Nhóm chuyên gia độc lập gồm 13 thành viên, trong đó có một cựu thủ tướng, một người từng nhận giải Nobel và các chuyên gia y tế sẽ lên kế hoạch cho cuộc điều tra được hơn 100 nước kêu gọi tại Liên Hợp Quốc hồi đầu năm.
"Chúng tôi sẽ đặt những câu hỏi dựa trên những hiểu biết hiện nay về việc WHO và chính phủ các nước có thể làm gì khác nếu có được những kiến thức chúng ta đang có về dịch bệnh," cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng chủ tịch nhóm điều tra cho biết.
Bà Clark được bổ nhiệm làm chủ tịch Nhóm Điều tra Độc lập về Chuẩn bị và Phản ứng với Đại dịch, cùng với cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf, người từng nhận giải Nobel.
Hai vị chủ tịch đã công bố 11 thành viên khác của nhóm, được lựa chọn từ ứng viên mà các nước đề cử hồi đầu tháng. Nhóm bao gồm chuyên gia y tế Trung Quốc Chung Nam Sơn, cựu Đại sứ Mỹ Mark Dybul và cựu Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Preeti Sudan.
Cựu giám đốc WHO về Nghiên cứu Chính sách và Hợp tác Tikki Pangestu cho rằng "phạm vi và giới hạn" của cuộc điều tra vẫn chưa rõ ràng.
"Tuy vậy điều quan trọng là hy vọng rằng cuộc điều tra sẽ mang tới cái nhìn độc lập, không thiên vị WHO hay các nước thành viên," Pangestu nói.
"Giai đoạn cầu của dịch bệnh, sự xuất hiện và lây lan toàn thế giới" sẽ là một trong những "chủ đề lớn" của cuộc điều tra, theo bà Helen Clark. Bà cũng lưu ý rằng chủ đề kể trên bao gồm việc Covid-19 xuất hiện "khi nào và như thế nào".
Bên cạnh đó, WHO cho biết cũng sẽ cử một đội các chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc để điều tra khoa học về nguồn gốc dịch bệnh.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)