Bảo toàn - Bài học lớn của lực lượng phòng không Nam Tư dành cho Việt Nam

01/09/2015 10:02:09

Bằng phương cách nào mà giữa “rừng” vũ khí hiện đại của NATO và Mỹ, lực lượng PK-KQ Nam Tư vẫn tồn tại để đánh trả quyết liệt?

Bằng phương cách nào mà giữa “rừng” vũ khí hiện đại của NATO và Mỹ, lực lượng PK-KQ Nam Tư vẫn tồn tại để đánh trả quyết liệt?
 
"Rừng" vũ khí hiện đại của NATO và Mỹ
 
Đến bây giờ các nhà khoa học quân sự dần dà hiểu được, với phương cách nào mà giữa “rừng” vũ khí, khí tài trinh sát, truyền tin từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật của NATO và Mỹ, mà lực lượng PK-KQ Nam Tư vẫn tồn tại để đánh trả quyết liệt.
 
Điểm một vài khí tài “tai mắt” của phía tấn công: Trên vũ trụ NATO có vệ tinh trinh sát tạo ảnh Keyhole, phân biệt được hai vật thể cách nhau vài inches, phân biệt được nhiệt độ của hai vật thể cách nhau chỉ vài mét.
 
Vệ tinh Mercury, Mentor, Trumpet chuyên thu chặn mọi loại tín hiệu điện, từ, âm thanh trên toàn bộ dải thông tần.
 
Ở tầng bình lưu và thấp hơn có máy bay trinh sát U2, radar xuyên mây JSTARST, máy bay AWACS, máy thu chặn chuyên dụng định vị đài radar RIVET JOINT, máy bay trinh sát không người lái đa năng UAV CL-289...
 
Về vũ khí, trong cuộc chiến 78 ngày chống Nam Tư, 24 chiếc F-117A được triển khai đến châu Âu thực hiện gần 850 phi vụ. Cùng với F-117, ngay đêm đầu tiên, có 4 máy bay F-16AM của Hà Lan đã tham chiến, bắn rơi 1 MiG-29 của Nam Tư.
 
Tên lửa không đối đất AGM-130, AGM-142, dựa trên cấu tạo bom GBU-15 có động lực đẩy, chuyên xuyên phá bê tông dày 2 - 3 m, từng phóng 9 quả, trúng 6 trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất
 
Ngoài ra còn có bom liệng GBU-27 200 và 500 bảng. Một số công nghệ mới nhất về ngòi nổ mà Mỹ áp dụng cho bom, tên lửa chính xác là ngòi nổ lập trình liên quân FMU-152, ngòi nổ DSU-33... nổ nhanh, nổ chậm, xuyên sâu, văng mảnh… cũng được áp dụng ở Nam Tư.
 
Nhưng đòn đầu tiên phải kể đến bom và tên lửa cao tốc AGM-88 HARM chuyên phá trạm phát sóng. Vũ khí này luôn có sẵn trên các loại máy bay từ F-15, F-16 và một vài loại khác.
 
Trong cuộc chiến này, ưu thế gần như tuyệt đối là không quân NATO và Mỹ. Trong thời gian không kích, tại Kosovo họ đã tiêu diệt: gần 60% pháo binh, gần 40% xe tăng Nam Tư. Ở sân bay Slatina tại thủ phủ Pristina của Kosovo chỉ còn 4 MiG-21 của Nam Tư.
 
Tài liệu của Nga trong tạp chí VKO cũng thừa nhận có 13 đài radar của Nam Tư bị loại khỏi vòng chiến. Nhưng điều Mỹ không ngờ là phòng không quân đội Nam Tư đã đánh trả khá mạnh.
 
Trong chiến tranh hiện đại, bịt mắt đối phương tinh vi nhất là bằng hàng loạt thủ đoạn gây nhiễu. Mỹ và NATO đã tổ chức gây nhiễu ngoài đội hình bằng các máy bay EA-6 Prowler cho các tốp F-16 khi tiến công Nam Tư tại Kosovo.
 
Để chuẩn bị cho chiến tranh, tình báo quân sự của NATO ở các nước sát kề đã nghiên cứu khá kỹ lực lượng và bố trí đội hình của Lực lượng phòng không Nam Tư, đưa vào kiểm soát có hệ thống theo thời gian thực.
 
Không những thế 24/24 giờ trong những ngày chuẩn bị chiến tranh và từ phút đầu chiến sự, vệ tinh quân sự của NATO giám sát rất chặt các động thái bố trí lại đội hình và việc chuyển khí tài. Chúng phát hiện từ xa mọi diễn biến của bên chống trả.
 
