Một tàu hàng Triều Tiên chở hơn 30.000 súng phóng lựu phản lực đã bị bắt giữ khi di chuyển về hướng Ai Cập.
Thông tin vào thời điểm đó cho biết chiếc tàu này có tên là Jie Shun. Điều đáng nghi ngờ là mặc dù cắm cờ Campuchia nhưng tàu này lại khởi hành từ cảng Nampo của Triều Tiên vào ngày 16-6-2016, đồng thời chở một thủy thủ đoàn Triều Tiên cùng một lượng hàng hóa bí mật được phủ bằng vải bạt chống nước.
Trước thông tin này, hải quan Ai Cập đã đón lõng khi tàu hàng này đi vào vùng biển Ai Cập. Sau khi ập lên tàu thì lực lượng chức năng Ai Cập phát hiện dấu bên dưới các thùng chứa quặng sắt là hơn 30.000 súng phóng lựu phản lực PG-7. Tổng cộng 132 tấn vũ khí đều được sản xuất tại Triều Tiên.
Liên Hiệp Quốc sau đó vào cuộc điều tra. Trong một báo cáo được đưa ra sau đó, Liên Hiệp Quốc mô tả đây là “vụ thu giữ vũ khí lớn nhất trong lịch sử áp đặt các trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên”.
Một tàu chở hàng băng qua kênh đào Suez ở khu vực TP cảng Ismailia của Ai Cập. |
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ nhận số vũ khí này? Phải mất vài tháng sau đó bí mật cuối cùng của tàu Jie Shun mới được khám phá và có lẽ cũng là bất ngờ lớn nhất lúc bấy giờ: bên mua số vũ khí chính là những người Ai Cập.
Cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc đã phanh phui một kế hoạch thu xếp phức tạp mà trong đó các doanh nhân Ai Cập đã chi hàng triệu USD để mua vũ khí từ Triều Tiên cho quân đội nước này, đồng thời họ cũng phải ra sức giấu giếm thương vụ.
Theo các quan chức Mỹ và một số nhà ngoại giao phương Tây thông thạo vấn đề, nhiều tình tiết liên quan vụ việc vẫn chưa được tiết lộ cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây là một phần nguyên nhân lý giải tại sao Mỹ liên tục chỉ trích Ai Cập trong việc nỗ lực mua thiết bị quân sự bị cấm từ Triều Tiên.
Đại sứ quán Ai Cập tại Washington thì khẳng định Cairo luôn minh bạch và hợp tác trong việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không mua bán vũ khí với Triều Tiên.
Một trong các súng phóng lựu (trên cùng) bị thu giữ, hải trình (trái dưới) và thông tin của tàu Jie Shun. Ảnh: C4ADS |
Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định vụ vận chuyển vũ khí trên tàu Triều Tiên chỉ bị triệt phá khi các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện tàu này và cảnh báo nhà chức trách Ai Cập thông qua các kênh ngoại. Trong vụ việc này, về cơ bản phía Mỹ đã gây sức ép buộc Ai Cập phải hành động.
Chưa rõ phía Triều Tiên đã được thanh toán số tiền khoảng 23 triệu USD cho số vũ khí trên tàu Jie Shun hay chưa.
Theo Washington Post, thông qua việc sử dụng cờ giả và dấu giếm các lô hàng phi pháp bằng các tấm bạt chuyên dùng để che các hàng hóa hợp pháp như đường, Triều Tiên bí mật thực hiện các thương vụ bán vũ khí như vậy.
Một điều đáng chú ý khác là tàu Triều Tiên nhìn vẻ ngoài khá cũ kỹ. “Con tàu Jie Shun nhìn bề ngoài rất kinh khủng. Đây là hải trình một lần và con tàu có thể được đưa về xưởng phế liệu sau đó” – một quan chức ngoại giao phương Tây thông thạo vấn đề cho biết.
Thông tin trên được công bố giữa bối cảnh Liên Hiệp Quốc trừng phạt mạnh mẽ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần sáu của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vụ việc này cho thấy một trong những thách thức chính mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt khi muốn thay đổi cách hành xử của Triều Tiên.
Thậm chí khi Mỹ và các đồng minh Washington siết chặt kiểm soát nguồn tiền chạy về Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn âm thầm tạo các nguồn thu từ việc bán các vũ khí truyền thống và phần cứng quân sự cho nhiều nước, trong đó có Iran, Syria. Eritrea, Myanmar, Cuba và Ai Cập, Washington Post dẫn một một nguồn tạo tin cho biết.
Theo Bảo Anh (Pháp Luật TP HCM)