Theo hãng tin AFP, sự xuất hiện mạnh mẽ của bà Harris không chỉ thu hút chú ý mà còn làm dấy lên câu hỏi liệu lợi thế truyền thống của ông Trump trong việc thu hút đám đông có còn giữ được ưu thế.
Ví dụ, hôm 6/8, khoảng 14.000 cử tri phấn khích đã đến chật kín sân vận động Philadelphia để tham dự một sự kiện vận động tranh cử của bà Harris. Ngày hôm sau, tại Eau Claire (bang Wisconsin), hàng nghìn người đã xếp hàng để tham dự một cuộc mít tinh chính trị của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Những con số ấn tượng này thường thấy trong các sự kiện vận động của ông Trump, nhưng lần này, đám đông khổng lồ lại không dành cho cựu Tổng thống, mà là dành cho Phó Tổng thống Harris, người đã vươn lên vị thế "cầm cờ" của đảng Dân chủ.
Kina Johnson, một cử tri 46 tuổi làm việc tại hãng sản xuất ô tô Stellantis, chia sẻ với AFP rằng bà cảm thấy các cuộc vận động tranh cử của đảng Dân chủ hiện nay không chỉ lớn hơn mà còn tích cực hơn so với trước đây. "Thực ra, đây là điều tốt cho phụ nữ ngay lúc này, điều này đang tạo nên lịch sử", bà Johnson nói. Ông Walz, Thống đốc Minnesota và là bạn đồng hành tranh cử của bà Harris, cũng sửng sốt trước sự ủng hộ mạnh mẽ tại Michigan, một chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử này. Theo đội ngũ vận động của bà Harris, có khoảng 15.000 người tham gia sự kiện ở Michigan, đây là cuộc mít tinh lớn nhất từng diễn ra trong chiến dịch.
Có thể nói, bà Harris đã thu hút một lượng người tham gia ấn tượng tương đương với thời kỳ của Barack Obama, khi một ứng cử viên da màu trẻ tuổi đầy sức lôi cuốn phá vỡ rào cản để trở thành tổng thống. Điều này đã làm cho các cuộc vận động tranh cử của đảng Dân chủ trở nên phổ biến hơn, vốn hiếm khi xảy ra trong hơn một thập kỷ qua kể từ thời kỳ ông Obama và Trump. Gia tăng số lượng người tham gia trong các sự kiện của bà Harris có thể coi là một cú sốc đối với ông Trump, người đã từng khai thác chênh lệch quy mô cuộc vận động tranh cử như một chỉ số quan trọng của tỷ lệ ủng hộ.
Cuối tuần trước, bà Harris cũng đã lấp đầy một khu vực có sức chứa 10.000 người tại Atlanta (bang Georgia). Đây là cuộc mít tinh lớn đầu tiên của bà kể từ khi trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ. Bà đã mời hai ngôi sao nhạc hip-hop để khuấy động đám đông, tạo ra không khí phấn khích và ồn ào không kém gì các sự kiện của ông Trump. Bốn ngày sau, ông Trump tổ chức một sự kiện tại cùng địa điểm với số lượng người tham gia tương tự, nhưng ngay lập tức chỉ trích bà Harris và nói rằng có rất nhiều chỗ trống trong sự kiện của bà.
Những phản ứng của ông Trump cho thấy sự tức giận rõ ràng khi lợi thế truyền thống của ông về việc thu hút đám đông lớn đang bị thách thức. Ông Trump cáo buộc rằng 1.000 người đã bị ngăn cản dự sự kiện của ông, một dấu hiệu cho thấy ông cảm thấy bị đe dọa trước thành công của bà Harris trong việc thu hút người tham gia.
Barry Burden, Giáo sư chính trị tại Đại học Wisconsin-Madison, cho rằng sự xuất hiện mạnh mẽ của bà Harris trước đám đông lớn ngang ngửa hoặc thậm chí vượt trội hơn so với ông Trump đã làm giảm lý do để tin rằng cựu Tổng thống có lợi thế trong cuộc bầu cử. "Những người ủng hộ ông Trump rất tự hào khi các cuộc mít tinh của ông thu hút được đám đông lớn hơn nhiều so với ông Biden năm 2020 hoặc ông Clinton năm 2016. Bây giờ bà Harris đang phát biểu trước đám đông lớn, lý do để tin rằng ông Trump là ứng cử viên có lợi thế sẽ biến mất", Giáo sư Burden nhận định.
Theo Vũ Thanh (Báo Tin Tức)