Nhưng theo một số tài liệu sau này cho thấy, phía Mỹ và NATO “thấy mất hút” một số tiểu đoàn hỏa lực tên lửa, đáng lẽ ra nó đang ở tọa độ X, Y. Nhưng lại xuất hiện các bệ phóng mới tại chỗ này, chỗ kia?
 
Máy bay tấn công F-117 của Mỹ là loại máy bay áp dụng công nghệ “tàng hình” điển hình. Chiến dịch “Bão táp sa mạc” (NATO tấn công Iraq năm 1991) đã giúp công nghệ tàng hình nổi tiếng toàn thế giới.
 
Trong 6 tuần, những chiếc F-117 của Mỹ đã ném bom thủ đô Bagdad của Iraq. Hàng đêm, những chiếc máy bay Mỹ dễ dàng vượt qua mọi tuyến phòng không của Iraq, tiêu diệt các mục tiêu đã định và trở về căn cứ mà không chịu bất kỳ thiệt hại nào.
 
Phó tư lệnh Không quân Mỹ John Welch tự hào nói rằng: “Công nghệ tàng hình đã đưa chúng ta trở lại với nguyên tắc nền tảng của chiến tranh mang tên sự bất ngờ”.
 
Tại Quốc hội Mỹ, trung tướng Charles Horner, tư lệnh không quân liên quân tuyên bố các máy bay tàng hình như F-117A và В-2 sẽ là không thể thay thế trong các cuộc xung đột tương lai như chiến tranh ở vùng Vịnh.
 

Máy bay cường kích tàng hình F-117A được huy động không kích Nam Tư

 
... nhưng không thắng nổi cách đánh thông minh, sáng tạo
 
Theo các tài liệu sau này ghi lại, để bảo toàn khí tài, bệ phóng và đài điều khiển tên lửa, các xe (chủ yếu xuất xứ Liên Xô) được phân tán khắp nơi.
 
Có chỗ giấu mà NATO không ngờ tới là ngay tại gầm các cây cầu đã bị bom đánh phá hủy diệt từ ngày đầu (các mục tiêu ưu tiên không kích), thậm chí tại ngay các dãy phố bị bom san phẳng, các khe trũng, các nhà kho.
 
“Trong 3 tháng Mỹ tiến công, chúng tôi đã thay đổi vị trí 24 lần”, một khẩu đội trưởng của Nam Tư là Dragan Matich nói. Anh này còn bộc bạch “Di chuyển càng nhanh thì cơ hội sống sót của khẩu đội càng cao”.
 
Tài liệu viết về vị tiểu đoàn trưởng Dani Zoltan, năm 1999 là chỉ huy phân đội 3 Lữ đoàn tên lửa số 250, đơn vị đã bắn hạ máy bay tàng hình F-117: Ước tính trong 78 ngày NATO không kích, đơn vị của ông (Dani Zoltan) đã di chuyển khoảng 1.000 km chỉ để né tránh sự đánh phá.
 
Các tiểu đoàn S-125 tiến hành thay đổi trận địa 5 ngày/lần (Theo VKO.Ru). Nhưng có khi di chuyển ngay sau khi có máy bay không người lái trinh sát của NATO bay qua. (Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm này).
 
Các giáo sư Khoa học quân sự Nga đã tổng hợp: Ở Việt Nam, một tháng mỗi tiểu đoàn tên lửa trung bình 4 đến 5 lần di dời đến vị trí mới. Học giả Nga Alexander Malgin còn khái quát “Cơ động như là một cách để tồn tại”, khi nói về lực lượng tên lửa của Việt Nam.
 
Còn ở Nam Tư, mọi hoạt động di chuyển thường được thực hiện ban đêm, không theo đội ngũ chiến thuật hành quân chính quy. Các xe được di chuyển từng chiếc một, im lặng vô tuyến hoàn toàn, đa số các trường hợp được di chuyển lẫn trong đoàn xe dân sự.
 
Để đối phó, Nam Tư sử dụng hệ thống thông tin hữu tuyến (điện thoại dã chiến chạy dây) chôn ngầm, thay vì dùng radio hoặc các xe thông tin tiếp sức P405, thậm chí theo cách cổ điển nhất là dùng các liên lạc viên (chạy chân truyền tin). Tại sao phải như vây?
 
Như đã nói ở trên, vệ tinh Mercury, Mentor, Trumpet của NATO chuyên thu chặn mọi loại tín hiệu điện, từ, âm thanh trên toàn bộ dải thông tần. Những người trong cuộc của Nam Tư đã từng bộc bạch, họ nghiêm ngặt giữ kỷ luật phát sóng.
 
