Trang Sina của Trung Quốc vẫn đang theo dõi sát hành trình trở về Việt Nam của chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ ba.
Đây là chiếc Gepard 3.9 đầu tiên thuộc cặp thứ hai được Việt Nam ký hợp đồng thi công đóng mới với Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk vào năm 2012, giá trị ước tính lên tới 175 triệu USD một tàu, chúng sẽ kết hợp với hai chiếc Gepard 3.9 thuộc cặp đầu tiên là 011 - Đinh Tiên Hoàng và 012 - Lý Thái Tổ tạo thành biên đội tác chiến mạnh của Hải quân Việt Nam.
|
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ ba của Hải quân Việt Nam đang được tàu vận tải Rolldock Storm đưa về nước |
Sina thông tin thêm, Gepard 3.9 có lượng giãn nước đầy tải 2.100 tấn, được lắp đặt động cơ diesel do Ukraine sản xuất, cho tốc độ lớn nhất 28 hải lý/h, tầm hoạt động 5.000 hải lý (9.000 km) nếu chạy ở vận tốc tiết kiệm nhiên liệu, thời gian bám biển liên tục 45 ngày.
Vũ khí của Gepard 3.9 gồm 1 pháo hạm AK-176M cỡ 76,2 mm, 2 pháo phòng không siêu tốc AK-630M cỡ 30 mm, 1 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Palma với tên lửa 9M311 Sosna-R dẫn đường laser có tầm bắn 8 km, 8 tên lửa hành trình chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E tầm bắn 130 km, vận tốc Mach 0,8, mang theo đầu đạn trọng lượng 145 kg.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa cặp Gepard 3.9 thứ hai so với cặp đầu tiên là nó được bổ sung thiết bị định vị thủy âm (sonar) cùng với 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm.
|
Cận cảnh tên lửa chống hạm và ống phóng ngư lôi trên tàu Gepard 3.9 số hiệu 486 |
Sina cho rằng với kích thước và dàn vũ khí trang bị như trên, Gepard 3.9 sẽ có sức mạnh tương đương với thế hệ tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Type 056 của họ.
Đặt cạnh Gepard 3.9 thì Type 056 nhỏ hơn một chút, nó có chiều dài 90 m; chiều rộng 11,14 m; mớn nước 4 m; lượng giãn nước đầy tải chỉ 1.500 tấn.
Vũ khí của Type 056 gồm 1 pháo H/PJ-26 cỡ 76,2 mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm YJ-83, 1 tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn TY-90, pháo bắn nhanh H/PJ-17 cỡ 30 mm, 6 ngư lôi Yu-7 cỡ 324 mm; phiên bản chống ngầm Type 056A có thêm sonar kéo thụ động tần số thấp H/SJG-206.
Theo Chí Linh (Đất Việt)