Ngày 14/5, cả cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đều diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả kiểm đếm 99,86% số phiếu vào sáng 15/5 cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận được 49,34% số phiếu, dẫn trước đối thủ Kemal Kilicdaroglu 4,35 điểm phần trăm (44,99% số phiếu).
Khi tất cả số phiếu được kiểm đếm mà không có ứng viên nào quá bán (vượt qua ngưỡng 50% phiếu bầu), cuộc bầu cử sẽ phải tổ chức vòng hai vào ngày 28/5.
Cán cân sức mạnh
Ba chính trị gia đang chạy đua chức tổng thống là nhà lãnh đạo đương nhiệm Erdogan (69 tuổi, đảng AKP), ông Kilicdaroglu (74 tuổi, đảng CHP), và Sinan Ogan (55 tuổi, Liên minh ATA).
Trong khi đó, hai ứng viên có tiềm năng lớn hơn và đang bám đuổi sát sao là ông Erdogan và Kilicdaroglu, đại diện cho nhóm sáu đảng đối lập.
Trong khi cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Erdogan được đánh giá cao hơn, thì cuộc bầu cử quốc hội có vẻ hoàn toàn khác. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Motto and Bulgu Research, 34,2% số người được hỏi ủng hộ đảng của tổng thống, trong khi 33% ủng hộ phe đối lập. Tổng cộng có 32 đảng và năm liên minh được xuất hiện trên các lá phiếu.
Amur Gajiyev, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với RT rằng hiện tại, có ba kịch bản về cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đầu tiên là kết quả tích cực cho ông Erdogan, cả tổng thống và đảng của ông ấy đều giành chiến thắng sau một hoặc hai vòng bầu cử”, chuyên gia này cho biết. Kịch bản thứ hai là ông Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng liên minh của ông bị thất bại trong quốc hội, điều này đồng nghĩa với việc thay đổi thành phần quốc hội theo hướng có lợi cho phe đối lập. Còn kịch bản thứ ba là cả ông Erdogan và liên minh cầm quyền đều sẽ thua.
“Bất chấp hậu quả của trận động đất và đồn đoán về sức khỏe của ông Erdogan, các chuyên gia tin rằng tổng thống đương nhiệm rất có thể sẽ tái đắc cử, nhưng đảng của ông có thể sẽ không còn quyền lực chính trị như trước. Điều này có nghĩa là sự phân bổ lại lực lượng trong quốc hội sẽ không có lợi cho liên minh cầm quyền. Kịch bản này có thể gây ra khủng hoảng”, Gajiyev nhận định.
Vì sao cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ lại quan trọng?
Trong những năm gần đây, sức nặng ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên đáng kể. Không chỉ các nước láng giềng mà ngay cả các cường quốc khác trên thế giới hiện cũng đều chú ý đến quan điểm của Ankara.
Chuyên gia Gajiyev lưu ý Ankara đã trở thành một trung tâm trung chuyển lớn trong khu vực, không chỉ ở lĩnh vực năng lượng mà còn cả thực phẩm, vận tải và chuỗi cung ứng. Vai trò này mang lại cho Ankara những đặc quyền không nhỏ.
Tuy nhiên, một số quốc gia không ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là khi xét đến sự cứng rắn của tổng thống đương nhiệm. Tính cách này của ông Erdogan đã thể hiện rõ ràng qua việc kết nạp các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ankara phản đối Thụy Điển gia nhập khối này và đã cáo buộc Stockholm ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Vì lý do này, các chuyên gia phỏng đoán rằng phương Tây hy vọng vào một chiến thắng của phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Viktor Nadein-Rayevsky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế ở Mátxcơva nhận định: “Kilicdaroglu ủng hộ phương Tây hơn các ứng cử viên khác.”
Chuyên gia Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga - Kirill Semenov đồng ý với quan điểm này. Ông tin rằng nếu Kilicdaroglu thắng cử, “ông ấy sẽ làm việc tích cực hơn với các quốc gia châu Âu, bao gồm cả NATO, và sẽ chia sẻ quan điểm chung của liên minh”.
Cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng đến Nga như thế nào?
Theo ông Gajiyev, vì Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia NATO duy nhất có thể tổ chức đối thoại chính thức với Nga, nên kết quả của cuộc bầu cử cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa khối với Mátxcơva.
Nếu ông Erdogan giành chiến thắng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, bao gồm cả hợp tác năng lượng và quân sự, sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, một chiến thắng của phe đối lập sẽ không có nghĩa là mối quan hệ giữa Ankara và Mátxcơva sẽ suy giảm, vì việc từ bỏ các đặc quyền mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận được từ mối quan hệ với Nga sẽ là “một thiệt thòi lớn với chính sách đối ngoại”, ông Gajiyev nhận định.
Đến thời điểm hiện tại, phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bày tỏ quan điểm mở cửa với Nga. Phát biểu tại một cuộc họp cấp chuyên gia ở Mátxcơva, ông Kilicdaroglu nêu rõ ưu tiên của ông là chấm dứt xung đột Ukraine và tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen nếu giành chiến thắng vào ngày 14/5. Ông cũng lưu ý rằng mối quan hệ lành mạnh với Nga sẽ phục vụ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kilicdaroglu mô tả sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là một phần thiết yếu của sự ổn định khu vực. Ông bày tỏ tin tưởng rằng hai nước sẽ có thể tăng cường và phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố.
Như chuyên gia Kirill Semenov đã lưu ý trong một cuộc trò chuyện với RT, đường hướng ủng hộ phương Tây của ứng cử viên phe đối lập không có nghĩa là các thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết dưới thời ông Erdogan sẽ bị hủy bỏ.
“Sự hợp tác này có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và ở một số khía cạnh, nó chắc chắn sẽ được duy trì. Nhưng các biện pháp chặt chẽ hơn cũng có thể được áp dụng. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Kiev. Nhưng bản thân Ankara không có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, ngay cả khi ông Kilicdaroglu lên nắm quyền”, chuyên gia này nhận định.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)