Việt Nam là nước có năng lực nhất và kiên định nhất ở Đông Nam Á chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, cảng Cam Ranh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cục diện Biển Đông.
Báo Mỹ National Interest đã có nhận định như trên, cho rằng trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông đang leo thang, các nhà làm luật Mỹ cần phải hiểu rõ chính quyền nước Đông Nam Á nào cương quyết, nước nào không cương quyết giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. "Điều này đặc biệt đúng với trường hợp Việt Nam", National Interest kết luận.
Chứng minh cho nhận định Việt Nam có năng lực nhất và cương quyết nhất chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc nuốt trọn gần hết Biển Đông, National Interest dẫn thông tin hải quân Việt Nam từng nhiều lần đụng độ đổ máu với quân Trung Quốc ở Trường Sa. Việt Nam cũng đã phối hợp với hải quân các nước láng giềng để tập trận chung ở Biển Đông.
Ngoài ra, Việt Nam có bề dày lịch sử chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở các vùng lãnh hải tranh chấp. Thêm vào đó, các lãnh đạo Việt Nam cũng kiên định không từ bỏ các nỗ lực đa phương trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, không chịu lùi bước trước yêu cầu giải quyết song phương của Trung Quốc.
Thêm một điều quan trọng mà tờ báo Mỹ nhấn mạnh: Việt Nam sở hữu căn cứ hải quân Cam Ranh, một trong những cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Giá trị chiến lược của vịnh Cam Ranh càng tăng thêm với sự hiện diện của sân bay gần đó có khả năng đón máy bay ném bom và vận tải hạng nặng. Nếu cường quốc hải quân nào nắm quyền được phép hoạt động lâu dài ở căn cứ hải quân Cam Ranh, đó sẽ là trở ngại cực lớn cho bất kỳ nước nào khác muốn độc chiếm Biển Đông, cho dù nước đó có kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp - báo Mỹ kết luận.
National Interest dẫn lại lịch sử lâu dài của Vịnh Cam Ranh từng được quân đội Pháp, Nhật và Mỹ sử dụng trong các giai đoạn chiến tranh trước đây. Đó từng là một trung tâm hậu cần rất quan trọng, một căn cứ chiến lược cho máy bay chiến đấu và một địa điểm chính chữa trị lính Mỹ bị thương.
Cảng Cam Ranh nhìn từ trên cao Bùi Văn Xuân |
Chính vì thế, theo National Interest, không ít các quốc gia muốn được tiếp cận với Vịnh Cam Ranh, trong đó có:
Mỹ - nước đầu tiên
Hơn ai hết, Mỹ là nước đầu tiên muốn được quay lại sử dụng Vịnh Cam Ranh. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995, quan hệ kinh tế và quốc phòng song phương đã tăng trưởng mạnh mẽ. Mỹ cũng đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam và hiện ở Mỹ, việc ủng hộ xóa bỏ hẳn lệnh cấm này đang rất mạnh mẽ.
Việc cho phép Mỹ được tiếp cận lâu dài với vịnh Cam Ranh sẽ là một sự khẳng định mạnh mẽ tượng trưng cho mối quan hệ đồng minh nảy nở giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam, cùng lúc cũng sẽ làm vô hiệu hóa nhiều cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Mặt khác, điều đó - nếu xảy ra- cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc nghiêm trọng của quan hệ Việt - Trung, có thể dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có lẽ chính quyền Việt Nam nhận thấy rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục trong thế giằng co lâu dài, Việt Nam sẽ muốn ở thế được cả Washington và Bắc Kinh cần tới hơn là nghiêng hẳn về phía Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Việt Nam vẫn còn một chút nghi ngờ về mức độ tham gia của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Chính vì vậy, National Interest cho rằng cái giá của việc cho phép Mỹ quay lại Cam Ranh ở mức cao hơn so với các lợi ích hiện tại.
