Vào cuối tháng 8, Facebook đã khóa tài khoản của một loạt lãnh đạo quân đội Myanmar. Bài điều tra của The New York Times vừa tiết lộ chính những lãnh đạo quân sự nước này đã tiến hành một chiến dịch kích động bạo lực, thổi bùng ngọn lửa chống lại người Hồi giáo tại Myanmar.
Quân đội dùng Facebook thay cho súng đạn
Theo những nguồn tin giấu tên của The New York Times, có tới hàng trăm sĩ quan quân đội đã tạo các tài khoản và trang Facebook giả, sau đó dùng chúng để lan truyền các thông tin sai sự thật, câu tương tác.
Những sĩ quan này còn có nhiệm vụ tìm kiếm thông tin từ những tài khoản Facebook nổi tiếng, cũng như phản biện lại các thông tin bất lợi cho quân đội. Đây là một chiến dịch bí mật, và phần lớn những người tham gia đều bị kiểm tra an ninh mỗi khi tới căn cứ được đặt tại thủ đô Naypyidaw.
Facebook đã xác nhận nhiều thông tin do The New York Times đưa ra. Người đứng đầu bộ phận chính sách an ninh mạng của công ty, Nathaniel Gleicher, cho biết họ “đã tìm ra những nỗ lực tuyên truyền mười mươi có liên quan trực tiếp tới quân đội Myanmar”.
Công ty này cũng xác nhận đã xóa một loạt tài khoản, trong đó có nhiều tài khoản Facebook có vẻ ngoài là liên quan đến ngành giải trí, nhưng thực chất là của quân đội. Các tài khoản này có tổng cộng 1,3 triệu người theo dõi.
“Chúng tôi đã phát hiện ra những trang Facebook tưởng như là chỉ mang nội dung làm đẹp hoặc giải trí thực chất có liên quan tới quân đội Myanmar”.
700.000 người trốn khỏi Myanmar, Facebook tự nhận 'quá muộn màng'
Những hoạt động của quân đội Myanmar trên Facebook đã bắt đầu từ vài năm trước, và có thời điểm nhân lực lên tới 700 người. Ban đầu họ tạo những trang Facebook chỉ mang thông tin, hình ảnh của những người nổi tiếng như ca sĩ, người mẫu… Họ thậm chí còn tạo trang cho một quân nhân nổi tiếng hay các trang blog.
Sau khi có được lượng người theo dõi lớn, các trang này bắt đầu đăng tải các nội dung sai sự thật, gây hấn nhắm vào cộng đồng Hồi giáo tại Myanmar. Các tài khoản 'troll" cũng do lực lượng này tạo ra để chia sẻ, giúp những nội dung trên lan tỏa nhanh chóng, đồng thời còn phản biện lại những người lên tiếng và kích động mâu thuẫn. Họ thường đăng những bức ảnh xác chết và cáo buộc đây là hậu quả những cuộc tàn sát của người Rohingya.
Một trong những chiến dịch nguy hiểm nhất diễn ra vào năm 2017, khi quân đội lan truyền tin giả tới cả nhóm người dân theo đạo Hồi lẫn đạo Phật, tung tin rằng sẽ sớm có một cuộc tấn công từ phe còn lại. Đối với cộng đồng Hồi giáo, tin giả cho rằng những nhà sư có tinh thần dân tộc sẽ sớm biểu tình chống lại người theo đạo Hồi.
Với phe đạo Phật, quân đội lan truyền tin giả rằng sẽ sớm có một cuộc tấn công tự sát để tưởng niệm ngày 11/9. Facebook cho biết thời điểm đó họ đã nhận thấy dấu hiệu bất thường và xóa một số bài đăng, nhưng chưa tìm ra được mối liên hệ với quân đội.
“Quân đội đã tận dụng Facebook. Tôi không muốn nói Facebook đã trực tiếp dẫn tới nạn diệt chủng, nhưng họ phải nhận trách nhiệm và có những hành động thích đáng”, Thet Swe Win, một nhà hoạt động tại Myanmar chia sẻ.
Tới tháng 8 vừa qua, sau khi rất nhiều trang báo lên tiếng về nạn tin giả chống lại người Rohingya, Facebook mới thực sự có hành động. Tới lúc đó, đã có tới hơn 700.000 người Rohingya phải rời Myanmar vì lo ngại bạo lực. Facebook thừa nhận họ đã hành động quá muộn, và sẽ tăng cường các biện pháp để tránh những vụ việc tương tự.
Facebook rất nguy hiểm đối với quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước tôi” - Oo Hla Saw, một luật sư bày tỏ quan điểm.
Tại Myanmar, Facebook rất thông dụng tới nỗi nhiều người cho rằng Facebook chính là Internet. Đó chính là lý do quân đội đã lợi dụng mạng xã hội này để kích động trong nhiều năm.
Moe Htet Nay, một nhà hoạt động nhận xét những chiến dịch của quân đội trên Facebook “mang tính hệ thống”, đôi lúc mối liên hệ giữa các trang và quân đội là rất rõ ràng. Mặc dù Facebook đã xóa trang blog nổi tiếng Opposite Eyes, hashtag với tên trang blog này vẫn cho thấy rất nhiều bài viết cũ mang tính kích động.
Hiện nay, cả Facebook và lãnh đạo dân sự của Myanmar đều nói rằng họ đã nhận biết được nền tảng này có quyền lực lớn như thế nào. Tuy nhiên dường như nhiều người dân đã mất niềm tin vào Facebook.
“Facebook ở Myanmar à? Tôi không thích mạng xã hội này một chút nào. Nó rất nguy hiểm đối với quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước tôi” Oo Hla Saw, một luật sư bày tỏ quan điểm.
Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)