Theo báo Trung Quốc, Việt Nam có thể sử dụng 6 tàu ngầm để tác chiến đặc biệt, răn đe tàu chiến nước khác...
Các báo trong nước vừa dẫn bài viết đăng tải trên trang mạng QQ của Trung Quốc bàn về tàu ngầm Kilo Việt Nam.
Theo bài viết này, cuối tháng 9/2015, nhà máy đóng tàu hải quân Nga ở thành phố Saint Petersburg đã tổ chức buổi lễ hạ thủy cho tàu ngầm thông thường diesel cỡ lớn Type 636-1 thứ sáu chế tạo cho Hải quân Việt Nam, mang tên HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây là chiếc cuối cùng trong lô 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga, được khởi công chế tạo vào ngày 28/5/2014, dự tính năm 2017 sẽ biên chế cho Hải quân Việt Nam.
|
Tàu 184-Hải Phòng và 185-Khánh Hòa là hai tàu ngầm thứ 3 và thứ 4 trong serie 6 tàu ngầm Việt Nam đặt mua của Liên bang Nga,
|
QQ đánh giá, Việt Nam chiếm ưu thế địa lý ở Biển Đông, có nhiều cảng tốt tự nhiên, rất gần quần đảo Trường Sa. Trải qua 70 năm phát triển, hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống phòng thủ biển “hoàn thiện nhất” trong các nước Đông Nam Á.
Hệ thống này gồm nhiều loại vũ khí lục, hải không quân và dưới nước. Những vũ khí này có cả cũ và mới, chủ yếu do Liên Xô cũ và Nga chế tạo. Đặc biệt, vũ khí hải quân có khả năng răn đe nhất của Việt Nam là ở dưới nước. Sức mạnh tấn công dưới nước của Việt Nam được tạo ra từ 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo, đứng đầu các nước Đông Nam Á.
Việt Nam có thể sử dụng 6 tàu ngầm này trong 4 lĩnh vực tác chiến: Trước hết là lĩnh vực tác chiến đặc biệt, Việt Nam có lực lượng đặc nhiệm hải quân tương đối mạnh, có kinh nghiệm phong phú.
Thứ hai, phát hiện những tàu ngầm chạy êm trong đại dương rất khó khăn, các nước khác sẽ không mạo hiểm điều tàu chiến đến vùng biển nhạy cảm, vì vậy có thẻ đạt được một số hiệu quả răn đe.
Thứ ba là tác chiến phục kích, tàu ngầm có thể phục kích ở khu vực bến cảng của địch, là vũ khí lý tưởng trong chiến lược "chống can dự" (chống bành trướng xâm lược) của Việt Nam.
Thứ tư là tác chiến phong tỏa chia cắt. Báo Trung Quốc tưởng tượng rằng, trong tác chiến tưởng định của xung đột trên biển, Việt Nam sẽ dùng tàu ngầm thâm nhập Biển Đông, “đe dọa tuyến đường giao thông trên biển quan trọng của Trung Quốc”, thậm chí “phong tỏa eo biển Malacca”, tạo ưu thế số lượng ở khu vực cục bộ.
Do vài căn cứ của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc ở Trạm Giang và Hải Nam cách việt Nam đều rất gần, đặc biệt là căn cứ tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay ở Tam Á cách tuyến đường bờ biển của Việt Nam chỉ có 280 km, nằm đúng trong phạm vi tấn công của tên lửa hành trình đối đất Club 3M-14 (tầm bắn 300 km) lắp ở tàu ngầm Việt Nam.
Tàu ngầm Việt Nam có thể xuất phát từ căn cứ ở vịnh Cam Ranh, dưới sự hộ tống của lực lượng đường không bờ biển, tiến ra tuần tra ở khu vực lân cận đảo Hải Nam, tăng cường rất lớn độ khó cho săn ngầm biển xa của Trung Quốc.
Sau khi đi vào hoạt động, tàu ngầm lớp Kilo sẽ tăng cường rất lớn hiệu suất tấn công của hệ thống phòng thủ biển Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện về huấn luyện và đồng bộ, dự tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có năng lực tác chiến tàu ngầm hoàn chỉnh.
Rõ ràng truyền thông Trung Quốc rất quan tâm đến tàu ngầm Việt Nam bởi đây không phải là bài viết đầu tiên của báo chí Trung Quốc về đề tài này. Hồi tháng 8 vừa qua, truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt đưa tin về buổi lễ đưa 2 tàu ngầm Kilo 184 và 185 vào biên chế của Hải quân Việt Nam.
Tờ Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho rằng, khi có đủ 6 chiếc tàu ngầm Kilo, hạm đội tàu ngầm của Việt Nam đủ sức đương đầu với 12 chiếc tàu ngầm cùng lớp mà nước này cũng mua từ Nga.
Nhưng báo nước này cho rằng so với lực lượng tàu ngầm hiện biên chế trong hạm đội Nam Hải thì không quá đáng ngại. Chinamil thì nhận định, những chiếc tàu ngầm chạy diesel như Kilo thực sự phù hợp khi hoạt động trên vùng Biển Đông.
Trang quân sự này phân tích, với một vùng biển "đóng" như biển Đông những chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ chạy êm và được trang bị hiện đại sẽ thuận lợi cho những cuộc tập kích chớp nhoáng để gây thiệt hại cho kẻ thù.
Không những vậy, được hiện đại hóa tàu ngầm Kilo thế hệ mới không chỉ tác chiến tốt trên các vùng biển nước nông mà còn thể hiện uy lực cả ở vùng nước sâu.
"Với những chiếc "hố đen đại dương" khả năng tác chiến của Hải quân Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều và điều này sẽ khiến chúng ta phải thay đổi cục diện tác chiến tại khu vực này", tờ Chinamil kết luận.
>> Nga hạ thuỷ tàu ngầm cuối cùng cho Việt Nam
>> Sức mạnh thuyết phục của tàu ngầm Kilo Việt Nam
>> Mạng Ấn Độ: Uy lực tên lửa Klub của tàu ngầm Kilo Việt Nam
>> Báo Mỹ đánh giá cao tên lửa trên tàu ngầm Kilo của Việt Nam
Theo An Nhiên (Đất Việt)