Báo Mỹ: Covid-19 khiến 'cường quốc' phải học hỏi những nước nhỏ bé hơn, với minh chứng rõ rệt nhất là Việt Nam

19/05/2020 20:50:24

Washington Post nhận định, đại dịch Covid-19 thực sự đã làm thay đổi vị thế của nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu.

Ba trong số các cường quốc có nền tảng mạnh mẽ nhất: Mỹ, Anh và Nga hiện tại cũng đang là những ổ dịch lớn và kinh khủng nhất thế giới. Nhiều quốc gia lớn cũng đang vất vả ứng phó với đại dịch vì những nước đi sai từ ban đầu. Trung Quốc - một cường quốc khác hiện đang trong trạng thái phòng thủ, với nhiều lời chỉ trích nhắm vào việc thiếu minh bạch trong thông tin và để đại dịch lan rộng.

Nhưng ở chiều hướng ngược lại, các nước nhỏ bắt đầu có được sự công nhận mới, sau khi cả thế giới chứng kiến cách họ giải quyết dịch bệnh từ sớm và có thành quả đáng ghen tị đến mức nào. Theo Yanzhong Huang - thành viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ: "Các cường quốc hùng mạnh nhất cần phải học tập những nước nhỏ hơn."

"Tôi muốn nhắc lại điều nhà văn Leo Tolstoy từng nói, đó là các nước sẽ thành công giống nhau, nhưng thất bại theo cái cách của riêng họ," - Huang nhận định.

Trong bài viết của Washington Post, có đến 6 quốc gia có thể xem là minh chứng cho nhận định này, và ví dụ điển hình chính là Việt Nam.

Việt Nam - kỳ tích của một nước nhỏ

Ngay cả trong số các quốc gia sớm ngăn chặn dịch bệnh thành công tại châu Á, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Không giàu có như Hàn Quốc, không phát triển mạnh như Singapore, và cũng chẳng thể so sánh với Trung Quốc, nhưng Việt Nam mới có 318 ca nhiễm - với chỉ 60 trường hợp đang được điều trị, và không còn ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hiếm hoi chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào vì Covid-19.

Báo Mỹ: Covid-19 khiến 'cường quốc' phải học hỏi những nước nhỏ bé hơn, với minh chứng rõ rệt nhất là Việt Nam
Ảnh: Inside Vietnam Travel

 

Các chuyên gia Mỹ thực sự ấn tượng với thành quả này. "Việt Nam đã thực hiện những biện pháp đầy mẫu mực để kiểm soát Covid-19," - trích lời Matthew Moore, chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC (Hoa Kỳ) chi nhánh tại Hà Nội. Moore cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã đẩy mạnh quy mô xét nghiệm, cũng như lần dấu ca nhiễm. Chưa kể, Việt Nam còn "thực hiện chiến dịch truyền thông diện rộng để xây dựng sự ủng hộ của công chúng."

Báo Mỹ: Covid-19 khiến 'cường quốc' phải học hỏi những nước nhỏ bé hơn, với minh chứng rõ rệt nhất là Việt Nam - 1
Ảnh: Financial Times

 

Hiện tại, Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế sau khi giao thương quốc tế đang dần dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Theo Huong Le Thu - nhà phân tích Viện chính sách chiến lược Úc, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã góp phần "củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, và gia tăng niềm tin của công chúng đối với chính phủ lâm thời."

Tiếp theo là những ví dụ khác, về các trường hợp đất nước nhỏ bé nhưng đạt được thành công khi chống lại dịch Covid-19.

Georgia

Khi cơn cuồng loạn Covid-19 xảy ra với nước Nga láng giềng, tình hình tại Georgia lại khá yên bình. Quốc đảo chỉ có 3,75 triệu dân này hiện tại có số ca nhiễm dưới 700, 12 trường hợp tử vong và nhận được lời khen ngợi từ Tổ chức y tế thế giới WHO.

Báo Mỹ: Covid-19 khiến 'cường quốc' phải học hỏi những nước nhỏ bé hơn, với minh chứng rõ rệt nhất là Việt Nam - 2

Thành quả trên đến từ những hành động kịp thời của chính phủ, chẳng hạn như sớm thiết lập trạm kiểm tra nhiệt độ tại các sân bay ngay từ tháng 1/2020, đồng thời giới hạn các chuyến bay quốc tế. Với việc số ca nhiễm mới đang giảm dần, Georgia hiện đang trên đà tái mở cửa. Theo David Bakradze, đại sứ của Georgia tại Hoa Kỳ, văn phòng của ông đang nhận được nhiều đơn đăng ký du lịch từ người Mỹ.

