Tình trạng đắt đỏ, đông đúc kèm theo giá cả thuê nhà tăng vọt đang đẩy hàng chục nghìn người dân nghèo khổ ở Hồng Kông càng thêm khốn đốn.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 5/7 dẫn báo cáo xếp hạng mới nhất cho thấy, Hồng Kông là một trong những thành phố khó sống nhất trên thế giới. Trong khi đó, Reykjavik ở Iceland là thành phố dễ sống nhất thế giới.
Hồng Kông đắt đỏ và căng thẳng
Không bất ngờ khi Hồng Kông lọt vào danh sách này. Đất chật, người đông, giá cả đắt đỏ chính là "đặc sản" của thành phố này.
Tình trạng đông đúc, giá cả sinh hoạt đắt đỏ kèm theo giá cả thuê nhà tăng vọt đang đẩy hàng chục nghìn người dân Hồng Kông rơi vào ngõ cụt dù họ chỉ tìm thuê những căn hộ siêu nhỏ, hay còn gọi là "căn hộ quan tài", vốn chỉ vẻn vẹn có vài mét vuông nhưng giá thuê lại cắt cổ. Có những buồng ngủ chỉ khoảng 1,5 m2. Thậm chí, một căn hộ rộng khoảng 37m2 có thể được chia nhỏ để chứa gần 20 chiếc giường 2 tầng.
Những người đánh giá bảng xếp hạng này cho biết, tình trạng bất ổn chính trị hiện nay liên quan đến những động thái liên quan đến luật an ninh quốc gia mà chính phủ Trung Quốc đại lục cho đặc khu này đã đẩy Hồng Kông xuống vị trí thứ 74 (trong số 100 thành phố) vào năm 2021 - thậm chí còn tồi tệ hơn trong những năm tới. Theo các chuyên gia, tình trạng bất ổn chính trị có thể chính là "chất tăng tốc độ lo lắng" cho người dân.
Bảng xếp hạng này đánh giá dựa trên 16 yếu tố - bao gồm việc quản lí, áp lực xã hội và tài chính, ô nhiễm và tác động của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Hồng Kông một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, và giờ bị xếp hạng là thành phố tồi tệ thứ 3 về an sinh xã hội - dựa trên các yếu tố như "tỷ lệ dân số trên tuổi nghỉ hưu và nhận lương hưu" và "bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo, được đo bằng hệ số Gini" - chỉ sau New Delhi và Mumbai.
Tại Hồng Kông hiện nay, SCMP dẫn một cuộc khảo sát khác của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hồng Kông cho biết, các hộ gia đình có thu nhập thấp phải đối mặt với chi phí chuyển nhà cao và giá thuê tăng mạnh dù họ chỉ có thể thuê được những "căn hộ quan tài".
Chi phí chuyển nhà tăng cao, tiền thuê nhà cũng tăng lên nhưng người dân không được hưởng thụ môi trường sống tốt hơn. Thực trạng này khiến một tổ chức phi chính phủ (NGO) đề xuất thiết lập một nền tảng để giúp người thuê nhà hiểu rõ hơn về cơ chế thị trường.
Cuộc khảo sát, được tiến hành từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy, 70% các gia đình thu nhập thấp cùng với con của họ sống dưới mức nghèo khổ và 34% đã phải liên tục chuyển nhà trong 3 năm qua để cố tìm thuê một căn hộ tốt hơn.
Peace Wong Wo-ping, Giám đốc nghiên cứu và vận động chính sách của hội đồng khảo sát này, cho biết, 30% hộ gia đình là gia đình đơn thân và hơn 70% trong số đó sống dưới mức nghèo khổ.
"Ngay cả khi nguồn lực hạn chế, họ vẫn phải chuyển đi liên tục với hy vọng tìm được chỗ ở tốt hơn, nhưng không có nhiều sự lựa chọn trong thành phố đắt đỏ và chật hẹp này", ông Wong nói hôm 4/7. Theo ông, "các hộ gia đình độc thân cũng gặp phải vấn đề tương tự. Đó là một vấn đề đáng lo ngại".
"Căn hộ quan tài" chiếm nửa thu nhập
Theo khảo sát, 1/3 trong số hơn 2.000 số người được hỏi đã chi ít nhất một nửa số tiền lương của họ để thuê "căn hộ quan tài".
Trong đó, đối với các hộ gia đình 1 người, 43% cho biết họ đã chi một nửa thu nhập để thuê một "căn hộ quan tài". Gần 1/3 số này cũng cho biết họ đã cố gắng chuyển đi trong 3 năm qua.
Hơn 50% số hộ gia đình cho biết, việc di chuyển liên tục khiến tiền thuê nhà tăng lên, nhưng giá cao hơn không có nghĩa là môi trường sống tốt hơn. Hơn 1/3 số người được hỏi cho biết sau khi chuyển đi, khu vực sinh sống của họ nhỏ hơn trong khi 23% mô tả môi trường sống còn tồi tệ hơn trước.
Gần 3/4 số người được hỏi cho biết họ đã dùng hết tiền tiết kiệm để tìm một ngôi nhà mới trong khi gần 60% cảm thấy chán nản vì chật vật tìm một nơi ở tốt. Kết quả khảo sát cũng cho thấy giá thuê của gần 16% hộ gia đình cao hơn 20% so với dự kiến của họ.
Hội đồng đề xuất lập nền tảng thông tin về các "căn hộ quan tài" cho thuê để các hộ gia đình có thể khảo sát giá cả. Nền tảng này cũng sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu về người thuê – chủ nhà nhằm phát triển một tỷ lệ tham chiếu có thể cân bằng lợi ích của hai bên.
Các quan chức Hồng Kông lâu nay vẫn luôn xác định tình trạng thiếu nhà ở giá cả phải chăng là một trong những vấn đề nan giải nhất mà thành phố này phải đối mặt, giữa lúc Hồng Kông được xếp hạng là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới trong 11 năm liên tiếp.
Thời gian chờ đợi trung bình đối với nhà ở xã hội ở Hồng Kông cũng đã tăng lên 5,8 năm, lâu nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống trong những "căn hộ quan tài" chật chội, xuống cấp trong khi chờ đợi nhà ở xã hội.
Hiện, hơn 253.000 người ở thành phố này đã nộp đơn thuê nhà ở xã hội và đang trong danh sách chờ đợi, theo Cơ quan Nhà ở Hồng Kông.
Hồi tháng trước, Agnes Wong Tin-yu, Thư ký thường trực về Giao thông và Nhà ở Hồng Kông cho biết, chính quyền đặc khu gần hoàn thiện một dự luật kiểm soát tiền thuê các "căn hộ quan tài" và dự kiến sẽ đệ trình trong phiên họp nghị viện Hồng Kông sắp tới.
Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)