Tờ National Interes viết: Siêu vũ khí của Nga “Tulipa” là loại vũ khi duy nhất trên thế giới hiện nay mà không có một phiên bản tương tự như nó.
Chúng có thể thực hiện cuộc tấn công nhanh và mạnh nhằm đáp trả các cuộc tấn công của đối phương một cách hiệu quả.
Súng cối tự hành “Tulipa” của Nga. Ảnh: Inforeactor.ru |
Hiện tại lực lượng vũ trang Mỹ cũng có hai loại súng cối tự hành M1129 cỡ nòng 120 mm đặt trên khung xe Stryker và súng cối tự hành M1064 cỡ nòng 120 mm đặt trên khung gầm xe bánh xích M113.
Quân đội Nga cũng có loại vũ khí pháo tự hành đổ bộ đường không 2S9 “Nona”, trên khung của nó có khả năng lắp đặt pháo nòng ngắn cỡ nòng 120 mm, súng cối cỡ nòng 120 mm và đặc biệt nhất là súng cối tự hành hạng nặng khủng khiếp nhất hiện nay 2S4 “Tulipa” với cỡ nòng 240 mm.
Cho đến nay, “Tulipa” là loại súng cối tư hành lớn nhất được trang bị trong lực lượng vũ trang và thường xuyên được sử dụng trong chiến đấu.
So với các loại pháo tự hành, súng cối tự hành thường có trọng lượng thấp hơn, yêu cầu bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật cũng khiêm tốn hơn và bán kính tiêu diệt mục tiêu nhỏ hơn.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao sử dụng súng cối trong các trận chiến đấu quan trọng mặc dù tầm bắn của nó tương đối ngắn?
Nếu chú ý tới lịch sử thì chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này. Công dụng chính của 2S4 là phá hủy các pháo đài kiên cố và những mục tiêu dã chiến xây dựng kiên cố: các hầm, hào, công sự, lô cốt, các sở chỉ huy, các trận địa pháo, tên lửa, các phương tiện tác chiến mặt đất và các mục tiêu khác của đối phương mà hỏa lực bắn thẳng không thể tiêu diệt.
Ví dụ, các công sự của Israel tại Cao nguyên Golan và kênh đào Suez, cũng như hang động tăng cường Mujahideen ở Afghanistan.
Pháo tự hành “Tulipa” được trang bị súng cối cỡ nòng 240 mm, mỗi viên đạn nặng đến 130kg và có thể được bắn đi xa tối đa 9,6km. Đối với các loại đạn có trợ lực động cơ rocket, tầm bắn sẽ tăng lên đến 19km. Súng cối tự hành 2S4 dài 6,45m, rộng 3,25m, cao 3,2m và nặng 27,5 tấn.
Khẩu đội pháo gồm 9 người trong đó có 4 người điều khiển và 5 pháo thủ. Riêng đối với khẩu đội cối cần 4 người. Tất cả đều được bảo vệ khỏi các loại đạn và mảnh văng bởi lớp áo giáp dày 20 mm.
Sự khác nhau cơ bản giữa súng cối với các loại đạn pháo, mìn rocket đó là quỹ đạo đường đạn. Các loại đạn bắn ra của chúng thường có quỹ đạo gần như thẳng đứng.
Đó là lý do tại sao súng cối có hiệu quả khi tấn công các vị trí kiên cố, các hang động, các sườn đối diện của ngọn núi và tấn công các mục tiêu trong nhà, các công trình được xây dựng kiên cố.
Theo một số nguồn tin, 2S4 “Tulipa” có thể bắn đầu đạn dẫn đường laser, và cả đạn hạt nhân chiến thuật. Chúng có thể bắn loại đạn nổ mảnh 53-Ph-864 tạo thành một đường dài 15 m và sức công phá tương đương với một quả bom nhỏ. Tuy nhiên do đạn to và nặng nên tốc độ bắn chậm chỉ khoảng 1 viên/phút.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện “Tulipa” có thể sử dụng các loại đầu đạn đặc biệt khác nhau để tiêu diệt các loại mục tiêu khác nhau. Ví dụ, 2S4 có thể bắn loại đạn gây cháy “Pollock” được dùng để đốt cháy hiệu quả của các tòa nhà, cũng như các tên lửa hạt nhân 3B11, được phát triển trong thời gian của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Đặc biệt 2S4 còn được trang bị loại đạn 134kg có điều khiển “Daredevil-M”, chúng tiêu diệt mục tiêu nhờ hệ thống tự dẫn đường bằng laser. “Daredevil-M” được dùng để tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng một đến hai lần bắn và đạt hiệu quả rất cao. Theo một số nguồn tin chúng đã từng được sử dụng trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Lý do chính tại sao các nước phương Tây từ bỏ sự phát triển loại súng cối tương tự chính là do công dụng của súng cối tự hành. Nhiệm vụ chính của “Tulipa” là phá hủy các mục tiêu kiên cố, cố định bằng các loại đạn rất mạnh, còn phương Tây cho rằng nhiệm vụ này sẽ được thực hiện bởi Không quân bằng các loại vũ khí chính các rất cao.
Tuy nhiên, “Tulipa” có những lợi thế không nhỏ so với Không quân. Súng cối tự hành có thể tiến hành bắn phá liên tục các vị trí của địch và có khả năng hoạt động trong điều kiện không thể tấn công bằng máy bay ném bom.
Tất cả điều này làm cho 2S4 “Tulipa” trở thành siêu vũ khí của quân đội Nga và nó là duy nhất, không có một phiên bản tượng tự nào trên thế giới.
Theo Nguyễn Giang (Đất Việt)