Việc Pháp tìm được khách hàng mua lại 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral lẽ ra phải giao cho Nga là rất khó, dù có một số nước có thể quan tâm loại tàu này. Trang tin Lenta (Nga) ngày 8.9 phân tích những nước có khả năng nhất để mua tàu Mistral.
|
Tàu đổ bộ chở trực thăng của Pháp khó bán cho các nước, trừ khối Ả Rập như Ai Cập, UAE vì Nga có thể bật đèn xanh cho thương vụ này - Ảnh: Reuters
|
Hải quân Pháp
Pháp là nước đóng tàu Mistral nhưng hải quân nước này hẳn không quan tâm lắm, do đã có 3 chiếc loại này: Mistral, Tonnerre và Dixmude. Kinh tế trì trệ khiến Pháp khó thể mua thêm tàu Mistral, chưa kể trang thiết bị của tàu thiết kế theo chuẩn của Nga, không tương thích chuẩn của Pháp và NATO.
Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ rõ ràng không cần vì hơn 40 năm nay lực lượng này đã có những tàu đổ bộ còn lớn hơn, như tàu đổ bộ lớp Tarawa, Wasp và mới nhất là America. Tuy nhiên cũng có thể Mỹ mua tàu Mistral để giúp đồng minh, dù có thể chẳng sử dụng để làm gì.
NATO mua dùng chung
Có thể NATO mua lại 2 tàu để dùng cho khối liên minh quân sự này, vấn đề là chi phí chia ra thế nào, chưa kể khó có được sự chấp thuận của Nga cho bên sử dụng cuối cùng theo thông lệ mua bán.
|
Tàu đổ bộ lớp America của Mỹ tại cảng Valparaiso (Chile), tháng 8.2014. Hải quân Mỹ không cần đến tàu Mistral vì đã có các tàu lớn hơn nhiều - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc
Theo vài nguồn tin, quân đội Trung Quốc tỏ ra quan tâm tàu Mistral dù đã có chương trình phát triển và đóng các tàu đổ bộ cỡ lớn. Trung Quốc hy vọng tiếp cận công nghệ hiện đại của Pháp và sự giúp đỡ của Nga về trực thăng. Tuy nhiên Mỹ sẽ phản đối việc Pháp giúp sức cho sự hùng mạnh của quân đội Trung Quốc qua thương vụ này.
Ấn Độ
Nhiều người cho rằng hải quân Ấn Độ đang phát triển, có thể cần đến loại tàu này. Tuy nhiên hải quân Ấn Độ lại chưa đủ lực và quân đội nước này nhấn mạnh vào lực lượng tác chiến ở đất liền nhiều hơn.
Việt Nam
Một lựa chọn có thể thích hợp cho nhiều bên về thương vụ mua tàu Mistral, khi tàu có thể giúp Việt Nam tăng khả năng đối phó các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên chi phí mua tàu quá lớn, và hải quân Việt Nam chưa phát triển được nhóm tàu hộ tống cần thiết đi kèm tàu Mistral, và tình hình kinh tế chưa cho phép mua sắm đắt tiền thế này. Cuối cùng chi tiêu cho hải quân Việt Nam về dài hạn sẽ tập trung cho lực lượng tàu ngầm mới mẻ với tàu ngầm lớp Kilo 636 mua từ Nga.
|
Hải quân Việt Nam hiện tại tập trung cho việc xây dựng lực lượng tàu ngầm non trẻ, chưa quan tâm việc mua tàu Mistral. Ảnh: Nhóm thuỷ thủ tàu ngầm Lipetsk (hàng đầu, Nga) chụp ảnh chung với kíp thuỷ thủ tàu ngầm 183 TP.Hồ Chí Minh tại Cam Ranh, năm 2014 - Ảnh: blogomedia.ru |
Malaysia
Malay sia là nước có khả năng mua loại tàu này vì có lãnh thổ trải dài và vùng biển rộng lớn.
Brazil, Argentina
Là hai nước lớn ở Nam Mỹ, cả Brazil và Argentina đều có khả năng mua tàu Mistral. Tuy nhiên Brazil đang đối mặt với khó khăn về kinh tế, và tàu này lại thiếu trang thiết bị cần thiết để hoạt động. Với Argentina đang có tranh chấp lãnh thổ với Anh (quần đảo Falklands/Malvinas), tàu Mistral là hợp lý, có điều ngân sách quốc phòng của Argentina còn ít hơn Brazil nên khó mua nổi.
Khối Ả Rập
Khối này có tiềm năng mua ít nhất là 1 tàu Mistral, và ứng viên có Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út, Ai Cập. Nga cũng có vẻ đồng ý với việc Ai Cập, UAE mua lại 2 tàu này.
|
Trực thăng Ka-52 của Nga, có phiên bản Ka-52K dành cho tàu Mistral - Ảnh: RIA |
Ai Cập có thể mua 1 chiếc với sự hỗ trợ tài chính từ Ả Rập Xê Út (thậm chí từ Nga), và nước này còn quan tâm đến loại trực thăng Ka-52K của Nga vốn được phát triển dành cho tàu Mistral. Khu vực Biển Đỏ đang diễn biến phức tạp, tình hình Libya rối ren và nội chiến ở Syria khiến Ai Cập rất có thể xem xét mua tàu Mistral. Có tàu này cùng đội tàu hộ tống thì Ai Cập thêm khả năng đảm bảo an ninh cho việc lưu thông ở kênh đào Suez.
UAE cũng là ứng viên tiềm năng khi gần đây Defense News ngày 4.9 đưa tin chính quyền nước này khẳng định có nhu cầu mua 1 tàu của Pháp và mua trực thăng của Nga bố trí trên tàu.
Tóm lại ứng viên tiềm năng nhất cho 2 tàu Mistral của Pháp là khối Ả Rập.
>> Quốc gia đầu tiên tuyên bố muốn mua tàu đổ bộ Mistral
>> Báo Nga: Việt Nam, Ấn Độ không bình luận về tin mua tàu Mistral
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)