Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã phải trải qua một làn sóng dịch bệnh lần thứ 2. Nhưng giờ đây lại một lần nữa, đã 2 tuần trôi qua mà chúng ta không có bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Nói cách khác, Việt Nam đã chống lại đợt dịch mới thành công.
Đó là nhận định của ABC News, trang báo tổ hợp truyền thông tại Úc. Họ đưa ra 2 con số để so sánh: Việt Nam có 95 triệu dân, nhưng mới có 1068 ca nhiễm, chỉ gần như ngang với bang Queensland. Số người chết là 35, thấp hơn rất rất nhiều so với New South Wales.
6 tháng không người chết
ABC News nhận định, hồi đợt dịch đầu tiên xuất hiện vào tháng 1/2020, chính phủ Việt Nam đã có những hành động cực kỳ quyết liệt. Mọi chuyến bay từ Vũ Hán (Trung Quốc) - hiện vẫn được xem là nơi khởi phát dịch bệnh - bị hủy bỏ. Đến cuối tháng 3, các chốt chặn biên giới hoàn toàn bị phong tỏa.
Trong nước, chiến dịch lần vết lây nhiễm, xét nghiệm diện rộng được thực hiện cực kỳ quyết liệt. Khẩu trang trở thành vật dụng bắt buộc khi đi ra ngoài, nhưng công chúng cũng rất hạn chế rời khỏi nhà. Hàng trăm ngàn người nghi vấn buộc phải cách ly trong các bệnh viện hoặc khu tập trung do chính phủ tài trợ.
Số ca nhiễm ở thời điểm đó ở mức cực kỳ thấp. Việt Nam trải qua 6 tháng không có bất kỳ ca tử vong nào - điều được xem là thần kỳ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát dữ dội trên thế giới. Đến giữa tháng 4/2020, người dân dần quay trở lại cuộc sống bình thường, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Và rồi ổ dịch bí ẩn xuất hiện, Việt Nam đã làm thế nào?
Ngày 31/7, một nam bệnh nhân 70 tuổi tại Đà Nẵng đã trở thành ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 tại Việt Nam. Và đó là thời điểm 6 ngày sau khi ổ dịch mới xuất hiện tại một bệnh viện ở địa phương.
Số ca nhiễm nhanh chóng tăng lên hơn 550 người. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới WHO ở thời điểm đó, thì 98% các ca nhiễm đều có liên quan đến những bệnh viện lớn ở Đà Nẵng, hoặc từng đến Đà Nẵng du lịch trong vòng 1 tháng.
Lần này Việt Nam đã làm như thế nào? Vẫn lại là những việc "đơn giản" như lúc trước, nhưng với quy mô cục bộ: toàn bộ thành phố lớn thứ 3 Việt Nam bị phong tỏa, chuyện di chuyển đi lại là cực kỳ hạn chế, và tiến hành xét nghiệm diện rộng.
"Nhà chức trách đơn giản lại làm những việc như lần trước, nhưng với quy mô nhỏ hơn và thực hiện nhanh chóng hơn," - theo nhận định của Giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Y học của ĐH Oxford trụ sở TP. HCM.
Giống như cách xét nghiệm diện rộng của Vũ Hán, Việt Nam lần này áp dụng xét nghiệm mẫu tổ hợp, với 5 - 6 người trong cùng hộ gia đình được xét nghiệm cùng lúc, mẫu lấy từ người có nguy cơ nhiễm cao nhất. Nếu xuất hiện kết quả dương tính, từng cá nhân sẽ được làm xét nghiệm riêng.
"Bằng cách này, họ có thể xét nghiệm cho khoảng 100.000 người chỉ bằng 20.000 bộ xét nghiệm, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc."
Theo số liệu của WHO, 1/3 các hộ gia đình tại Đà Nẵng đã được xét nghiệm chỉ trong vòng 7 ngày, từ 3/9 đến 10/9.
Jos Aguiar, một người Úc làm việc tại Việt Nam chia sẻ: "Lần cách ly xã hội này nghiêm ngặt hơn trước rất nhiều, và phản ứng là thực sự quyết liệt. Họ tìm ra ca nhiễm, và nhanh chóng phong tỏa nó."
"Họ đặt rào chắn ở 2 đầu con phố gần nhà tôi. Nó khá là bất tiện, nhưng tôi vui vì sự phản ứng này."
2 nhà nghiên cứu Ba-Linh Tran từ ĐH Bath và Robyn Klingler-Vidra từ ĐH King's College London (Anh) đã tiến hành tìm hiểu xem phản ứng của cộng đồng trước khả năng ứng phó với dịch bệnh lần này. Trả lời tờ ABC, báo cáo cho thấy người dân Đà Nẵng thậm chí sẵn sàng quyên góp tiền, đồ ăn và nhu yếu phẩm để cung cấp cho bệnh viện lớn nhất thành phố - cũng là tâm dịch của làn sóng mới này.
Và giờ, Việt Nam đã thành công. Đầu tháng 9, các chuyến bay đến và đi tại Đà Nẵng đã được tái hoạt động. Vài ngày sau, người dân được phép xuống tắm biển, sau khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ.
Dập dịch hiệu quả, ít tổn thương
"Họ quay trở lại cuộc sống bình thường một cách khá nhanh chóng," - trích lời Giáo sư Thwaites khi chia sẻ về cuộc sống ở TP. HCM. Có điều du khách quốc tế không còn từ hồi tháng 3 đã để lại nhiều tổn thương cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, những tổn hại kinh tế do Covid-19 gây ra với Việt Nam còn xa mới bằng được các quốc gia lân cận.
"Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là một trong số ít quốc gia có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020, bất chấp cả thế giới tiến vào thời kỳ suy thoái," - theo đánh giá từ công ty kiểm toán PWC.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,8% trong năm nay, biến nơi đây thành nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á không bị suy thoái. Trong khi đó, GDP tại Thái Lan - quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào du lịch được dự đoán sẽ giảm 8%.
Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)