Bản thân việc có diện tích nhỏ bé cũng giúp Georgia dễ kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước - theo nhận định của Bakradze.

Ghana

Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng, nhiều chuyên gia lo ngại khu vực châu Phi cận Sahara trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Dẫu vậy thì 3 tháng trôi qua, một số quốc gia tại châu Phi vẫn cho thấy tình hình sáng sủa hơn hẳn so với Bắc Mỹ và châu Âu.

Như Ghana - quốc gia tại Tây Phi với hơn 30 triệu dân, chính phủ hiện đã xét nghiệm hơn 161.000 người và xác nhận 5600 ca nhiễm, với 28 trường hợp tử vong. Đây là tỉ lệ xét nghiệm cao thứ 2 toàn châu Phi, và điều này cho phép nhà chức trách lần vết dịch bệnh rất nhanh, thậm chí xác định được ổ dịch tại nhà máy chế biến cá - nơi có bệnh nhân siêu lây nhiễm khiến 533 người mắc bệnh.

Theo Osman Dar - giám đốc Chương trình Sức khỏe toàn cầu (London, Anh), Ghana được hưởng lợi nhờ cơ cấu dân số trẻ, với chỉ 3% người già trên 65 tuổi. Tuy nhiên, quan chức Ghana cho biết mấu chốt của vấn đề nằm ở việc họ chủ động sử dụng ngân quỹ để kìm hãm dịch bệnh, thay vì trông chờ vào viện trợ quốc tế.

Costa Rica

Costa Rica là quốc gia Mỹ Latin đầu tiên xác nhận có ca nhiễm virus corona vào ngày 6/3. Sau 2 tháng, quốc gia 5 triệu dân đã dần nới lỏng phong tỏa, với tổng cộng dưới 850 ca nhiễm và 10 trường hợp tử vong. Họ trở thành hình mẫu chống dịch lý tưởng trong khu vực.

Báo Mỹ: Covid-19 khiến 'cường quốc' phải học hỏi những nước nhỏ bé hơn, với minh chứng rõ rệt nhất là Việt Nam - 3

Theo Juliana Martinez-Franzoni - phó giáo sư ĐH Costa Rica, có 2 yếu tố giúp đất nước đạt được thành công. Đầu tiên là "hệ thống y tế rất mạnh," và hai là việc chính phủ rất linh động trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ. "Người dân tin tưởng chính phủ, tin tưởng chính quyền địa phương sẽ giúp họ vượt qua khủng hoảng."

Lebanon

Khi dịch bệnh xuất hiện, Lebanon vốn đã đang phải chịu đựng khủng hoảng kinh tế cùng những rắc rối về chính trị. Nói cách khác, họ bị đặt vào một tình thế hết sức đáng sợ.

Tuy nhiên, hành động ứng phó nhanh của chính quyền trước dịch bệnh đã giúp họ thoát khỏi viễn cảnh tồi tệ nhất. Lebanon bắt đầu phong tỏa chỉ 1 tuần sau khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện vào tháng 2. Việc hành động sớm đã giúp họ giữ được số ca nhiễm chỉ hơn 900, với 26 trường hợp tử vong.

New Zealand

Ngày 23/3, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát lời cảnh báo rằng toàn quốc chỉ có 48h để chuẩn bị cho đợt phong tỏa cấp độ 4 - cũng là mức cao nhất. "Chúng ta đang có 102 ca nhiễm, nhưng nước Ý trước kia cũng vậy," - trích lời của thủ tướng Ardern khi ấy.

Sau đó 6 tuần, vào cuối tháng 4/2020, New Zealand dần nới lỏng phong tỏa. Đất nước 5 triệu dân có tổng cộng 1498 ca nhiễm với 21 trường hợp tử vong. Trong tuần qua, lần đầu tiên đất nước không có bất kỳ ca nhiễm mới nào kể từ thời điểm tiến hành phong tỏa.

Theo J.D (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật