Hành trình khám phá Hà Nội của ông Lowerson. Video: CNN. |
Trong con mắt của người nước ngoài, Hà Nội dường như là vùng đất của xe máy và phở. Nhưng sau những ấn tượng ban đầu, nơi từng con hẻm nhỏ, thủ đô của Việt Nam ẩn chứa nhiều bất ngờ với một nguồn sống không ngừng lưu chuyển, CNN hôm nay đưa tin.
Với ông Mark Lowerson, đến từ Melbourne, Australia, Hà Nội là tình yêu sét đánh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2002. "Khu Phố Cổ quá cuốn hút, như thuộc về thế giới cổ, quá gây bối rối. Tôi lúc đó đã muốn thử tìm hiểu nơi này", Lowerson nhớ lại.
Không lâu sau chuyến thăm, ông đến định cư ở Hà Nội với công việc là một nhà giáo. Năm 2005, hòa vào bầu không khí viết blog trong xã hội, ông lập trang StickyRice. "Trang blog là một kênh sáng tạo để tôi viết tư liệu và cố hiểu văn hóa ẩm thực phong phú quanh mình", Lowerson nói.
Công việc viết lách mở đường cho Lowerson cùng đối tác là blogger người Việt Van Cong Tu thành lập Hanoi Street Food Tours vào năm 2011 để giúp người nước ngoài khám phá một thủ đô chân thực.
Sau 16 năm sống ở Hà Nội, Lowerson cho biết đôi mắt ông vẫn nhìn ra những điều mới mỗi ngày. "Tôi tìm thấy niềm vui lớn trong những thứ vụn vặt hay những chi tiết nhỏ tràn ngập quanh mình, bất kể nơi đâu tôi đến", ông nói.
Với người đàn ông xem Hà Nội là "một bảo tàng sống" hay "một tác phẩm nghệ thuật đang được biểu diễn", trải nghiệm Hà Nội là phải lạc ở Hà Nội thay vì đi theo những chỉ dẫn về các nhà hàng nổi tiếng.
"Những điểm bán hàng ăn địa phương nơi tôi dẫn tour có các chị bán hàng dễ nổi quạu nhưng thân thiện. Họ lao động vất vả để đổi lấy những phần thưởng bé con và kiên nhẫn để tôi đưa khách nước ngoài đến quán. Điều đó thật sự truyền cảm hứng", Lowerson nói.
Với đồ uống, Lowerson coi Cafe Duy Tri ở Hồ Tây, hoạt động từ những năm 1930 là một biểu tượng của văn hóa cà phê Hà Nội. "Họ thực hiện toàn bộ công chọn hạt cà phê, rang, xay", ông nói.
Lễ hội âm nhạc Monsoon ở Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Ban tổ chức Monsoon.
Theo CNN, Hà Nội, ngoài câu chuyện ăn và uống đã trở thành văn hóa, còn là nơi có một nền nghệ thuật đương đại đang phát triển với những cá nhân thúc đẩy sự đi lên như nhà hoạt động văn hóa Tram Vu.
Năm 2012, Vu cùng những người bạn thành lập Manzi trong một biệt thự Pháp gần Hồ Tây trên con phố gần như không đổi thay trong 5 năm qua. Đây là không gian của nghệ thuật, cà phê và quán bar có sứ mệnh ủng hộ nghệ thuật địa phương thông qua các cuộc triển lãm, nghệ thuật sắp đặt, nhạc sống, trò chuyện và hội thảo.
"Nghệ thuật đương đại rất quan trọng. Nó phản ánh những dòng chảy của xã hội và mang cuộc sống thực vào tác phẩm. Mọi người cần trân trọng nó. Cùng những không gian nghệ thuật khác trong thành phố, chúng tôi nỗ lực để tạo đà phát triển", Vu chia sẻ.
Ông Nguyen Qui Duc. Ảnh: CNN.
Với sức mạnh của mảnh đất hơn nghìn năm văn hiến, Hà Nội trở thành nơi tìm về của những người Việt như nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Nguyen Qui Duc. Ông sinh ra và lớn lên trong những năm chiến tranh, được người thân đưa sang Mỹ học trước khi đến London, Anh để theo đuổi nghiệp báo.
Nhưng con đường ông đi cuối cùng lại dẫn về Hà Nội. "Trong một chuyến công tác ở Việt Nam, tôi phát hiện Hà Nội là một thành phố giàu lịch sử, có kiến trúc đẹp và con người tuyệt vời", ông Duc nhớ lại.
Năm 2006, ông quay lại nơi đây, làm biên tập viên nội dung chương trình phát thanh trước khi mở gallery và bar cạnh Nhà hát Lớn. Trên mảnh đất thủ đô, ông Duc điều hành cả một nhà hàng mì lấy cảm hứng từ mô hình của Nhật Bản kết hợp văn hóa vỉa hè của Việt Nam.
Theo ông Duc, điều thú vị nhất của Hà Nội là nguồn năng lượng của thành phố. "Mọi người luôn làm điều gì đấy. Chắc chắn có nhiều người ngồi uống cà phê, uống bia. Nhưng sẽ luôn có ai đó đang làm việc, dù là một anh thợ mộc hay một người bán trái cây hay hoa... Ở đây con người luôn nỗ lực", ông nói.
"Với tôi, đó là bám chặt vào hy vọng, dù đất nước có đang trải qua chuyện gì, dù rào cản nào đang ngăn trở sự phát triển, con người luôn nỗ lực. Từng viên gạch, từng giấc mơ, họ xây dựng cuộc sống cho mình", ông Duc nói.
Sự chịu thương chịu khó của con người là một trong những lý do khiến ông Duc trở lại Việt Nam, ngoài những phiên chợ rau và hoa quả sớm tinh mơ gần cầu Long Biên của Hà Nội.
"Đôi khi vào lúc 2h hay 3h, tôi rời quán, đến một chợ hoa, gọi một bát phở và ngắm mọi người. Tôi thích ngồi với họ, tạm tránh khỏi hình ảnh của những trung tâm mua sắm lớn, những tòa nhà cao tầng, căn hộ cao cấp và xe to mà Hà Nội giờ đây thi thoảng quảng bá".
Ẩm thực và con người là một nguồn cảm hứng bất tận của Hà Nội. Ảnh: Hanoi Street Food Tours.
Ông Duc cho rằng, sự giao tiếp của người lao động, giữa những người bán hàng rong và nông dân vội vã bên những chuyến xe chở hoa, làm việc trong bùn đất và mưa gió để mang niềm vui đến cho mọi người chính là nguồn năng lượng sống của Hà Nội.
Trên mảnh Thăng Long này, đã có những phụ nữ như cô Donna Bramhall người Anh tìm đến với niềm đam mê vải truyền thống của Việt Nam. Ở đó có những nhạc sĩ như nghệ sĩ Quốc Trung theo đuổi và biến giấc mơ tổ chức lễ hội âm nhạc cho người dân thành hiện thực. Hà Nội bé nhưng chưa bao giờ ngưng là nguồn cảm hứng để những người yêu thủ đô cả trong và ngoài Việt Nam khám phá.
"Hà Nội là một thành phố đầy đổi thay, gần như mỗi ngày. Nếu bạn nhìn đủ kỹ sẽ thấy cái cũ kề bên cái mới và có thời điểm bạn có thể hình dung bản thân như đang ở trong một thời gian khác", ông Duc nói.
Theo Vũ Phong (VnExpress.net)