Vấn đề khủng bố trở thành tâm điểm trong các cuộc vận động khi chỉ còn một ngày nữa nước Anh sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn (phải). |
Phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Slough (cách thủ đô London 34km về phía Tây) vào tối 7/6 theo giờ Anh, Thủ tướng Anh Theresa May đã tập trung vào vấn đề thắt chặt kiểm soát an ninh nhằm giành lợi thế cho đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày mai.
Thủ tướng Theresa May đã cam kết thắt chặt kiểm soát việc di chuyển tự do của những đối tượng có thể gây ra các hành động khủng bố. Bà tuyên bố sẽ tìm kiếm biện pháp có thể trục xuất những đối tượng này, đồng thời tăng cường kiểm soát những kẻ cực đoan có thể trở thành mối đe dọa, song chính quyền lại không có đủ bằng chứng để buộc tội những kẻ này tại tòa án.
“Khi mối đe dọa ngày càng tăng, chúng ta cần phải phản ứng sớm, chúng ta không thể tiếp tục hành động như trước đây mà cần phải làm nhiều hơn nữa để vượt qua và đánh bại hệ tư tưởng xấu xa của chủ nghĩa cực đoan truyền bá hận thù” – bà May nhấn mạnh.
Bà Theresa May tuyên bố sẵn sàng sửa đổi luật nhân quyền để có thể làm được điều này, đồng thời tăng cường các biện pháp điều tra và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Anh cũng cho biết các cơ quan an ninh sẽ kiểm điểm lại vấn đề vì sao họ đã không ngăn chặn được cuộc tấn công khủng bố ở Cầu London tối 3/6 vừa qua.
Thủ tướng Theresa May cũng đã nhấn trọng tâm vào vấn đề Brexit. Mặc dù khoảng cách với Công đảng đang bị thu hẹp, song bà tin tưởng sẽ tạo được khoảng cách chênh lệch lớn nhờ thu hút được các cử tri trước đây ủng hộ đảng Độc lập (UKIP).
Bà Theresa May được cho là người có quan điểm cứng rắn và mạnh mẽ về vấn đề chống khủng bố và an ninh bởi trước đó bà từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Tuy nhiên, cho tới nay, sau khi trở thành Thủ tướng và điều hành đất nước, những vụ khủng bố xảy ra liên tiếp gần đây lại là điểm bất lợi cho bà.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã tận dụng vụ tấn công để chỉ trích chính sách từ thời làm Bộ trưởng Nội vụ của bà Theresa May, trong đó có việc cắt giảm số lượng cảnh sát.
“Không thể bảo vệ công chúng bằng một giá rẻ”, ông nêu rõ. “Cảnh sát và lực lượng an ninh cần phải nhận được nguồn lực mà họ cần, chứ không phải là việc cắt giảm 20.000 nhân viên cảnh sát. Cơ quan cảnh sát liên bang đã cảnh báo bà Theresa May nhưng bà ấy đã phớt lờ lời cảnh báo”.
Ông Jeremy Corbyn còn cáo buộc bà Theresa May chính trị hóa các cuộc tấn công khủng bố khi bà Theresa May hứa sẽ cắt giảm số lượng dân nhập cư, một cách tiếp cận giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri. Các đối thủ đã cho rằng bà Theresa May chỉ hô khẩu hiệu và từ chối tham gia vào các cuộc tranh luận cụ thể về vấn đề này. Họ còn đặt vấn đề xoay quanh việc các cơ quan an ninh thất bại trong việc ngăn chặn các phần tử thánh chiến cực đoan sau 3 vụ tấn công khủng bố trong vòng 3 tháng.
Trước đó, hôm 18/4, Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8/6, với hy vọng đảng Bảo thủ, hiện có 330 ghế trong Quốc hội, sẽ củng cố vị thế vào tạo thuận lợi hơn cho tiến trình đàm phán Brexit.
Nhưng ưu thế lớn của đảng Bảo thủ cầm quyền đang mất dần trước Công đảng đối lập. Theo đó, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri với 2 đảng này chỉ còn cách nhau 3 hoặc 4 điểm so với 20 điểm trong tháng 3. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó không thể bỏ qua vấn đề an ninh.
Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng YouGov công bố ngày hôm qua cho thấy, số ghế đảng Bảo thủ có thể giành được 305 ghế giảm từ mức 330 ghế hồi tháng 4 vừa qua, khi bà Theresa May kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Trong khi đó, Công đảng đối lập có thể sẽ giành được 266 ghế, giảm 2 ghế so với kết quả thăm dò dư luận công bố trước đó một ngày.
Giới phân tích nhận định vụ tấn công khủng bố xảy ra tại London ngày 3/6 vừa qua đang làm gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Theresa May và sẽ có tác động nhất định đến kết quả cuộc bầu cử.
Nếu không giành được đa số quá bán trong Quốc hội, vị thế của Thủ tướng Theresa May sẽ bị suy yếu trong các cuộc đàm phán chính thức về Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), đồng thời đẩy nước Anh vào hỗn loạn chính trị.
Ngoài ra, nữ chính khách này cũng sẽ buộc phải đi tới một thỏa thuận với các đảng khác để tiếp tục lãnh đạo một chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Việc này sẽ gây hậu quả bất ổn đối với nền kinh tế Anh, cũng như các chính sách của chính phủ về mọi vấn đề, từ chi tiêu của chính phủ, thuế công ty tới việc phát hành trái phiếu./.
Theo Vũ Anh Tuấn (Vov.vn)