Đài radar sơ cấp (nhìn vòng) P-18 của khí tài S-125, công suất cũng tới 180 kW, làm việc ở băng tần sóng mét và (đài P-15) centimet, deximet cũng vậy, luôn bị NATO theo dõi theo từng phiên mở máy.
 
Đặc biệt đài P (xe anten) của khí tài S-125 có máy phát công suất lớn, vừa sục sạo vừa phát lệnh điều khiển tên lửa ở dải sóng ngắn, rất dễ bị các máy thu trên máy bay do thám và trinh sát nhiễu phát hiện.
 

Radar và xe điều khiển thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-125M1T nâng cấp của Nam Tư

 
Theo tài liệu, Dani Zoltan thường ra lệnh phát sóng khi thật cần thiết và chỉ phát nhiều nhất 20 giây là “ngắt cao thế”.
 
Về điểm này, các trắc thủ đài điều khiển tên lửa ở Việt Nam rất nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt trong chiến dịch chống tiến công đường không 12 ngày đêm tháng 12/1972 trên vùng trời Hà Nội và Hải Phòng, bắc Việt Nam.
 
Họ chỉ phát sóng khi được chỉ thị phương vị và góc tà xác định là có “mục tiêu B-52”. Nhưng có trận họ cũng rất “hào phóng” phát sóng điều khiển đạn, chủ ý lộ cho máy bay Mỹ “biết” là đạn đang được điều khiển.
 
Có điều đó là lệnh phóng “giả”, khiến cho các máy bay hộ tống bâu quanh B-52 nhốn nháo cơ động dãn ra, tạo ra xao động nhiễu, xáo động màn hình. Đây là thời cơ để chỉ huy kíp bắn phân biệt mục tiêu trong nhiễu và mục tiêu chủ yếu cần ngắm bắn.
 
Mỗi lần cơ động phân đội ra khỏi trận địa, họ để lại các mô hình giả radar và các mô hình làm bằng vật liệu sẵn có để nhử máy bay NATO đến đánh phá.
 
Các máy phát của nhiều bộ radar SAM đời cũ, có thể là S-75 (SAM-2) đã được sử dụng như mồi nhử máy bay NATO đến để lãng phí đạn vào các mục tiêu vô giá trị.
 
Công suất bức xạ của bộ tạo giả từ 5 đến 6 kW, chiếu xạ tia hẹp, sử dụng các đèn magnetron tạo sóng siêu cao tần, được dùng trong máy móc điện tử trên khoang của máy bay MiG-21 có tần số công tác giống các thiết bị phát của hệ thống SAM…
 
Nhờ những biện pháp này, đơn vị của Dani Zoltan đã tránh 23 tên lửa cao tốc HARM lao tới phá khí tài, với thiệt hại không đáng kể.
 
Đơn cử trong 30 ngày tác chiến, NATO đã phóng vào 2 bộ tạo giả radar bảo vệ 2 đại đội tên lửa dòng Kvadrat và 1 bộ tạo giả radar bảo vệ 1 tiểu đoàn S-125 .
 
Thế là lần lượt 15 “quả” tên lửa chống radar HARM đã lao tới “con mồi chân gỗ”, các hệ thống khí tài tên lửa cạnh đó vẫn không bị tổn hại. Đây cũng là cách “một mũi tên hai đích”, đích thứ hai quan trọng là phân tán chú ý.
 
Trung tướng Alexander Maslov, Tham mưu trưởng lực lượng phòng không, Tiến sĩ Khoa học Quân sự trong bài viết trên tạp chí VKO tháng 2/2007 của Nga cũng đưa ra những căn nguyên nghi binh đánh lừa máy bay của các phân đội phòng không Nam Tư như nêu trên đây.
 
Có thể nói, “nhờ phô ra cái giả, giấu đi cái thật” khéo léo, giữ nghiêm kỷ luật theo điều lệnh chiến thuật phòng không, lại liên tục di chuyển trận địa… nên các phân đội tên lửa của Nam Tư đã giữ được lực lượng, tổn thất thấp nhất để có vũ khí đánh trả.
 
Lúc này các tên lửa phòng không mọi tầm đón lõng mọi nơi, xuất hiện bất thần, đánh trả quyết liệt, “buộc máy bay NATO phải bay ở độ cao trên 4.500 m”.
 
Theo số liệu của Nam Tư, quân đội Nam Tư đã bắn rơi tổng cộng 128 máy bay, 14 trực thăng, 60 máy bay không người lái, 454 tên lửa hành trình. Còn theo thông tin của NATO, trong số hơn 1.000 máy bay tham chiến, chỉ còn hơn 80%.
 
Trong nhiễu có cường độ cao (dày đặc) lại chế áp toàn bộ dải tần số, làm sao radar của Nam Tư phát hiện được mục tiêu là F-117 tàng hình? Câu hỏi này đã được các tài liệu sau này đưa ra các giả thiết, có vẻ rất hợp logic.
 
