diện hệ thống để đảm bảo điều này không xảy ra nữa trong tương lai.”
Ngoài ra, một câu hỏi nữa được đặt ra là "tại sao Bộ tài chính Indonesia chưa từng trả lời Cơ quan giám sát tài chính sau khi cơ quan này gửi cho bộ nhiều báo cáo về các giao dịch đáng ngờ từ năm 2009", Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Mohammad Mafud cho biết hôm thứ Tư.
Ông cho biết thêm, các giao dịch này có sự tham gia của 460 người, chủ yếu ở các cơ quan thuế và hải quan, và không bao giờ được theo dõi chặt chẽ.
Quan chức Indonesia bị lộ vì con cái lỡ "khoe của" trên mạng xã hội
Sự phẫn nộ của công chúng đã nổ ra vào tuần trước sau khi các video và hình ảnh về lối sống xa hoa của các quan chức thuế và hải quan lan truyền trên mạng xã hội, đặt ra câu hỏi làm thế nào họ có thể chi trả cho sự xa hoa như vậy với mức lương của một công chức.
Một người đứng đầu văn phòng hải quan khu vực tỉnh Trung Java bị cách chức hôm thứ Tư sau khi người dân Indonesia phát hiện các bài đăng trên mạng xã hội về việc con gái ông diện trên người một bộ trang phục nhãn hiệu Balenciaga, ước tính trị giá khoảng 22 triệu rupiah.
Tuần trước, Rafael Alun Trisambodo, cán bộ Tổng cục Thuế Indonesia, đã bị sa thải sau khi bị kết tội không kê khai tài sản và trốn thuế. Hành động này được đưa ra sau khi những bức ảnh và video về con trai ông khoe chiếc xe Jeep Wrangler Rubicon và mô tô Harley-Davidson xuất hiện trên mạng xã hội.
Trung tâm Báo cáo và Phân tích giao dịch tài chính trực thuộc Chính phủ Indonesia nhanh chóng điều tra vụ việc. Ngày 7/3, trung tâm này công bố phát hiện hơn 500 tỉ rupiah (766 tỉ đồng) trong 40 tài khoản ngân hàng có liên kết với ông Trisambodo và gia đình.
Kênh CNBC Indonesia dẫn thông tin từ trung tâm này cho biết ông Trisambodo che giấu khối tài sản của mình một cách có hệ thống và liên quan đến nhiều bên. Hiện chính phủ còn đang điều tra 69 công chức khác vì bị cáo buộc có tài sản đáng ngờ.
Đối mặt lời kêu gọi từ chức của người dân, bà Indrawati cam kết sẽ điều tra đến cùng các vụ việc trên, đồng thời chia sẻ: "Điều chúng ta phải làm là cố gắng hết sức. Tuy nhiên, đôi khi, kể cả việc làm hết những gì có thể cũng không giúp chúng ta tránh một thảm họa".
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)