Các nhà phân tích cho rằng, việc gọi ông Tập là nhà lãnh đạo mạnh mẽ là một bước đi nâng tầm Chủ tịch Trung Quốc lên thành "lãnh tụ vĩ đại". Lời kêu gọi này xuất hiện ngay trước cuộc gặp quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đề ra định hướng cho sự thay đổi nhân sự trong bộ máy cầm quyền vào năm sau.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), đây là thông điệp đăng tải trên tờ People Tribune, kênh truyền thông có liên hệ với Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bài viết xuất hiện ngày 18.10 cũng dẫn lời ca ngợi ông Tập từ các nhà phân tích chính trị nổi tiếng, gọi Chủ tịch Trung Quốc là yếu tố "cốt lõi" trong lãnh đạo đảng. Thông điệp này được cho là mang ý nghĩa chính trị sâu rộng.
Trung Quốc cần một chính trị gia mạnh mẽ để lãnh đạo đất nước trỗi dậy một lần nữa trước các thách thức chiến lược và rủi ro. Ông Tập, với tư cách là Tổng bí thư vốn được đại đa số các quan chức và người dân coi là nhà lãnh đạo như vậy, báo Trung Quốc viết.
"Kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã không còn nhắc đến từ lãnh đạo", ông Chen Daoyin, nhà khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải nhận định. "Không ai còn dùng từ lãnh đạo với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào".
Báo Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nếu không nhận thức lòng trung thành với "lãnh đạo cốt lõi" thì các chính sách sẽ không bao giờ được tôn trọng bên ngoài Trung Nam Hải, trung tâm quyền lực của đảng và chính quyền trung ương Trung Quốc.
Gần 20 quan chức cấp tỉnh ở Trung Quốc công khai gọi ông tập là "lãnh đạo cốt lõi", ngay trước Đại hội nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào tháng Ba. Nhưng không rõ vì lý do gì mà lời kêu gọi này đã dần đần biến mất trong các cuộc họp sau này.
Nhà bình luận chính trị Zhang Lifan ở Bắc Kinh nhận định, lời kêu gọi ông Tập là "nhà lãnh đạo cốt lõi" tái xuất mang ý nghĩa quan trọng. Một số mục đích chính trị mà ông Tập đề ra hồi mùa hè năm nay đã không thể hoàn thành.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)