Đối với EU, kết quả bầu cử tổng thống Pháp như thế nào cũng sẽ mang lại thách thức mới.
Vào ngày 7.5, người dân Pháp trong vòng bầu cử thứ hai sẽ lựa chọn tổng thống mới giữa ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. ối với đại đa số cử tri, quyết định trao quyền cho ai không dễ dàng gì còn đối với EU thì kết quả thế nào cũng sẽ mang lại thách thức mới dù không hoàn toàn giống nhau.
Nếu bà Le Pen đắc cử thì “cơn ác mộng” đối với EU là sự trỗi dậy và thắng thế của lực lượng cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở Pháp với tác động ảnh hưởng dây chuyền đến những quốc gia khác trên châu lục. Chiến thắng nếu có của thủ lĩnh cực hữu Pháp sẽ như trận địa chấn chính trị - xã hội lớn nhất tại châu Âu từ nhiều thập niên qua và sẽ khiến cục diện khu vực thay đổi sâu sắc. Tiến trình phát triển của EU sẽ bị cản trở chưa từng có. Sau khi Anh quyết định ly khai EU thì việc bà Le Pen trở thành tổng thống Pháp chẳng khác gì “họa vô đơn chí” đối với EU.
Trong khi đó, nếu ông Macron được bầu làm tổng thống thì Pháp và EU không đến nỗi rung chuyển. Tuy nhiên, chính trị gia này hiện còn rất trẻ (40 tuổi), lại không thuộc 2 đảng phái chính trị đã thay nhau cầm quyền ở Pháp kể từ khi nền Đệ ngũ Cộng hòa được khai sinh năm 1958 nên Paris chắc chắn sẽ là thành viên khó tính hơn trước rất nhiều đối với EU. Trong quá trình tranh cử, ông Macron thể hiện chủ định “Pháp hóa EU” nhiều hơn là ngược lại. EU cũng lo ngại ông sẽ vì nhu cầu đối nội mà khiến nội bộ liên minh bất đồng và phân rẽ ở đúng thời kỳ EU đang cần đồng thuận và thống nhất hơn bao giờ hết.
Theo Thảo Nguyên (Thanh Niên Online)