Thứ nhất,Nam Tư có loại radar thụ động, chỉ thu không phát sóng, nên bảo toàn trận địa tốt, giữ bí mật vị trí đặt đài. Nó có tên là radar Tamara.
 
Đây là tổ hợp radar thụ động (KRTP-91) do Công ty kỹ thuật ERA - Cộng hòa Czech chế tạo, hoạt động theo nguyên lý thu phân tán từ 3 trạm thu đặt cách xa nhau, sau đó máy tính rất nhạy và rất mạnh sẽ giao hội tín hiệu thu về của 3 trạm để " phân tích" ra tọa độ máy bay của Mỹ.
 
Các nhà khoa học đã lý giải, trong môi trường đồng nhất là không khí, ở các tầm cao, mỗi một sự xáo động của bất cứ vật thể nào, dù rất nhỏ, cũng tạo ra tín hiệu điện từ trường.
 
Radar thụ động Tamara có thể thu tin tình báo trên không có hiệu quả trong bán kính 250 km, nó có khả năng bám, bắt 70 đến 100 mục tiêu trên không, cho dù tín hiệu phản xạ hiệu dụng rất thấp.
 
Phiên bản cơ động trên xe của radar này có tên Vera-E, vùng trinh thám hiệu quả của nó có thể lên tới 450 km, nhờ máy thu có độ nhạy tốt.
 

Tổ hợp radar thụ động Vera-E

 
Theo điều tra của Mỹ, có thể do phi công của chiếc F-117A mở sensor đo cao, sử dụng sóng siêu cao tần để hiệu chỉnh độ cao nên bị radar định vị thụ động Tamara do Cộng hòa Cezch chế tạo phát hiện, bám theo.
 
Trong trinh sát đường không, chỉ cần phát hiện sớm một đến hai “mũi” tọa độ của mục tiêu, sau đó căn cứ vào phân tích đường bay quy luật, có thể phiên ra các “mũi”, dựng lên đường bay tiếp theo. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm của kíp trực quản lý “vùng trời”.
 
Cũng phải nói rõ, radar nhìn vòng P-18, luôn đi cùng với bộ khí tài S-125 sử dụng sóng dài (bước sóng mét), nên khả năng phát hiện máy bay tàng hình trong một điều kiện nhất định cũng góp phần phát hiện sớm F-117 và các máy bay khác.
 
Tại Serbia, mạng lưới đài quan sát được triển khai để theo dõi và thông báo máy bay NATO xâm nhập và đường bay của chúng.
 
Có thể phòng không Nam Tư đã biết khai thác sai lầm chiến thuật của NATO là F-117 xuất kích không có yểm hộ và không thay đổi đường bay.
 
Chiếc F-117 bị bắn rơi đã bay theo cùng một đường bay lần thứ tư liên tục, nhờ vậy các sĩ quan rađar vòng ngoài của phòng không Nam Tư đã có cơ sở để “chắp đường bay” theo “đường bay quy luật”, kịp thông báo trước cho các phân đội hỏa lực đón đánh.
 
Theo mô tả của sĩ quan chỉ huy Dani Zoltan và khẩu đội trưởng Dragan Matich, thuộc phân đội bắn rơi F-117, họ đều thừa nhận, “chúng tôi được thông báo máy bay vào gần trận địa”.
 
Thêm vào đó, trước khi chiến tranh nổ ra, Nam Tư đã tổ chức các đoàn quân sự sang Iraq học hỏi kinh nghiệm đối phó với máy bay Mỹ và liên quân.
 
Tình báo mặt đất của Nam Tư cũng giám sát căn cứ không quân Aviano (Italia), nơi xuất phát của đa số máy bay ném bom NATO, nên họ có thể biết được thời điểm F-117 bắt đầu xuất kích.
 
Đó là chưa nói đến, tình báo tín hiệu của Nam Tư cũng thu chặn và nghe lén được phi công NATO trao đổi với các máy bay AWACS nên biết được đường bay và kế hoạch ném bom của chúng.
 
“Xích ma” các yếu tố trên đây, cho thấy các phân đội hỏa lực của Nam Tư biết trước, không để lọt, không để chậm tốp F-117 bay vào và tổ chức tiêu diệt.
 
Tạp chí VKO của Nga cho rằng, việc thông báo máy bay “vào” được thực hiện từ các nguồn tình báo xa 10 - 15 phút trước khi các đòn không kích bắt đầu. Được thông báo trước, sớm, là chủ động đánh trả hiệu quả.
 
Theo Đại tá Trần Danh Bảng (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật