Năm 2000, Melania Knauss, khi ấy vẫn còn là một người mẫu quốc tịch Slovenia, đang hẹn hò với tỷ phú Donald Trump. Thời điểm đó, Melania chỉ được biết tới với những chương trình biểu diễn thời trang kém danh tiếng ở châu Âu, xuất hiện trên biển quảng cáo tại quảng trường Thời đại hay xuất hiện trên tạp chí Sports Illustrated trong vai trò người mẫu áo tắm.
Vậy nhưng, cô người mẫu Đông Âu quyết định nộp hồ sơ xin cấp quyền cư trú dài hạn tại Mỹ theo chương trình cư trú EB-1 dành cho những người có "năng lực xuất chúng" - hay còn gọi "visa Einstein".
Thẻ xanh hạng VIP cho người mẫu Slovenia
Đệ nhất phu nhân Melania đến Mỹ từ Slovenia năm 1996 bằng visa du lịch, sau đó chuyển sang visa lao động. Trong khoảng thời gian đầu sống và làm việc ở Mỹ, bà Melania được cấp visa dành cho lao động có tay nghề, cụ thể là người mẫu. Đệ nhất phu nhân Mỹ khi đó 5 lần nộp hồ sơ và nhận được visa H1-B - dành cho người nhập cư có trình độ - từ năm 1996 tới năm 2001.
Trước khi quen biết Donald Trump, bà Melania không được biết tới nhiều trong thế giới thời trang, vốn cạnh tranh vô cùng khốc liệt, tại New York.
"Bà ấy chỉ là một người mẫu bình thường như nhiều người mẫu khác ở New York, bà ấy chưa bao giờ là một siêu mẫu", một người quen của bà Melania trong thập kỷ 90 cho biết. Người này yêu cầu giấu tên khi trả lời Washington Post.
Năm 1998, Melania bắt đầu hẹn hò với vị tỷ phú bất động sản sau khi hai người gặp nhau ở một bữa tiệc. Sự kiện này đã nâng bước Melania trên con đường sự nghiệp người mẫu của mình. Người mẫu Slovenia xuất hiện nhiều hơn trên các tạp chí thời trang và những bài viết về giới nổi tiếng, chủ yếu trong vòng tay của ông Trump.
Tháng 3/2001, Melania được cấp thẻ xanh EB-1, vốn chỉ được trao cho các học giả nổi tiếng, các nhà quản lý công ty đa quốc gia hoặc những tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực khác như vận động viên Olympic, diễn viên đoạt giải Oscar, những người mà tài năng được công nhận trên trường quốc tế.
"Chúng tôi gọi đó là visa Einstein", Bruce Morrison, cựu hạ nghị sĩ Dân chủ, cho biết. Ông Morrison cũng là chủ tịch một tiểu ban của hạ viện Mỹ từng chủ trì việc soạn thảo Đạo luật Nhập cư 1990, chương trình mà từ đó cho ra đời thẻ xanh EB-1.
Trong năm mà Melania, người nay là Đệ nhất phu nhân Melania Trump, nhận được quyền cư trú dài hạn tại Mỹ, chỉ có 4 công dân Slovenia khác được cấp thẻ xanh EB-1. Theo thống kê của chính phủ Mỹ, cùng năm 2001, chỉ có 3.376 người nhận được thẻ xanh EB-1 trên tổng số hơn 1 triệu thẻ xanh cấp ra.
Sở hữu thẻ xanh EB-1, cô người mẫu Slovenia bắt đầu chuỗi ngày chuẩn bị để trở thành công dân Mỹ, đồng thời có thể bảo lãnh cho cha mẹ mình, Viktor và Amalija Knauss, nộp đơn xin quyền định cư tại Mỹ. Theo Washington Post, cặp vợ chồng này hiện sắp trở thành công dân Mỹ. Luật sư của bà Melania đã từ chối bình luận trước câu hỏi liệu đệ nhất phu nhân có bảo lãnh cho cha mẹ xin định cư tại Mỹ hay không.
Năm 2006, Melania, khi đó đã là vợ của tỷ phú Donald Trump, chính thức trở thành công dân Mỹ. Tới nay, bà Melania là đệ nhất phu nhân thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ sinh ra tại nước ngoài. Người đầu tiên là Louisa Adams, phu nhân nhà lãnh đạo thứ 6 của nước Mỹ, Tổng thống John Quincy Adams.
Hồ sơ định cư của bà Melania có hợp lệ?
"Nhập cư dây chuyền phải chấm dứt ngay. Một số người tới đây và mang theo cả gia đình, những người rất có thể sẽ là mối đe dọa. Đó là điều không thể chấp nhận được", Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên Twitter tháng 11/2017.
Các chuyên gia về nhập cư tại Mỹ cho biết nỗ lực siết chặt vấn đề nhập cư đã đặt ra câu hỏi xung quanh quá trình đệ nhất phu nhân và gia đình bà giành được quyền định cư tại Mỹ. Câu hỏi lớn nhất là: "Bà Melania có đủ điều kiện nhận thẻ xanh EB-1 hay không?"
Cựu hạ nghị sĩ Morrison nhận định những thành tựu mà bà Melania đạt được vào năm 2000, thời điểm bà nộp hồ sơ xin visa EB-1 lên chính phủ Mỹ, "không thỏa mãn" yêu cầu của chương trình định cư dành cho người có "năng lực xuất chúng".
Để được cấp visa EB-1 theo tiêu chí "năng lực xuất chúng", người nộp hồ sơ phải cung cấp bằng chứng rằng họ thỏa mãn ít nhất 3 trong tổng số 10 tiêu chí. Các tiêu chí tương đồng với năng lực của bà Melania gồm: thành công thương mại trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; có tác phẩm được trưng bày ở triển lãm nghệ thuật; hay có đóng góp quan trọng vào một lĩnh vực.
Sarah Pierce, chuyên gia về nhập cư tại Viện Chính sách Nhập cư tại Washington, cho rằng quá trình quyết định cá nhân nào thỏa mãn tiêu chuẩn "năng lực xuất chúng" là tương đối chủ quan. Tuy nhiên, Pierce tin rằng chỉ khoảng 2% những người xuất sắc nhất trong một lĩnh vực có thể thỏa mãn tiêu chí để được cấp visa EB-1.
"Người ta sẽ muốn ghi rằng họ đoạt giải Nobel khi nộp đơn xin visa loại này", Pierce nói.
Khi được hỏi về quá trình nhập cư vào Mỹ của Melania Trump, phát ngôn viên của đệ nhất phu nhân Mỹ đã từ chối trả lời và yêu cầu phóng viên chuyển câu hỏi tới luật sư của bà Melania.
Michael Wildes, luật sư của bà Melania, khẳng định đệ nhất phu nhân Mỹ thậm chí "thừa tiêu chuẩn" để được cấp visa EB-1. Tuy nhiên, ông Wildes từ chối tiết lộ những tiêu chuẩn mà bà Melania đã trình bày trong hồ sơ xin cấp visa năm 2000.
"Chẳng có lý do gì để đánh giá công khai hồ sơ của bà ấy. Quyền riêng tư của bà ấy cần được tôn trọng", ông Wildes tuyên bố.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)