Hãng Bloomberg đã xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về các mũi tiêm COVID-19 được cung cấp trên khắp thế giới, với hơn 119 triệu liều. Các chuyên gia Mỹ như tiến sỹ Anthony Fauci gợi ý rằng sẽ cần tiêm chủng 70 - 85% dân số để mọi thứ quay trở lại bình thường.
Chương trình theo dõi vắc xin của Bloomberg cho thấy một số quốc gia đang đạt được tiến bộ nhanh hơn nhiều so với những quốc gia khác, lấy tỷ lệ bao phủ 75% với hai liều vắc xin làm mục tiêu.
Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, đang hướng tới tỷ lệ bao phủ 75% chỉ trong hai tháng. Mỹ sẽ đạt mức đó vào năm mới 2022.Với tốc độ tiêm chủng diễn ra nhanh chóng ở các nước phương Tây giàu có hơn so với phần còn lại, thế giới sẽ phải mất 7 năm để hoàn thành mục tiêu với tốc độ hiện tại.
Các thuật toán của Bloomberg cung cấp dữ liệu nhanh, sử dụng mức trung bình luân phiên gần đây nhất của các lần tiêm chủng, có nghĩa là khi số lượt tiêm chủng tăng lên, thời gian cần thiết để đạt đến ngưỡng 75% sẽ giảm xuống.
Các tính toán sẽ không ổn định, đặc biệt là trong những ngày đầu triển khai và các con số có thể bị bóp méo do gián đoạn tạm thời.
Ví dụ: thời gian đạt đến ngày mục tiêu (khi chỉ tiêu 75% hoàn thành) của New York đã được đẩy lên 17 tháng trong tuần này sau khi một trận bão tuyết mùa đông khiến một số người không thể tiêm phòng. Tương tự, tỷ lệ tiêm chủng của Canada đã giảm một nửa trong những tuần gần đây sau các báo cáo về việc các lô hàng vắc-xin về chậm.
Dựa trên tỷ lệ tiêm chủng mới nhất của Canada, sẽ mất hơn 10 năm để đạt được tỷ lệ bao phủ 75%. Điều đó có thể coi là lời cảnh tỉnh đối với các chính trị gia và quan chức y tế. Canada có hợp đồng mua vắc-xin cho từng người dân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và tỷ lệ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng.
Tốc độ có thể sẽ tăng lên nữa khi ngày càng có thêm nhiều loại vắc xin. Một số trung tâm sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới ở Ấn Độ và Mexico chỉ mới bắt đầu triển khai. Hơn 8,5 tỷ liều vắc xin đã được các quốc gia ký hợp đồng thông qua hơn 100 thỏa thuận mà Bloomberg theo dõi.
Vắc-xin chống lại COVID-19 phát huy tác dụng trong vòng vài tuần sau khi tiêm. Nhưng nếu chỉ một vài người trong cộng đồng được tiêm vắc-xin, vi-rút có thể tiếp tục lây lan không được kiểm soát. Khi có nhiều người tiêm vắc-xin hơn, các nhóm người hình thành một tập thể bảo vệ chống lại vi rút để ngăn chúng lây lan thành ổ dịch. Khái niệm này được gọi là miễn dịch cộng đồng, hay miễn dịch bầy đàn.
Trong cộng đồng khoa học, có những định nghĩa mâu thuẫn nhau về thời điểm đạt được miễn dịch bầy đàn. Một số người cho rằng việc đó có thể bắt đầu trước khi 75% số người được tiêm chủng đầy đủ. Những người khác xác định đó là thời điểm mà các đợt bùng phát không thể duy trì được nữa. Ví dụ, ngay cả khi có một số trường hợp mắc bệnh sởi trong một cộng đồng, khả năng miễn dịch theo bầy đàn sẽ ngăn không cho dịch bùng phát trên quy mô toàn quốc.
Theo Anh Minh (Báo Tin Tức)