Nga - mong muốn rõ ràng
Theo National Interest, Nga có lẽ là nước thể hiện mong muốn quay trở lại Cam Ranh rõ ràng nhất. Việt Nam đã thuê các chuyên gia Nga trong lần hiện đại hóa cảng Cam Ranh gần đây. Việt Nam cũng cho phép Nga sử dụng sân bay để tiếp nhiên liệu cho máy quân sự của Nga. Sự hiện diện thường trực ở một căn cứ tại Việt Nam cũng sẽ có ý nghĩa tượng trưng to lớn cho Nga, tương xứng với tham vọng lấy lại thế ảnh hưởng sâu rộng trước đây cũng như đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.
Nga từ lâu đã có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, cả trong lĩnh vực quân sự. Quân đội Việt Nam vẫn mua chủ yếu vũ khí từ Nga, trong đó bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá 2,6 tỉ USD gần đây. Việt Nam cũng ủng hộ hoạt động tích cực hơn của Nga ở vịnh Cam Ranh, ngoại trừ việc sở hữu nó hoàn toàn.
Quan ngại lớn nhất của Việt Nam với Nga vào lúc này là việc Nga đang có khuynh hướng hùa theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Kinh tế khó khăn và tình trạng bị phương Tây cô lập sau vụ sát nhập lãnh thổ Crimea khiến Nga đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Kết quả là Nga giờ đây đã tuyên bố chống lại "tình trạng quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông và kêu gọi giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan - điều trùng khớp với quan điểm của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, theo National Interest, sẽ không có chuyện Nga ký được thỏa thuận độc quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh.
Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp ghé thăm Cam Ranh Nguyễn Chung |
Nhật - muốn cũng đành chịu
Người Nhật chẳng xa lạ gì với vịnh Cam Ranh. Trong tháng 4 năm nay, 2 tàu khu trục của Nhật đã đến căn cứ quân sự này trong bối cảnh hải quân Nhật đang muốn tăng cường can thiệp vào Biển Đông. Nhật cần sử dụng vịnh Cam Ranh cho mục đích hậu cần. Tuy nhiên, khả năng Nhật được sử dụng hoàn toàn nơi này là điều hầu như không thể.
Đầu tiên, điều này sẽ dẫn tới một phản ứng dội ngược mạnh mẽ từ các nước xung quanh vì quá khứ chiến tranh của Nhật. (Quân đội Nhật từng sử dụng vịnh Cam Ranh để tấn công Malaysia vào năm 1942). Việt Nam hẳn không muốn điều đó.
Ngoài ra, người dân Nhật - vốn đang lo lắng trước chính sách quốc phòng tích cực hơn trước của Thủ tướng Shinzo Abe - cũng có thể sẽ không thích việc chính phủ đưa quân tới Cam Ranh lâu dài. Nói tóm lại, National Interest cho rằng mong muốn của Nhật với Cam Ranh có thể tóm gọn trong các từ: muốn cũng đành chịu.
Trung Quốc - muốn thêm vây thêm cánh
Mặc dù Trung Quốc từng xâm lược Việt Nam vào năm 1979 và đang đối đầu với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tham vọng sử dụng căn cứ Cam Ranh của Trung Quốc không phải là hoàn toàn không có.
Việt Nam có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, trong khi thương lượng với Nga về việc trả tiền thuê Cam Ranh, các nhà thương lượng Việt Nam đã nói rằng sẽ để cho căn cứ này về tay Mỹ hoặc Trung Quốc nếu Nga không trả tiền thuê. Nhưng dù sao, trong bối cảnh hiện nay, sẽ không có chuyện đó bởi sự hiện diện của Trung Quốc ở Cam Ranh đồng nghĩa với giúp Trung Quốc thêm vây thêm cánh ở Biển Đông.
Đi thuyền trên Vịnh Cam Ranh Mai Thanh Hải |
Vậy ai thắng cuộc?
Không phải là bất kỳ nước nào trong những cái tên đã kể ở trên. Giới chức Việt Nam đã rất nhiều lần khẳng định rằng Việt Nam không muốn ký một thỏa thuận quân sự với bất kỳ nước nào muốn sử dụng vịnh Cam Ranh.
Việc mở cửa căn cứ hải quân này cho tàu bè khắp thế giới cho phép Việt Nam xây dựng những mối quan hệ gần gũi với nhiều nước cùng một lúc, đồng thời tiếp tục để ngỏ sự lựa chọn của mình trong tương lai.
Theo Kiều Oanh (Thanh Niên Online)