Báo Mỹ: Ankara trở thành rào cản tiêu diệt IS ở Syria

04/01/2016 11:03:38

Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ đã chỉ rõ những âm mưu và thủ đoạn của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ đã chỉ rõ những âm mưu và thủ đoạn của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi trò nguy hiểm chống IS ở Syria

Mới đây tờ “Nhật báo phố Wall” (Wall Street Journal) đã đăng tải bài viết phân tích rõ chính sách mà Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai và áp dụng tại Syria.

Tờ báo nhận định, cho đến giờ, khi mà cả thế giới đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đánh bại nhóm IS, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cuộc chơi như hồi năm 2011.
Khi cuộc nội chiến Syria nổ ra hồi năm 2011, Ankara là một trong những nước đầu tiên “đầu tư lớn” cho việc lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Mặc dù trải qua một thập kỷ có quan hệ nồng ấm với Syria, nhưng Tổng thống Erdogan đang nỗ lực đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc thống trị khu vực. Tình hình tại Syria kể từ khi đó đến nay đã thay đổi rất nhiều- song chiến lược của ông Erdogan thì không.

Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành rào cản ngăn chặn việc giải quyết cuộc xung đột. Ankara gây chiến với người Kurd tại Syria- lực lượng chống IS hiệu quả nhất tại đây. Và quốc gia này cũng là nơi tiếp nhận mạng lưới các phần tử thánh chiến có tổ chức.

Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ đã chỉ rõ những âm mưu và thủ đoạn của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS tại Syria.


Nhật báo phố Wall còn nhận định, trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thúc đẩy một chính quyền với đa số người Hồi giáo dòng Sunni tại Syria được điều hành bởi chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo tại địa phương. Điều này sẽ dẫn đến việc hai đối thủ trong quá khứ của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga và Iran mất đi một đối tác quan trọng.

Kế hoạch này rất đơn giản và rõ ràng nhưng Ankara không hề dễ dàng có thể thực hiện được. Chính quyền Syria do Tổng thống Assad lãnh đạo được sự giúp đỡ của Moskva vẫn kiên cường chống trả, thêm vào đó phương Tây còn từ chối can thiệp và không thực hiện “đòn kết liễu”.

Nhật báo phố Wall dẫn chứng thêm: “Mùa Hè năm 2015, Chính quyền Tổng thống Erdogan đã đưa ra một thỏa thuận quan trọng cho phép Mỹ sử dụng hai căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công IS. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỹ vẫn dùng những căn cứ đó để tấn công các lực lượng người Kurd tại Iraq và Syria. Chính quyền ông Erdogan hiện quan tâm đến việc hạn chế sức mạnh của người Kurd tại Syria hơn là đánh bại IS”.

Từ thực tế trên, tờ  báo đi đến kết luận chính quyền Ankara  đã khiến giới chức chính quyền châu Âu, truyền thông và các học giả chuyển từ cách nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ như là một thế lực ôn hòa, có tầm ảnh hưởng đối với sự ổn định khu vực và phát triển kinh tế thành một nước ngầm ủng hộ, nếu không muốn nói là tài trợ toàn bộ, cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ còn được coi là đồng minh nguy hiểm có khả năng nhấn NATO vào một cuộc xung đột không mong muốn với Nga.

Bản chất hai mặt của Thổ Nhĩ Kỳ

Những phân tích của tờ Nhật báo phố Wall lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về cuộc chơi nguy hiểm của Ankara tại Syria trong cuộc chiến chống IS. Thái độ hời hợt và tham vọng cá nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến những nỗ lực của Nga và liên quân các nước nhằm vào phiến quân Hồi giáo không phát huy hết những hiệu quả.

Thực tế trước đó nhiều nước cũng bày tỏ lo ngại về những biện pháp  mà chính quyền Tổng thống Erdogan đang triển khai tại quốc gia Trung Đông này.

Nga là nước đầu tiên đứng ra vạch mặt những âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ trong các hoạt động tại Syria. Sau hành động đơn phương bắn hạ máy bay Su-24 Nga, Tổng thống Putin đã không ngần ngại khẳng định, chính quyền Tổng thống Erdogan là “những kẻ đồng lõa với các phần tử khủng bố”.

Bao My: Ankara tro thanh rao can tieu diet IS o Syria
Chính quyền Tổng thống Erdogan đã từng bị nhiều nước tố cáo là đồng lõa với phiến quân IS.
Sau tuyên bố gay gắt trên, điện Kremlin đã đưa ra nhiều bằng chứng tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ đang có hoạt động buôn bán dầu lậu với phiến quân IS qua khu vực biên giới. Nhiều hình ảnh về những xe chở dầu đã được Moskva công bố.

“Sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ đang ăn cướp từ các nước làng giềng. Theo những số liệu chúng tôi thu thập được, lãnh đạo chính trị của quốc gia này trong đó có Tổng thống Erdogan và gia đình ông ấy đã can dự vào hoạt động tội phạm này”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov từng nhấn mạnh.

Sau tuyên bố của Nga, Iran và Iraq cũng lần lượt lên tiếng cáo buộc Ankara đang có hoạt động buôn dầu trái phép với lực lượng IS.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 7/12 khẳng định: “Một số lượng dầu mỏ lớn đã được IS tuồn ra thị trường chợ đen với sự hỗ trợ đắc lực từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đồng thời, ông al-Abadi cũng kêu gọi Ankara dừng ngay mọi hoạt động hỗ trợ IS bởi việc chấm dứt việc buôn bán dầu mỏ của IS sẽ giúp cắt đứt nguồn tài chính quan trọng của tổ chức này.

Thậm chí theo tiết lộ của ông Jabbar al-Ma'mouri thì Bagdad còn tịch thu được một chiếc điện thoại của tên chỉ huy IS bị bắn hạ có chứa những  nội dung cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang bí mật tiếp tay cho khủng bố.

Tuy nhiên trước những cáo buộc này, chính quyền Ankara thường phủ nhận hoặc chọn giải pháp im lặng.

Dù từng là đồng minh thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thời gian gần đây, trước những hành động có phần ngoan cố và hiếu thẳng của Ankara, Nhà Trắng đang dần mất kiên nhẫn và tỏ thái độ lạnh nhạt với chính quyền Erdogan.

Ngày 27/11, một quan chức cấp cao trong Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã miêu tả với báo giới tình hình hiện nay là “một mối đe dọa quốc tế, tất cả đều bắt nguồn từ Syria và sẽ tràn qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Với những chính sách mà Ankara đang áp dụng, nước này đang ngày càng bị cô lập và làm kéo dài cuộc khủng hoảng tồi tệ tại quốc gia Trung Đông này. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn bị nhắc đến là  “một kẻ phản động bị ruồng bỏ”.
 
>> Đế chế dầu mỏ bí mật tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ
>> Thổ Nhĩ Kỳ bị tố tiếp tay cho IS sản xuất chất độc thần kinh

Theo Hùng Dũng (Đất Việt)