Bật mí về căn cứ tàu ngầm bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông

20/03/2017 20:50:00

Căn cứ Du Lâm nằm trong vịnh Á Long ở cực Nam đảo Hải Nam được xem là căn cứ quân sự mang tính chiến lược quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

Căn cứ Du Lâm nằm trong vịnh Á Long ở cực Nam đảo Hải Nam được xem là căn cứ quân sự mang tính chiến lược quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.
 
bat mi ve can cu tau ngam bi mat cua trung quoc o bien dong hinh anh 1

Mặc dù đã có từ  năm 1946, nhưng mãi đến năm 2000, căn cứ Du Lâm mới được biết đến rộng rãi hơn nhờ thông tin tình báo và vệ tinh do thám của Mỹ khi Trung Quốc xây dựng thêm những cơ sở dưới mặt đất, sâu vào trong lòng núi, dùng cho các tàu ngầm nguyên tử.

Căn cứ quân sự Du Lâm có diện tích khoảng 25 km2, có các cửa vào cho tàu ngầm với chiều rộng mỗi cửa hơn 23 m. Tại Du Lâm có ít nhất 5 công trình được xây dựng, mỗi công trình cách nhau bởi các bức tường chắn gió, trong đó có 2 công trình có chiều dài 55m, 3 công trình có chiều dài 78m, tất cả đều được lắp đặt tên lửa đối đất phòng không tầm ngắn và tầm dài.

Vòng ngoài của các công trình được bảo vệ bởi tên lửa hành trình chống hạm như C802 và YJ83. Điều này giúp Du Lâm trở thành một căn cứ “bất khả xâm phạm” và trở thành “hậu phương” vững chắc của Trung Quốc trong tham vọng biến Biển Đông thành “sân sau” của nước này.

Điểm khiến căn cứ này trở nên đặc biệt lợi hại là tại đây có các tàu ngầm hạt nhân đồn trú tại vị trí chiến lược đó là gần quần đảo Hoàng Sa đồng thời cách không quá xa quần đảo Trường Sa của Việt Nam và eo Malacca nơi có lưu lượng giao thông qua lại dày bậc nhất thế giới.

Do đó, Du Lâm giúp Trung Quốc có khả năng kiểm soát được eo biển Malacca và Biển Đông, phong tỏa các hoạt động thương mại trên tuyến đường này trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra cũng như hạn chế sự can thiệp quân sự của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan.

Thêm vào đó, căn cứ này có sức chứa 20 tàu ngầm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7.200 km và có thể cải tiến tầm bắn lên đến 12.800 km.

Căn cứ Du Lâm sử dụng công nghệ chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), điều này giúp Trung Quốc có thể ngăn cản được tàu Mỹ tiến lại gần khu vực. Bên cạnh đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn ở Du Lâm có khả năng đánh chặn bất cứ cuộc tấn công vũ khí hạt nhân trên biển vào Trung Quốc.

Hiện nay tên lửa phòng không HQ-9 cũng đang được triển khai ở Du Lâm, và trong tương lai hệ thống S-400 cũng có khả năng được đặt tại căn cứ này.  

Điều này khiến Du Lâm thực sự là mối lo an ninh cho các nước ASEAN cũng như Ấn Độ và trở thành căn cứ quân sự chiến lược đặc biệt quan trọng giúp Bắc Kinh thực hiện học thuyết “Monroe”  – biến Trung Quốc thành một cường quốc biển thực sự.

Theo Dương Hưng (Dân Việt)

Nổi bật