Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Việt Nam có thể sẽ đặt mua một lô xe bọc thép BMP-3F nhằm tăng cường sức mạnh cho Hải quân đánh bộ.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3F |
Cụ thể, tờ báo này viết: "Lực lượng Hải quân đánh bộ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu xe bọc thép lội nước hiện đại có thể hỗ trợ hỏa lực tin cậy cho hoạt động đổ bộ.
Vào cuối tháng 7, họ đã tiến hành một cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo, trong đó huy động các phương tiện như xe tăng hạng nhẹ PT-76B, xe thiết giáp chở quân bánh lốp BTR-60PB, chúng được chuyên chở bởi 2 tàu đổ bộ tăng Dự án 771 (Tên định danh NATO là lớp Polnochny).
Đây đều là những khí tài đã rất lạc hậu, cho nên trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự, Việt Nam khó lòng giành thắng lợi trước kẻ thù", nguồn tin cho biết.
Xe tăng lội nước PT-76B của Việt Nam tham gia diễn tập đánh chiếm đảo |
Vị chuyên gia bình luận thêm: "Nếu Hà Nội chiến đấu chống lại một quân đội cụ thể, các lực lượng đặc nhiệm hải quân của họ sẽ đối diện trước nguy cơ bị đánh bại cao.
Xe tăng PT-76B không đủ sức mạnh để tiêu diệt xe chiến đấu bộ binh hạng trung, xe tăng chủ lực và các trang bị kỹ thuật khác của đối phương. Tôi cho rằng họ sẽ không có nhiều cơ hội để tái chiếm một hòn đảo trong môi trường tác chiến thực sự".
Tuy nhiên Hà Nội đã xem xét đến khả năng đặt mua một lô xe thiết giáp lội nước hiện đại. Chúng tôi đã đề xuất cho Việt Nam hai lựa chọn là xe chiến đấu bộ binh BMP-3F (phiên bản dành cho hải quân) và pháo chống tăng tự hành 2S25 Sprut-SD. Hải quân đánh bộ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với cả hai loại phương tiện trên.
Pháo chống tăng tự hành (xe tăng hạng nhẹ) 2S25 Sprut-SD |
Theo Military Balance 2016 - tài liệu tham khảo do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cung cấp, lực lượng vũ trang Việt Nam đang vận hành khoảng 300 xe tăng hạng nhẹ PT-76 được sản xuất dưới thời Liên Xô, cùng với 320 chiếc Type 63 (còn gọi là K-63-85 do Trung Quốc chế tạo), và 1.100 xe bọc thép chở quân BTR-40/50/60/152.
PT-76 là chiếc xe tăng lội nước được phát triển từ thập niên 1950, pháo chính D-56T cỡ 76 mm của nó bị đánh giá là không thể gây tổn hại cho các xe tăng hiện đại do cỡ nòng nhỏ và vận tốc thấp, chỉ xuyên được 110 mm giáp đồng nhất từ cự ly 1.000 m khi bắn đạn xuyên UB-354N.
Giáp của PT-76 cũng rất yếu, tương đương với chuẩn STANAG 4569 cấp độ 2, chỉ chịu được đạn xuyên cỡ 7,62 mm bắn từ khoảng cách 30 m. BTR-60PB và BTR-152 cũng có mức độ bảo vệ tương tự trong khi hoàn toàn thiếu vũ khí chống tăng.
Ngược lại, hỏa lực lại là điểm mạnh của BMP-3F và Sprut-SD, chiếc IFV được trang bị pháo 100 mm 2A70 cùng pháo tự động 2A72 cỡ 30 mm gắn song song, đặc biệt hiệu quả để chống lại bộ binh. Khẩu pháo chính 2A75 cỡ 125 mm của Sprut-SD bắn được cả đạn xuyên động năng 3VBM19 lẫn tên lửa chống tăng AT-11, đủ sức phá hủy mọi loại MBT tốt nhất hiện nay.
"Do vậy, việc mua lại các phương tiện nói trên sẽ gia tăng đáng kể năng lực chiến đấu của Hải quân đánh bộ Việt Nam", vị quan chức Nga kết luận.