Xu hướng này xuất hiện do nhiều yếu tố: trẻ nhỏ Trung Quốc lớn lên trong môi trường siêu cạnh tranh, số lượng phụ huynh có tiềm lực tài chính ngày càng nhiều khiến các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người hơn.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng hormone tăng trưởng tổng hợp cho trẻ em vào năm 2003, và các nghiên cứu sau đó cho thấy rằng nó sẽ giúp trẻ em cao thêm khoảng 5cm nếu sử dụng trong 5,5 năm.
Yan Yiping, một bé gái 11 tuổi đến từ Jian, ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, tự nhận mình là cô bé mạnh mẽ và khỏe mạnh. Dù có chiều cao thấp hơn mức trung bình, nhưng điều này không gây ra bất kỳ vấn đề gì cho cô bé.
Nhưng bố mẹ Yan không thấy vậy, cho rằng Yan quá thấp nên cần can thiệp y tế để có thể có chiều cao giống như các bạn cùng trang lứa. “Chính bố mẹ cháu nghĩ rằng cháu thấp bé. Cháu không nghĩ vậy. Trong lớp cháu có những bạn còn thấp hơn,” cô bé 11 tuổi nói.
Ám ảnh chiều cao
Yan cao chưa đầy 1m2 khi bắt đầu dùng hormone tăng trưởng. Trong năm tiếp theo, cô bé tiêm thuốc hàng ngày theo yêu cầu của cha mẹ. Giờ đây, chiều cao của bé là 1.31m, mặc dù không thể biết liệu cô bé đạt chiều cao như vậy một cách tự nhiên hay không.
Theo một báo cáo năm 2018 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chiều cao trung bình của các bé gái ở độ tuổi của Yiping là khoảng 1m47. Cô bé Yan không phải là trường hợp hiếm gặp.
“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu của phụ huynh về việc tiêm hormone tăng trưởng cho con họ trong những năm gần đây," Tiến sĩ Wang Xiumin từ Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải cho biết.
“Họ lo lắng hoặc vì bản thân không cao, hoặc họ tin rằng một đứa trẻ thấp bé sẽ khó tìm việc hơn khi lớn lên”, bà Wang nói. Theo ý kiến của bà Wang, hầu hết những trẻ nhỏ mà cô nhìn thấy không thực sự cần tiêm hormone tăng trưởng.
"Đối với những người không cần điều trị y tế, việc bổ sung các hormone tăng trưởng tổng hợp sẽ phá vỡ sự cân bằng của các loại hormone trong cơ thể, kéo giảm lượng hormone khác xuống mức tương đối thấp”. Nhưng nhiều gia đình tin rằng nhằm tránh những khó khăn trong tương lai do sở hữu ngoại hình thấp lùn, những rủi ro này ở mức chấp nhận được.
Nancy Lin, một bà mẹ sinh sống ở Thượng Hải, hiện đang xem xét điều trị hormone tăng trưởng cho cậu con trai 5 tuổi của mình, lo lắng rằng cậu bé sẽ dễ bị những đứa trẻ khác bắt nạt vì cậu là đứa nhỏ nhất trong lớp.
“Và sau đó khi lớn hơn, con tôi có thể trông không sáng sủa bằng những cháu cao lớn hơn. Điều đó có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của cháu. Chưa kể, cháu có thể không nhận được một số công việc vì các công ty đưa ra yêu cầu về chiều cao”, cô Lin nói.
Chiều cao trung bình của thanh thiếu niên Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 35 năm qua do chất lượng cuộc sống được cải thiện đã cho phép nhiều gia đình tiếp cận với các chất dinh dưỡng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Chiều cao trung bình của nữ giới 19 tuổi đã tăng 5cm từ năm 1985- 2019 - đây là mức tăng đứng thứ 3 thế giới. Đối với nam giới Trung Quốc, con số đó là 7,6cm - mức tăng cao nhất thế giới.
Sản xuất và buôn bán hormone tăng trưởng cũng trở thành một ngành kinh doanh phát đạt tại Trung Quốc. Theo công ty dịch vụ tài chính Southwest Securities, quy mô của ngành này ở quốc gia đông dân nhất thế giới đạt 7,7 tỷ NDT (tương đương 1,19 tỷ USD) vào năm ngoái.
Tổng doanh thu của GeneScience Pharmaceuticals, nhà sản xuất thuốc hàng đầu tại Trung Quốc, đã tăng từ 1,06 tỷ NDT (163 triệu USD) vào năm 2015 lên 5,8 tỷ NDT (893 triệu USD) vào năm 2019.
Theo Song Tao, dược sĩ tại bệnh viện Nhân dân Khánh Dương ở thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, phương pháp điều trị phổ biến nhất là thuốc tiêm hàng ngày dạng lỏng.
Chi phí hàng tháng khoảng từ 3.000 NDT (461 USD) đến 4.000 NDT (615 USD). Ông Song cho biết bệnh viện đón ngày càng nhiều phụ huynh đưa con cái đến khám tăng trưởng sau khi mở cửa vào tháng 4/2019.
Bệnh viện tính đến nay đã thăm khám cho hơn 500 bệnh nhân, và hơn 100 trẻ trong số đó đã được điều trị bằng hormone tăng trưởng. “Thông thường, chúng tôi sẽ kê đơn thuốc nếu cha mẹ yêu cầu trừ khi đứa trẻ chỉ thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi vài cm hoặc mắc một bệnh lý nào đó có thể gây ra biến chứng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường," ông Song cho biết.
Cô bé Yan cho biết cứ sau 3 tháng, cháu lại được đưa đến bệnh viện thăm khám để được kê đơn mới và khám sức khỏe định kỳ. Cha mẹ cô bé phải trả hơn 10.000 NDT (1.500 USD) cho mỗi lần khám. Khi được hỏi liệu chi phí đó có đáng không, cô bé nói: “Cháu thấy rất xót vì nhiều tiền quá. Cháu có thể mua được nhiều thứ khác với số tiền này”.
Theo Thu Ngọc (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)